Cảnh tượng hàng nghìn người tham gia đại tiệc âm nhạc tại một công viên nước ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc mà không đeo khẩu trang hoặc giãn cách xã hội có vẻ như là một trò đùa tàn nhẫn đối với các quốc gia khác, nơi không có biện pháp nào có thể ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Vũ Hán là nơi đầu tiên phát hiện các ca nhiễm Covid-19 vào cuối năm 2019. Thành phố 11 triệu dân này và phần lớn tỉnh Hồ Bắc đã bị đóng cửa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để ngăn chặn sự lây lan của virus.
AFP đưa tin, theo thông báo của địa phương, công viên nước mới chỉ chính thức hoạt động với 50% công suất, nhưng không một ai trong số những người tham đại tiệc hồ bơi chật kín được nhìn thấy đeo khẩu trang.
AFP nhấn mạnh thêm rằng, cho đến nay, chưa có báo cáo nào về các ca nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng tại tỉnh Hồ Bắc kể từ giữa tháng 5. Lệnh cấm 76 ngày đã được dỡ bỏ vào tháng 4.
Trong khi các quốc gia châu Á lân cận như Hàn Quốc và Nhật Bản quản lý bằng cách theo vết những người bị nhiễm bệnh và dập dịch mà không phong tỏa hoàn toàn, thì hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đều thực hiện theo mô hình Vũ Hán ở một mức độ nào đó, tuy nhiên đều không đạt được kết quả tương tự.
Mỹ hiện đã phải phong tỏa một phần đất nước trong thời gian dài gấp đôi Vũ Hán - 154 ngày tính đến ngày 17/8, mặc dù ban đầu, Mỹ chỉ lên kế hoạch đóng cửa trong vòng 15 ngày để làm chậm sự lây lan.
Kết quả là nền kinh tế bị đình trệ, các doanh nghiệp nhỏ bị phá sản và hàng triệu người đang phải đối mặt với việc bị đuổi ra khỏi nhà vì không đủ tiền thuê. Các nước châu Âu cũng đang gặp vấn đề tương tự.
Hơn nữa, những chính sách không nhất quán xung quanh vấn đề có đeo khẩu trang hay không của Chính phủ Mỹ đã khiến công chúng lúng túng, mất niềm tin.
Ý kiến từ cố vấn khoa học hàng đầu, như Tiến sĩ Anthony Fauci của Mỹ cho rằng, những lập luận ban đầu về tác dụng của khẩu trang không phải do giới khoa học thúc đẩy, mà xuất phát từ mong muốn ngăn chặn sự chủ quan của người dân, đã không giành được lòng tin của công chúng.
Thêm vào đó, hành vi vi phạm quy định kiểm dịch khi ở với “bạn gái” của Giáo sư Neil Ferguson, tác giả của mô hình đóng cửa đất nước ở Vương quốc Anh, hồi tháng 5 cũng đã khiến công luận rất bất bình.
Tuy nhiên, các quan chức vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng, việc phong tỏa đất nước vẫn sẽ được áp dụng, có thể là vô thời hạn nếu cần vì mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu không sử dụng những biện pháp này.
Dù thế nào thì những người ủng hộ việc ngăn chặn dịch bệnh vẫn cho rằng, các biện pháp vẫn chưa đủ nghiêm khắc khi so sánh số liệu từ Trung Quốc với 89.000 trường hợp mắc Covid-19 và khoảng 4.700 trường hợp tử vong, so với 5,4 triệu ca mắc và 170.000 trường hợp tử vong ở Mỹ cho đến nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ các số liệu chính thức của Trung Quốc và cho rằng có sự gian lận khi ông bảo vệ cách tiếp cận đại dịch của chính quyền Mỹ trong việc phong tỏa một phần đất nước và cảnh báo kịp thời mức độ nghiêm trọng đến các Bang trên nước Mỹ.
Đại tiệc hồ bơi ở Vũ Hán đã trở thành một bài kiểm tra thực tế đối với cả hai bên của cuộc tranh luận và coi đó như là bằng chứng cho thành công của họ.
Tuy nhiên, có một điều mà mọi người sẽ đồng ý rằng, người Trung Quốc dường như không còn quá quan tâm đến Covid-19 nữa.
Ngày 23/1, Vũ Hán, thành phố với hơn 11 triệu dân của Trung Quốc, bắt đầu bị phong tỏa hoàn toàn.
Mọi phương tiện công cộng ngưng hoạt động. Chỉ có các phương tiện được cấp phép đặc biệt mới được đi lại.
Người dân "nội bất xuất, ngoại bất nhập", không thể rời thành phố dù bằng đường hàng không, đường bộ hay đường sắt. Họ cũng không được ra khỏi nhà.
Việc hạn chế tiếp xúc giữa người với người làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus corona. Sau đó, 15 thành phố tại tỉnh Hồ Bắc cũng áp dụng biện pháp phong tỏa tương tự. Hơn 60 triệu người bị áp lệnh hạn chế di chuyển.