Ngày 28/11/2018, thời điểm mà chỉ còn hai ngày nữa là đến sinh nhật lần thứ 98 của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, lúc ấy người con trai của Đại tướng là ông Lê Mạnh Hà, đã không giấu được xúc động, bởi ngày chủ nhật trước đó cũng là ngày giỗ của mẹ mình là bà Võ Thị Lê.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trong lần tới thăm vợ chồng Đại tướng Lê Đức Anh.
“Năm cuối đời bà hay ngâm nga: Cuộc đời là một giấc mơ/Chàng mơ chinh chiến, em mơ bóng chàng… Ông đã chinh chiến suốt 45 năm, những năm cuối đời bà luôn ở bên ông. Cả hai hoàn thành giấc mơ cổ tích của đời mình. Giờ ông một mình chiến thắng bệnh tật”. Vài dòng trạng thái của con trai nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh vào thời điểm đó, đã nhận được nhiều lời chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp và nhiều người được chứng kiến.
Chuẩn Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng Lê Kế Lâm- nguyên Phó Tham mưu trưởng Hải quân Nhân dân Việt Nam chia sẻ với Đại Đoàn Kết rằng, ông rất ấn tượng với phong thái làm việc rất gần gũi và thân tình đến khó quên của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Thiếu tướng Lê Kế Lâm kể, vào ngày 7/5/1988, Đại tướng Lê Đức Anh đã có mặt tại đảo Trường Sa, kịp thời động viên các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ biển đảo quê hương của Tổ quốc. Sau đó, khi về kiểm tra phòng thủ tại căn cứ Cam Ranh, Thiếu tướng Lê Kế Lâm cùng tướng Giáp Văn Cương được trực tiếp tham gia Đoàn kiểm tra do Đại tướng đứng đầu, lúc đó trong vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
“Đại tướng có hỏi tôi, nhìn nhận thế nào về khả năng phòng thủ của Cam Ranh. Tôi có kiến nghị xây dựng các cơ sở phòng thủ và đặt thêm pháo cho các đảo Hòn Tre, Bình Ba…Đại tướng lắng nghe rất kỹ, và tiếp thu các ý kiến tham mưu trong buổi kiểm tra đó. Nhờ vậy, cho đến nay xung quanh căn cứ Cam Ranh của chúng ta đã hình thành được một hệ thống phòng thủ biển rất vững chắc và mạnh mẽ”- ông Lê Kế Lâm xúc động nhắc lại, khẳng định Đại tướng Lê Đức Anh là tấm gương mẫu mực về sự giản dị, gần gũi không chỉ trong nhiệm vụ công tác, mà cả lúc về với đời thường.
Lật qua những hồi ức, kỷ niệm về các quyết định lịch sử của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh trong những năm đầu đổi mới, càng thấy rõ hình ảnh một vị tướng cũng rất gần gũi, đời thường trong những năm tháng nghỉ hưu. Nói về tác phong này, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh- nguyên giảng viên Đại học Bách Khoa TP HCM nhớ như in việc ông từng chứng kiến về cuộc sống thường nhật của vợ chồng vị Đại tướng trong thời gian sống ở TP HCM: “Ông bà vẫn giữ thói quen nấu ăn bằng củi, củi mua và củi nhặt ở ngoài vườn, tự tay chặt củi, nấu cơm. Ngay cả khi trở ra Hà Nội ở nhà công vụ thì vợ chồng Đại tướng Lê Đức Anh vẫn giữ tác phong giản dị, tiết kiệm. Tất cả đều được người dân truyền tai nhau về sự đức độ, tác phong chuẩn mực ấy”.
Rối cứ thế, nhiều câu chuyện cho đến nay vẫn khiến chúng ta tự hào và hãnh diện về một vị Đại tướng tài ba, hết lòng vì dân, vì nước.
* Đại tá Hồ Sơn Đài - nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự (Quân khu 7) đánh giá về người Thủ trưởng của mình, bằng nhận định: Đại tướng Lê Đức Anh là người có khả năng đưa ra các quyết định lịch sử trong những năm đầu đổi mới. Đó là ở giai đoạn 1987 – 1990, khi ấy ông đang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đại tá Hồ Sơn Đài đã nhìn nhận về người Thủ trưởng của mình, với một niềm tự hào lớn lao, rằng với tư chất đặc biệt thông minh, lối tư duy sắc bén, biện chứng, hệ thống, mẫn cảm về chính trị và bản lĩnh chỉ huy quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, Đại tướng Lê Đức Anh đã thể hiện tầm nhìn chiến lược trước mọi diễn biến của thời cuộc và khả năng tổ chức thành công các nhiệm vụ khó khăn trong thực tiễn.