Bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới đối tượng nghèo và cận nghèo nhằm tạo cơ hội cho lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện sản xuất ngay tại địa phương, Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk triển khai nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp từ năm 2012.
Hướng dẫn bà con cách trồng hồ tiêu
Trong 4 năm qua, công tác đào tạo nghề nông nghiệp đã và đang đạt được những kết quả khả quan mang lại quyền lợi cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ việc đào tạo nghề nông nghiệp, nhiều hộ dân trên địa bàn đã có cơ hội phát triển sản xuất; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Qua đó từng bước ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp.
Chương trình đào tạo được thiết kế chi tiết và đầy đủ theo khung của Tổng cục Dạy nghề đề ra và được Hội đồng dạy nghề của Trung tâm xem xét chỉnh sửa, đổi mới nội dung cho phù hợp với kỹ thuật, công nghệ sản xuất và đặc biệt chú trọng tới rèn luyện kỹ năng nghề cho người học theo chương trình khung, gắn với thời vụ, thời gian sinh trưởng từng cây, từng con để đào tạo. Các nghề được đào tạo như: Trồng và chăm sóc cây hồ tiêu; Trồng và chăm sóc cây cà phê; Chăn nuôi heo; Chăn nuôi bò… đều căn cứ trên nhu cầu thực tế của bà con nông dân, xuất phát từ thực tiễn sản xuất ở từng địa phương. Các lớp đào tạo nghề nông nghiệp đều tập trung trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt theo nhu cầu của địa phương gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và quy hoạch phát triển nông nghiệp của từng vùng.
Sau 4 năm, Trung tâm đã thực hiện được 10 lớp đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp, 252 học viên tốt nghiệp, trong đó 138 học viên là nữ (chiếm 55%), học viên là người dân tộc thiểu số là 198 học viên (chiếm 79%). Các học viên sau khi tốt nghiệp đã được trang bị năng lực thực hành các nghề được học, áp dụng vào thực tế sản xuất tại gia đình và cho thu nhập cao hơn. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần phải có những điều chỉnh như: Đối tượng học viên chủ yếu là đồng bào dân tộc, người nghèo, trình độ học vấn chưa đồng đều nên không thể tham dự đủ thời lượng của lớp học; lao động vùng sâu, vùng xa có trình độ văn hóa thấp, chưa nhận thức đúng về lợi ích của học nghề nên chưa nhiệt tình tham gia học nghề. Ngoài ra việc đi học xa, kinh phí thấp, mức ưu đãi chưa hấp dẫn người học.
Thiếu định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm khi kết thúc khóa học cho lao động nông thôn và vấn đề vốn đầu tư mở rộng sản xuất nông nghiệp dẫn đến nghề nông nghiệp chưa hấp dẫn bà con. Đào tạo nghề nông nghiệp chưa gắn với các doanh nghiệp hay HTX để bao tiêu sản phẩm nên không thu hút được người học. Tình trạng học theo phong trào, học xong rồi lại chuyển sang nghề khác. Mặt khác việc tiếp cận các nguồn vốn vay sau khi được đào tạo nghề để đầu tư, mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn nên chưa phát huy được hiệu quả sau khi học nghề. Kinh phí tổ chức lớp học quá thấp dẫn đến viêc tổ chức lớp học ở địa bàn xa gặp nhiều khó khăn: Mức thù lao giảng viên thấp; chi phí hỗ trợ cho người học (tiền ăn, đi lại) chưa đảm bảo để thu hút người lao động tham gia học nghề. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, định mức chi chưa phù hợp với điều kiện thực tế.
Công tác đào tạo nghề là một chủ trương lớn, được các cấp, các ngành quan tâm, trong những năm tiếp theo, Trung tâm đặt mục tiêu thực hiện tốt xã hội hóa công tác dạy nghề, thu hút được nhiều tổ chức, đơn vị tham gia tích cực vào mạng lưới chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của người dân.