Với sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin những giá trị truyền thống đang bị lấn át bởi các trào lưu hiện đại, ngoại nhập. Thế nhưng với nỗ lực không ngừng nghỉ có rất nhiều người trẻ đang miệt mài bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của cha ông.
Khi nhắc đến cụm từ “văn hoá truyền thống” có lẽ với nhiều bạn trẻ thời nay đó là những thứ xưa cũ, lạc hậu, không hợp thời đại. Tuy nhiên, trong những năm qua quan niệm này đã và đang dần thay đổi khi có chung tay của những người trẻ, thậm chí là những người nổi tiếng. Ngay trên mạng xã hội không khó để tìm ra những hội nhóm các bạn trẻ cùng chung sở thích, đam mê với nghệ thuật truyền thống. Tại những hội nhóm này không chỉ là diễn đàn trao đổi mà thông qua đó rất nhiều dự án bảo tồn nghệ thuật truyền thống đã ra đời.
Có thể kể đến các dự án của Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương; Ethnicity, CLB My HaNoi… Ở đó, với cách truyền tải giữa những người trẻ với nhau các giá trị nghệ thuật truyền thống đã dần lan toả sâu rộng hơn trong cộng đồng. Các làn điệu chèo, ca trù, xẩm… đến các trò chơi dân gian không chỉ được giới thiệu trực tiếp mà chính người trẻ còn tham gia thực hành. Như CLB My HaNoi đã mang những trò chơi dân gian như nhảy dây, ô ăn quan, những gánh hàng rong chất đầy bánh do, bánh nếp, bánh tẻ... đến gần hơn với giới trẻ trong phố đi bộ quanh Hồ Gươm.
Những trò chơi tuy đơn giản nhưng nó chính là sức sống, giúp phố đi bộ thêm phần sinh động và nhộn nhịp.
Theo Chủ nhiệm CLB My HaNoi Ngô Quý Đức cho biết, ban đầu, mục đích thành lập CLB là mong muốn được thỏa mãn niềm đam mê khám phá lịch sử, văn hóa Hà Nội và tìm kiếm những người bạn có chung sở thích. Sau nhiều chuyến đi thực tế về các làng nghề, trong đó có những làng trước đây chuyên làm đồ chơi truyền thống, nhận thấy chúng đang dần mai một, tôi và những người bạn mong muốn làm một điều gì đó giúp những người thợ thủ công tài hoa cuối cùng còn gắn bó với nghề ở Hà Nội. Từ đó, nhiều sự kiện do CLB tổ chức đều lồng ghép thêm trò chơi dân gian nhằm vừa tạo không gian sôi động, thu hút người tham gia, vừa góp phần quảng bá các sản phẩm đồ chơi truyền thống cũng như các trò chơi truyền thống. Giờ đây, trò chơi dân gian trong khu phố đi bộ được duy trì một cách đều đặn vào mỗi dịp cuối tuần.
Không chỉ các dự án cộng đồng, phi lợi nhuận, cách bảo tồn các giá trị nghệ thuật cũng đang được những người trẻ phát triển ngày chuyên nghiệp. Đơn cử như về lĩnh vực âm nhạc trong những năm qua là cuộc “đổ bộ” của hàng loạt các khúc pha trộn giữa văn hoá truyền thống và hiện đại. Trong đó, nhiều ca sĩ trẻ đã mạnh dạn chọn lựa đưa yếu tố văn hóa dân tộc vào sản phẩm của mình, tạo nên làn gió mới và nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả.
Đơn cử như Tấm Cám, Bánh trôi nước, Truyện Kiều… đều trở thành nguồn cảm hứng cho những sản phẩm âm nhạc “triệu views” của người trẻ hôm nay. Chính góc nhìn mới mẻ đã mang tới cho các nghệ sĩ trẻ sự sáng tạo trong việc tái hiện lại những nhân vật văn học vốn quen thuộc với bao thế hệ người Việt Nam. Theo đuổi dòng nhạc dân gian, ca sĩ Ngọc Khuê nhìn nhận, văn hóa dân gian luôn trường tồn cùng dòng chảy xã hội, đặc biệt là với những nghệ sĩ trẻ, những người tìm tòi cái mới. Tôi ủng hộ các sáng tạo mới của ca sĩ, nhạc sĩ trẻ gần đây. Họ mang đến làn gió mới cho bức tranh đa sắc màu của nghệ thuật Việt Nam. Có những chất liệu dân gian tưởng như không còn phù hợp xu thế đương đại nhưng với các nghệ sĩ thì họ rất giỏi, họ làm nên những tác phẩm mới - vừa dân gian, vừa hiện đại, làm mới trên chất liệu đương đại, vì thế những người yêu nghệ thuật đều chấp nhận, yêu thích và các sản phẩm đó đều được đón nhận.
Hay như về cổ phục, với nhiều người giờ đây đã không còn xa lạ với chàng trai 9x Nguyễn Đức Lộc. Từ đam mê với cổ phục sau một thời tìm hiểu, nghiên cứu các sản phẩm của Nguyễn Đức Lộc hiện nay không chỉ xuất hiện trong các buổi trình diễn, triển lãm mà còn góp mặt trong các dự án phim cổ trang. Nói về quan điểm của người trẻ với văn hoá truyền thống, nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc cho rằng, nếu như thế hệ cha mẹ chúng ta trước đây còn phải lo đến việc ăn no, mặc ấm, gán cho văn hóa những định kiến cổ hủ, lạc hậu… thì thế hệ trẻ ngày nay lại khác, không trải qua thời kỳ chiến tranh, bao cấp, cũng không phải lo ăn no, mặc ấm mà tìm đến những điều tốt đẹp hơn.
Điều kiện tiếp xúc với các nền văn hóa nước ngoài rất nhiều nên người trẻ có tư duy cởi mở hơn, thoáng hơn, không bị những định kiến trói buộc như thế hệ trước. Bên cạnh đó, nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc nhìn nhận, toàn cầu hóa vừa là thời cơ nhưng cũng đồng thời là thách thức không nhỏ đối với việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, quốc gia trong bối cảnh và đặc điểm mới của thế giới hiện đại.
Việc tiếp xúc với nhiều nền văn hóa được du nhập vào Việt Nam giúp giới trẻ có cơ hội bước ra và hội nhập với thế giới nhanh hơn. Các công cụ như Internet, mạng xã hội... cũng giúp người trẻ đưa văn hóa truyền thống Việt Nam đến với thế giới tốt hơn, rõ nét hơn. Tuy nhiên, thách thức mà toàn cầu hóa, hội nhập mang lại cũng không ít, đó là phải phân định được thế nào là văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của Việt Nam, thế nào là sự giao thoa, kế thừa… thì giới trẻ cũng cần tỉnh táo để nhận thức được điều đó.
“Thực tế cho thấy, càng có điều kiện hòa mình vào thế giới văn minh của nhân loại, tuổi trẻ càng dễ trở nên bị mất phương hướng nếu không có bản lĩnh, trình độ văn hóa cần thiết, thậm chí có thể tự đánh mất mình nếu không được hưởng thụ dưỡng chất văn hóa tốt đẹp của ông cha để lại”- nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc nói.
Với những cách tiếp cận, cách làm khác nhau không thể phủ nhận cùng giới trẻ đang đóng một vai trò quan làm cầu nối lan toả các giá trị văn hoá truyền thống. Cho dù, không hẳn dự án nào cũng thành công và thậm chí nhận được những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, với những gì mà các bạn trẻ đang làm đã mở ra một hướng đi mới cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa truyền thống phi vật thể với nhiều ứng dụng thực tiễn trong đời sống là điều cần được khuyến khích, nhân rộng.