Đến Hà Giang lần đầu, ai cũng trải qua cảm giác rờn rợn trước những đèo cao, vực sâu và trùng trùng núi đá. Cheo leo trên những vách núi, là những bản làng. Người làm công tác Mặt trận ở đây luôn gặp vô vàn khó khăn.
Cán bộ đi từ xã đến bản lắm khi mất nửa ngày đường. Nhận thức đồng bào còn có mặt hạn chế. Nhưng thật may, việc đoàn kết nhân dân luôn có chỗ dựa vững chắc: Đó là những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng - những đại thụ chốn biên cương.
Người uy tín đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang.
Cũng nằm ở vùng địa đầu Tổ quốc, nhưng không mấy ai biết đến địa danh Thàng Tín (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang). Một phần cũng vì đường xá xa xôi, hiểm trở. Chính sách ở trên ban hành, xuống đến thôn bản chậm là điều dễ hiểu.
Phần lớn bà con nhân dân Thàng Tín là người dân tộc thiểu số. Cuộc sống còn khó khăn. Công tác Mặt trận ở đây nặng nề. Vừa vận động nhân dân đoàn kết làm ăn, vừa động viên nhân dân biết bảo vệ biên giới, không đi lại tự do qua biên giới trái phép. Không dựa vào người có uy tín trong cộng đồng, công cuộc vận động khó thành. Ở Thàng Tín, ai cũng biết đến ông Vàng Chỉn Tờ- nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Nghỉ công tác Mặt trận, ông tiếp tục về làm Bí thư Chi bộ thôn Giáp Trung. Dù đã qua tuổi 70, nhưng ông Tờ vẫn khoẻ mạnh, bước chân chắc nịch dù phải đi qua những vách núi cheo leo. Từng sống qua thời kỳ chiến tranh biên giới, ông Tờ hiểu được giá trị của từng tấc đất, nơi quân dân ta phải bảo vệ bằng hy sinh xương máu.
Thôn Giáp Trung có gần 50 hộ, một nửa là hộ nghèo. Cái nghèo, cộng với thiếu cái chữ nên đôi khi, thanh niên kém ý thức, vượt biên trái phép đi lao động. Ông Tờ biết điều đó và đến từng nhà nhắc nhở. Ông kể: “Mình phải động viên nhân dân nhiều lắm, để tuân thủ pháp luật, không nghe người xấu xúi giục, không được vượt biên trái phép”. Ông cười nói thêm: “Mình là người Mông mà, nói tiếng Mông đồng bào nghe lắm”. Bây giờ, thanh niên Giáp Trung đã thay đổi, mỗi khi sang bên kia biên giới đều đến chính quyền báo cáo.
Không chỉ chính quyền, Mặt trận, mà Bộ đội Biên phòng đều rất quý mến ông Tờ. Giáp Trung được chọn để xây dựng thôn người Mông kiểu mẫu bài trừ những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, ăn ở hợp vệ sinh hơn… Ông Tờ lại tiên phong vận động loại bỏ được vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh nhiều con, chấp hành hương ước...
Ông Vàng Chỉn Tờ chỉ là một trong gần 1.800 người có uy tín trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Hoạt động của ông Tờ là hình ảnh chung của những người có uy tín trên địa bàn tỉnh.Trong giai đoạn 2018 - 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt 1.972 người có uy tín thuộc 16 dân tộc. Họ là những già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn; bao gồm các chức sắc tôn giáo, nghệ nhân dân gian, cán bộ, công chức nghỉ hưu, người sản xuất, kinh doanh giỏi... Do được bầu chọn, suy tôn từ cộng đồng nên vai trò của người có uy tín rất quan trọng; tiếng nói của họ có sức thuyết phục. Từ nhận thức trên, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp của tỉnh đã không ngừng phát huy vai trò người uy tín trong vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới; gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc…
Huyện Quản Bạ có 107 người có uy tín. Đặc điểm nổi bật ở Quản Bạ là nhiều người có uy tín là những người gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế... Đó là anh Vương Trung Hùng, dân tộc Nùng, thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận; ông Dương Đức Thắng, dân tộc Tày, thôn Nà Sài, xã Đông Hà; Lý Đại Minh, dân tộc Dao, thôn Trúc Sơn, xã Quản Bạ… Những năm qua, họ đã tích cực vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, hướng dẫn đồng bào phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo. Nhiều hộ gia đình biết nuôi bò, lợn đen và trồng rau sạch an toàn theo hướng hàng hoá...
Ông Triệu Hữu Quý là người có uy tín tại thôn Lùng Thàng, xã Quyết Tiến chia sẻ: “Để được người dân tin tưởng và tín nhiệm, mình và người thân trong gia đình phải làm gương trong lao động, sản xuất và chấp hành tốt đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, tích cực giúp đỡ mọi người phát triển kinh tế; đồng thời, phải nắm được tâm tư, nguyện vọng của mọi người trong thôn để kịp thời thuyết phục, hòa giải thấu tình, đạt lý các vụ việc phát sinh trong cộng đồng”.
Vai trò người có uy tín ở Yên Minh cũng luôn được quan tâm. Ông Sầm Xuân Giang-Trưởng ban Dân tộc huyện Yên Minh, cho biết: Toàn huyện có 282 người có uy tín. Trong đó, người có uy tín đã rất tích cực vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Điển hình như ông Cứ Mí Dương - Bí thư Chi bộ thôn Bản Lý, xã Du Tiến. Với vai trò người uy tín trong cộng đồng, ông luôn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa; vận động mọi người đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau, quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo.
Ông Dương chia sẻ: “Bản Lý hiện nay có 47 hộ, trên 245 khẩu, chủ yếu là đồng bào Tày và Mông, phần lớn sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Muốn vận động bà con, bản thân tôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chi bộ và các đoàn thể thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước tại địa bàn, tích cực vận động người dân chủ động tham gia các hoạt động, phong trào, mô hình phát triển kinh tế - xã hội”.
Hà Giang có gần 840 nghìn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87,3% dân số. Trong điều kiện dân trí chưa cao, địa hình phức tạp, việc vận động bà con luôn gặp khó khăn. Nhưng nhờ thực hiện tốt chính sách dân tộc, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng, các bản làng Hà Giang đang đổi mới. Cùng với đó, người có uy tín còn là nòng cốt, đi đầu trong việc tham gia các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng “Mái ấm biên cương”, góp phần bảo vệ an ninh đường biên trong suốt những năm qua.
Giai đoạn 2018 - 2022, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt 1.972 người có uy tín thuộc 16 dân tộc. Họ là những già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn; bao gồm các chức sắc tôn giáo, nghệ nhân dân gian, cán bộ, công chức nghỉ hưu, người sản xuất, kinh doanh giỏi... Do được bầu chọn, suy tôn từ cộng đồng nên vai trò của người có uy tín rất quan trọng; tiếng nói của họ có sức thuyết phục lớn đối với thành viên, chi phối hầu hết hoạt động trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân các dân tộc.