Những ngày qua, người dân ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam mang dụng cụ ra suối Đăk Mét đãi vàng sa khoáng. Tuy nhiên đây là hành vi trái pháp luật và để lại hậu quả khó lường như sạt lở sông, ô nhiễm môi trường…
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có mặt tại suối Đăk Mét, xã Phước Thành, thời điểm này dòng suối nước cạn nên một số người dân mang theo các dụng cụ như cuốc, xẻng, máng, bòn, thùng nhựa… ra dọc bờ suối lắp máng, bắt ống dẫn nước, đào với xúc đất đá để đãi vàng sa khoáng.
Bà Hồ Thị Thiên (xã Phước Thành) cho biết, nguồn thu nhập của gia đình bà chỉ nhờ vào nương rẫy, vì vậy kinh tế rất khó khăn. Gần một tháng qua khi nước suối cạn nên bà tranh thủ ra suối đãi vàng để kiếm thêm thu nhập.
“Mỗi ngày chỉ kiếm được 150.000 đồng. Công việc vất vả nhưng không làm thì lấy tiền đâu để trang trải cuộc sống và nuôi con cái ăn học” - bà Thiên chia sẻ.
Cũng như bà Thiên, vợ chồng anh Hồ Văn Em đang đào xới tạo ra hố nước sâu 0,5m để tìm vàng. “Công việc này rất vất vả, nhưng mỗi ngày cũng chỉ kiếm được từ 100 đến 200.000 đồng, ngày ít thì được khoảng 50.000 đồng” - anh Hồ Văn Em nói.
Nhiều người cho biết, công việc đãi vàng khá vất vả, thường phải ngâm mình dưới nước đục nhiều giờ đồng hồ, luôn phải khom lưng và dùng sức xúc đất, đá, cát nên tối về đau mỏi toàn thân.
Đáng nói, đãi vàng sa khoáng ở khu vực suối Đăk Mét là trái pháp luật vì không được cấp phép, lực lượng chức năng liên tục truy quét, thế nhưng nhiều người vẫn lén lút tranh thủ nước sông rút xuống để kiếm tiền.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phước Sơn, vào mùa nắng nóng người dân ra sông, suối đãi vàng sa khoáng ở nhiều nơi. Đây là việc làm trái phép, lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, truy đuổi. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn nên người dân vẫn lén lút đãi vàng.
Thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng Công an huyện Phước Sơn cho biết: Thời gian qua, lợi dụng một số thủy điện ở thượng nguồn cắt nước dẫn đến sông, suối trên địa bàn huyện cạn nước, nên một số người dân ra dọc bờ sông, suối đãi vàng sa khoáng. Công an huyện đã chỉ đạo Công an xã thường xuyên ra quân truy quét, đẩy đuổi, đồng thời nhắc nhở yêu cầu bà con không được đãi vàng sa khoáng dưới dòng sông, suối gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.
“Công an huyện đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch tham mưu UBND huyện, chỉ đạo Công an các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, truy quét hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Từ cuối năm 2023 đến nay, lực lượng Công an huyện đã tổ chức 25 đợt kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực bãi 5A, xã Phước Thành, bãi Cây Đa, xã Phước Lộc, bãi 38, xã Phước Hòa, bãi Khe Tăng, xã Phước Thành, khu vực dọc sông Đăk Mi 4… tiêu hủy 108 lán trại, 40 tấm bạt, 42 máy nổ, 30 cối xay, khoảng 15.000 ống nước và 1.200m dây điện...” - ông Tuấn cho biết thêm.