Tối 31/8, UBND huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức lễ khai mạc Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ hai năm 2024 với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc - Phát triển và Hội nhập”.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc cho biết: Hiện này toàn huyện Krông Pắc có hơn 8.000 ha sầu riêng, trong đó hơn 4.000 ha kinh doanh, sản lượng thu hoạch hơn 85 ngàn tấn. Trong thời gian qua với Nghị quyết của Đảng bộ huyện khóa XIV về phát triển nông nghiệp bền vững, Nông dân Krông Pắc đã sản xuất ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng cao, đặc biệt là sầu riêng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận và đánh giá cao. Đây là niềm vui, niềm tự hào đối với huyện và đây cũng là cơ hội để sản phẩm Sầu riêng Krông Pắc đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Sau lễ hội sầu riêng lần thứ nhất huyện Krông Pắc đã đăng cai tổ chức thành công lễ công bố xuất khẩu chính ngạch lô sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Sầu riêng Krông Pắc có hương vị đặc trưng, thơm ngon hơn so với nhiều vùng trồng sầu riêng trên cả nước; chính vì lẽ đó, trong những năm gần đây, Sầu riêng Krông Pắc đã thu hút rất nhiều du khách, doanh nhân, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong và ngoài nước, đến thưởng thức, thu mua và xuất khẩu. Cứ mỗi độ vào mùa thu hoạch từ đầu tháng 8 đến trung tuần tháng 10 hàng năm, Krông Pắc lại nhộn nhịp với hàng nghìn lao động ngoại tỉnh, hàng đoàn xe container về để thu hoạch, mua bán, vận chuyển sản phẩm sầu riêng đến các vùng miền trên cả nước và xuất khẩu.
Lễ hội Sầu Riêng Krông Pắc lần thứ hai năm 2024, với chủ đề: “Sầu riêng Krông Pắc - Phát triển và Hội nhập” diễn ra từ ngày 31 tháng 8 năm 2024 đến ngày 2 tháng 9 năm 2024, huyện kỳ vọng ở lần thứ hai này sẽ chứng kiến sự “bùng nổ" về lượng khách đến tham quan, góp phần vào thành công chung lễ hội sầu riêng.
Lễ hội không chỉ quảng bá thương hiệu sầu riêng Krông Pắc mà còn giới thiệu hình ảnh, con người huyện Krông Pắc đến du khách trong và ngoài nước. Đây là dịp tôn vinh nông dân sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là người trồng sầu riêng, người đã tạo nên thương hiệu đặc sản của huyện. Lễ hội kết nối giao thương giữa người sản xuất, doanh nghiệp chế biến, thương mại và người tiêu dùng. Ngoài ra, lễ hội còn quảng bá tiềm năng kinh tế, văn hóa, du lịch của huyện, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu chỉ đạo khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Krông Pắc là địa phương dẫn đầu tỉnh Đắk Lắk về diện tích, năng suất, sản lượng sầu riêng. Ngày 8/3/2022, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Krong pac Durian-Sầu riêng Krông Pắc”.
Ngày 11/7/2022, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu sầu riêng Việt Nam. Nhờ đó, đến nay quả sầu riêng được trồng trên địa bàn huyện Krông Pắc không chỉ có mặt tại các siêu thị lớn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn xuất khẩu đến nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; Krông Pắc là điểm sáng về phát huy hiệu quả của chương trình chuyển đổi cây trồng trên toàn tỉnh Đắk Lắk.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch phát triển chưa cao; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, chính vì thế giá cả chưa ổn định.
Trong thời gian tới, để phát triển bền vững ngành Sầu riêng, ông Nguyễn Thiên Văn đề nghị địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại gắn với bảo quản, chế biến sâu và thị trường tiêu thụ. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng trồng, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất sầu riêng bền vững, gắn với phát triển văn hóa, du lịch. Đẩy mạnh và khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa; phải xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình. Chú trọng xúc tiến, hình thành được các mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng sầu riêng; phát triển thương mại điện tử, đa dạng kênh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kết nối giữa người sản xuất với thị trường tiêu dùng. Đẩy mạnh phát triển sầu riêng chất lượng cao, Sầu riêng Krông Pắc với hương vị đặc biệt, đặc thù được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao; gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng Sầu riêng, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân.
Bên cạnh đó, để nâng tầm giá trị và đặc trưng của nông sản Việt Nam, nâng cao đời sống người nông dân, đòi hỏi phải có sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Sự giúp đỡ của các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,… tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, sát cánh, đồng hành hỗ trợ, định hướng giúp các địa phương trong phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng Sầu riêng nói riêng.
Theo kế hoạch Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ hai năm 2024 Bế mạc vào tối 2/9.