Nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, ngày 8 - 9, Hội Người mù Việt Nam tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II (2015 - 2020). Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh dự.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại Đại hội Hội Người mù Việt Nam
Vượt qua bóng tối
Theo báo cáo của Hội Người mù Việt Nam, trong 5 năm qua, Hội Người mù Việt Nam đã phát triển được ở 10 tỉnh, thành hội, nâng tổng số địa phương có tổ chức Hội lên 54 tỉnh, thành. Đặc biệt, bước sang năm 2015, toàn hội dấy lên phong trào thi đua từ cơ sở đến các tỉnh, thành Hội và Trung ương Hội.
Qua phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống như anh Nguyễn Văn Chung, hội viên Hội Người mù huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ khi mới lọt lòng, Chung đã bị mất đi nguồn ánh sáng. Chia sẻ về những năm tháng gian khó của mình, Chung cho biết: Trải qua bao năm tháng, mặc dù vẫn được lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình, sự nồng ấm của dòng sữa mẹ nhưng ngày ngày nghe tiếng bạn bè chạy nhảy nô đùa, lòng em thắt lại. Nhất là khi bạn bè cùng trang lứa được cắp sáng tới trường thì khao khát được đi học trong em dâng lên dữ dội. Không được đi học như các bạn, Chung đành phải đứng ngoài cửa sổ để nghe những tiếng đánh vần trong lớp. Trong lúc cuộc đời đang trải qua những tháng ngày tuyệt vọng nhất thì vân may đã đến với em. Tháng 6 – 1999, Chung được Hội Người mù Kỳ Anh cho đi học chữ Braille và hòa nhập với các bạn cùng cảnh ngộ. Vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, năm học lớp 11 và 12 Chung đã đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Khi bước chân vào Đại học, Chung đã luôn hoàn thành tốt chương trình văn hóa và tham gia công tác đoàn và làm chủ nhiệm CLB “Vì cộng đồng” trường Đại học Khoa học Huế.
Hay như chị Nghiêm Thị Thu Trang, Hội viên Người mù huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Mặc dù bị bệnh Glocom từ nhỏ nhưng Trang đã được bố mẹ cho đi học hòa nhập. Biết được điểm, Trang đã tìm mọi cách chứng minh cho thầy cô giáo và bạn bè thấy được khả năng của mình. Từ việc tự mày mò học bài ở nhà trước khi đến lớp cho đến việc tham gia sinh hoạt cộng đồng và trở thành người lãnh đạo CLB “Hoa Đá” của trường ĐHKHXH&NV. Trò chuyện với chúng tôi, Trang cho biết: Tạo hóa đã ưu ái ban cho con người một đôi mắt để nhìn đời và để làm duyên. Thật tuyệt vời vì tạo hóa cũng rất bao dung khi dậy cho con người cách nhìn bằng trái tim nồng ấm. Cứ như vậy, nếu ai đó không nhìn được bằng mắt thì họ vẫn có thể đón nhận ánh sáng bằng cả tâm hồn chân thật. “Dù hoàn cảnh có nghiệt ngã đến đâu cũng không thể khuất phục ý chí và nghị lực của mình”, Trang cho biết.
Tiếp tục nhân rộng các điển hình
Đại hội cũng xác định 5 năm tới, Hội Người mù Việt Nam phấn đấu hàng năm có 100% đơn vị các cấp Hội phát động, đăng ký thi đua và tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, khen thưởng kịp thời đối với phong trào thi đua của Nhà nước, của Hội; Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cấp Hội đề ra, thiết thực góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Hội và của địa phương; Nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên, làm cho phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người mù và tổ chức Hội Người mù ngày càng vững mạnh.
Thay mặt UBTƯMTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng: Hội Người mù Việt Nam là tổ chức thành viên UBTƯMTTQ Việt Nam và UBTƯMTTQ Việt Nam đánh giá cao phong trào thi đua của hội trong 5 năm qua. Thực hiện lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế”, người mù, người khiếm thị đã chủ động vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó Hội cũng đã có nhiều phong trào thi đua để khuyến khích người mù, con của người mù vươn lên. Hội cũng đã có nhiều hình thức thi đua, khuyến khích động viên người mù vượt khó vươn lên đạt kết quả cao trong học tập. Năm năm qua, đã có 64 hội viên thi đỗ vào các trường ĐH – CĐ, có nhiều hội viên đã đạt được những thành tích xuất sắc trong học tập, trở thành những tấm gương sáng trong phong trào học tập, rèn luyện.
Phó chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh: Hội đã xác định việc làm cho người mù không chỉ là nhu cầu của cuộc sống mà còn là sự khát khao được bình đẳng trong gia đình và ngoài xã hội. Hội còn đặc biệt quan tâm dạy nghề, tạo việc làm và cho vay vốn đối với hội viên. Đến nay, Hội đã có 367 cơ sở sản xuất với nhiều mô hình khác nhau, thu hút khoảng 4000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo là người mù xuống còn 25%. Từ các phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua, đã xuất hiện nhiều tấm giương điển hình tiên tiến được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng.
Phó chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị, Hội người mù Việt Nam tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 34 – CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và Luật thi đua khen thường. Tiếp tục thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, CVĐ “tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng” và chương trình hành động trong việc xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2013 – 2018. Mong Trung ương hội tổ chức tốt các phong trào thi đua, nhân rộng các mô hình tiên tiến, hướng về cơ sở để thu hút cán bộ hội viên hăng hái tham gia, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp hội để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho hội viên. Mong rằng 9 tỉnh còn lại chưa thành lập tổ chức hội sẽ nhanh chóng được thành lập để làm chỗ dựa, để người mù tham gia và có cơ hội hòa nhập xã hội như các nơi đã thành lập và đạt được kết quả. Nhân dịp này, Hội Người mù Việt Nam vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều đóng góp cho công tác Hội giúp người mù hòa nhập cộng đồng.