UBND tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đôn đốc tiến độ trong việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện: M’Drắk, Krông Bông, Krông Pắc, Ea Kar, Cư Kuin.
Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư gần 22 nghìn tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến 117,5 km, điểm đầu tại vị trí giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối tại vị trí giao cắt đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần; trong đó, Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản. Dự kiến khởi công trước ngày 30/6/2023 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.
Đến nay, UBND tỉnh Đắk Lắk hoàn thành phê duyệt Dự án thành phần 3, bố trí vốn cho dự án với tổng số vốn là 1 nghìn 360 tỷ đồng. Hiện nay đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 5/7 gói thầu theo kế hoạch được duyệt.
UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất về mặt nguyên tắc đưa 15 bãi đổ vật liệu thừa, 11 mỏ đất, 24 mỏ đá, 14 mỏ cát và 14 vị trí trạm trộn vào phục vụ Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa -Buôn Ma Thuột.
Riêng đối với Dự án thành phần 2 được Bộ Giao thông Vận tải bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2023; đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk có diện tích chiếm dụng khoảng 323 ha, trong đó: huyện M’Đrắk khoảng 131ha, huyện Krông Bông khoảng 166ha, huyện Ea Kar khoảng 22ha.
Ban Quản dự án 6-Bộ GTVT đã hoàn thành công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương; đồng thời luôn bố trí tối thiểu 3 cán bộ chuyên trách, thường trực tại hiện trường để phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản số 675/UBND-NNMT ngày 1/2/2023 thống nhất về mặt nguyên tắc với các vị trí bãi thải, mỏ đất, mỏ đá, mỏ cát phục vụ Dự án thành phần 2 đối với 25 vị trí bãi thải, 11 vị trí mỏ đất, 13 vị trí mỏ đá, 8 vị trí mỏ cát.
Ban QLDA6 phấn đấu hoàn thành công tác trình thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật trước ngày 31/5/2023; Thẩm định phê duyệt dự toán các gói thầu xây lắp trước ngày 10/6/2023; Dự kiến hoàn thành toàn bộ công tác rà phá bom mìn, vật nổ trên hiện trường trước ngày 26/6/2023. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ GPMB, đảm bảo có đủ 70% mặt bằng sạch, đáp ứng yêu cầu khởi công dự án trước ngày 30/6/2023.
Tại cuộc họp, các Sở, ngành, địa phương thảo luận một số khó khăn như: Về mỏ vật liệu, bãi thải áp dụng cho dự án chưa có hướng dẫn về quy trình tổ chức khai thác mỏ vật liệu cho dự án, ảnh hướng rất lớn đến tiến độ triển khai dự án; chuyển mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu; việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng; về giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ; phương án bồi thường, hỗ trợ; phần lớn diện tích đất thuộc nguồn gốc Công ty lâm nghiệp quản lý, người dân lấn chiếm, sử dụng nhiều năm trước vì vậy khó xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ...
Lãnh đạo các đơn vị, địa phương cũng kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk sớm ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; phê duyệt phương án giá đất dự án; thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; bố trí nguồn kinh phí để triển khai giải phóng mặt bằng bảo đảm đúng tiến độ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện chủ động giải quyết các khó khăn thuộc thẩm quyền, phối hợp với các ban để cập nhật các mỏ vật liệu, bãi thải vật liệu và giải phóng mặt bằng. Sở Tài Nguyên - Môi trường phối hợp với Sở NN&PTNT sớm tham mưu UBND tỉnh bảng giá, tăng trữ lượng điểm mỏ vật liệu, đẩy nhanh phương án đền bù tài sản, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; triển khai đồng bộ công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khoáng sản và hướng tuyến, điều chuyển 3 loại rừng phục vụ cho xây dựng cao tốc, hỗ trợ cho các địa phương trong quá trình lập quy hoạch báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/5.
Giao Sở Tài Nguyên - Môi trường và Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm đôn đốc địa phương, kiến nghị các khó khăn vượt thẩm quyền để UBND tỉnh có văn bản trình Trung ương; lựa chọn vị trí, đề xuất huyện chuẩn bị mặt bằng và các điều kiện khác phục vụ lễ khởi công; để đảm bảo tiến độ, các huyện phải ký cam kết chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu làm chậm tiến độ thi công dự án.