Ngày 22/8, bên lề Hội nghị Ngoại giao 29, trao đổi với báo chí về dự cảm quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sau bầu cử Tổng Thống Mỹ diễn ra vào cuối năm nay, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh cho rằng: Chiến lược và chính sách an ninh chung của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục gắn kết với khu vực Châu Á - Thái Bình dương, tiếp tục coi trọng hòa bình ổn định hợp tác với khu vực này, tiếp tục coi trọng hợp tác với ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Đại sứ Phạm Quang Vinh.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam đến năm nay là 21 năm. Trong thời gian đó đã có những bước phát triển và điều quan trọng nhất là hai bên đã thiết lập được khuôn khổ ổn định và lâu dài đó là quan hệ đối tác toàn diện được thông qua từ năm 2013. Tiếp đó là nhiều chuyến thăm cấp cao và nhiều hoạt động dựa trên khuôn khổ đó. “Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên tới Hoa Kỳ tháng 7-2015 đã khẳng định lại quan hệ và định hướng quan hệ trong thời gian tới; và chuyến thăm của Tổng thống Obama vào tháng 5 vừa qua đã tiếp tục tạo đà cho quan hệ song phương”- Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.
PV:Thưa Đại sứ, ông đánh giá thế nào về hợp tác đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Duy trì, củng cố và phát triển quan hệ trên các lĩnh vực như khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện đề ra là lợi ích song trùng của cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Quan trọng là làm sao khai thác hết tiềm năng của mối quan hệ đó, phát huy những lĩnh vực mà hai bên còn có thế mạnh. Ví dụ, về chính trị chắc chắn việc tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, các cấp, đồng thời thúc đẩy lòng tin, tôn trọng các nguyên tắc chỉ đạo của quan hệ như bình đẳng, cùng có lợi trong đó có vấn đề tôn trọng thể chế chính trị của nhau là rất quan trọng. Về hợp tác kinh tế, còn nhiều tiềm năng để hai bên khai thác, có những cơ hội mới mang lại do sự phát triển năng động của khu vực để quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được tăng cường và chúng ta có thể khai thác được thêm.
Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn và mạnh, đầu tư hiện nay của Hoa Kỳ vào Việt Nam mới khoảng 11 tỷ USD, đứng thứ 7 các nước đầu tư vào Việt Nam. Rõ ràng là còn rất nhiều tiềm năng để Hoa Kỳ tăng đầu tư hơn nữa. Nhưng cách đầu tư của Hoa Kỳ không phải là nước đi cung cấp ODA mà là làm sao tạo ra những khuôn khổ pháp lý để các nhà đầu tư, các công ty doanh nghiệp đầu tư vào. Do vậy phía ta cũng phải chủ động. Hay mảng giáo dục, khoa học kỹ thuật, sáng tạo là những lĩnh vực rất mạnh của Hoa Kỳ, là những lĩnh vực ta có thể tranh thủ được rất nhiều
Đại sứ đánh giá như thế nào về mức độ hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
-Chúng ta đang khai thác thị trường Hoa Kỳ một cách có lợi nhất cho Việt Nam. Nếu tính về giá trị tuyệt đối thì có lẽ đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện tại. Điều đó là rất tốt nhưng liệu có thể có làm thêm được gì không và nên như nào thì tôi cho rằng có nhiều việc. Thứ nhất là những điều kiện và tiêu chuẩn đối với hàng hóa, không phải chỉ riêng hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ mà tất cả các nước khác, chúng ta nên nghiên cứu và cố gắng đáp ứng.
Thứ hai là chính sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường Hoa Kỳ cũng tạo ra nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Như vậy chúng ta phải nắm rõ luật chơi, không để những kẽ hở của pháp luật.
Khi chúng ta tham gia vào các hiệp định FTA mới, tham gia TPP với những điều kiện mở cửa thị trường thì rõ ràng là cuộc đấu tranh của Việt Nam với việc công nhận quy chế thị trường phải nâng lên hơn nữa. Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao bên ngoài cần phát huy khu vực tiềm năng, thế mạnh, đồng thời khi có tranh chấp thì tham gia vào đấu tranh trong những tranh chấp đó.
Với thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tìm kiếm xem mình có lợi thế gì rồi giới thiệu cho các cơ quan đại diện ngoại giao để đi tìm đối tác, tìm cách thúc đẩy cho những mặt hàng doanh nghiệp có thế mạnh. Chừng nào tiếp thị kinh tế đối ngoại vẫn còn nói chung chung mà không nói cụ thể từng mặt mạnh, từng lĩnh vực của doanh nghiệp thì chừng đó còn khó hội nhập. Do vậy, giữa các nhà hoạt động đối ngoại, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
TPP là việc rất phức tạp và khó khăn. Nước Mỹ có lợi ích trong việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do TPP vừa có tính kinh tế thương mại, vừa có tính chiến lược. Vào thời điểm hiện tại, TPP đang là một vấn đề của tranh cử ở nước Mỹ cho nên xu hướng bảo hộ mậu dịch, xu hướng hướng nội đang làm cho TPP ít gặp sự ủng hộ hơn. Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác về gìn giữ hòa bình LHQ, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh (tháo gỡ bom mìn, tẩy độc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam). Hợp tác và xây dựng về năng lực an ninh hàng hải sẽ được tiếp tục trong đó có những đào tạo về kỹ thuật chuyên môn. Còn việc dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí và hợp tác cụ thể thì trước hết Việt Nam còn cần tính xem nhu cầu của mình ra sao. Thứ hai, phía Mỹ khả năng cung cấp đến đâu và cuối cùng là có phù hợp với chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam hay không. |