Như Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn huyện Lắk, (tỉnh Đắk Lắk) được đầu tư 19 công trình cấp nước (CTCN) sinh hoạt tập trung với kinh phí hơn 51 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ có 4 công trình được đánh giá hoạt động hiệu quả, số còn lại hoạt động kém hiệu quả và đã ngừng hoạt động.
Xã Đắk Liêng (huyện Lắk) có 215 hộ, gần 12.000 khẩu; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 65%, trong đó chủ yếu là người M’nông. Đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo của xã chiếm tỉ lệ cao (hơn 50%). Ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng, (huyện Lắk) cho biết: Những năm trước, bà con ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước ăn uống và sinh hoạt, bởi nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan của dân đều bị nhiễm phèn. Trước thực trạng trên, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho xã Đắk Liêng 6 CTCN tập trung gồm: CTCN Buôn Yang Lah 1,2; CTCN Buôn Bàng; CTCN Buôn M’liêng 1; CTCN Buôn Drên A; CTCN thôn Hòa Bình 1,2 và Buôn Kam; CTCN thôn Hòa Bình 3.
Điều đáng nói là cả 6 công trình đều xuống cấp, hư hỏng và hoạt động không thường xuyên. Đơn cử như: CTCN ở Buôn Yang Lah 1,2 và CTCN Buôn Bàng mới được đầu tư đưa vào hoạt động năm 2021, với nguồn vốn đầu tư 2 công trình này gần 3 tỷ đồng. Thế nhưng, công trình mới hoạt động được 3 năm đã xuống cấp, hư hỏng và cấp nước không thường xuyên.
Bà H’ Nang Je, ở Buôn Bàng Đắk Liêng cho biết: Gia đình đã hiến đất để xây dựng CTCN ở Buôn Bàng; bà cũng được Trưởng Buôn giao nhiệm vụ quản lý và vận hành. CTCN hiện chỉ có 61 hộ dân đăng ký sử dụng. Trung bình một nhà chỉ sử dụng từ 15 đến 20.000 đồng/1 tháng. Một khối nước bà thu của dân 3.000 đồng, nhưng có nhà tới 3 tháng mới đóng tiền.
“Công trình mới hoạt động được 3 năm nhưng máy bơm hư hỏng suốt. Chi phí bảo dưỡng máy móc, thiết bị không có. Mỗi lần máy bơm hư hỏng, tôi phải lấy tiền nhà ra sửa. Mới đây máy bơm cháy, tôi kêu gọi mãi bà con mới góp được 5 triệu đồng, trong khi đó mua bơm mới hết 7,5 triệu đồng, chưa kể tiền mua các thiết bị thay thế khác… Máy bơm nước phun lên rất mạnh trong khi đường ống dẫn nước bằng nhựa không đảm bảo nên bị bục bể suốt. Không sửa máy bơm, không bơm nước cho bà con xài thì bà con lại kêu. Guồng bơm lâu ngày bị bùn cát bám không bơm nước được, hai vợ chồng lại hì hục kéo lên để vệ sinh; mỗi lần kéo máy bơm lên cũng rất cực”, bà H’ Nang Je than thở.
Ông Y Tâm, chồng bà H’ Nang Je bức xúc: Hai vợ chồng cố gắng làm để phục vụ bà con, nhưng giá nước hiện tại quá thấp, thu không đủ chi..., chi phí bảo dưỡng máy móc, thiết bị không có. Vì vậy, tôi đề nghị cấp trên quan tâm cho tăng giá nước từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng/khối, chứ thu không đủ chi thế này chắc gia đình phải bỏ thôi.
Không chỉ CTCN Buôn Bàng mà CTCN Buôn M’ Liêng xã Đắk Liêng hiện bình lọc nước, áp lực của công trình bị hư hỏng do không được thay cát lọc thường xuyên. Buôn M’ liêng 1 cũng là vùng thường bị nhiễm phèn, nước sinh hoạt tập trung phải có hệ thống bình lọc mới sử dụng được, trong khi các hộ dân thì nghèo không đóng tiền điện, đôi lúc còn bị Chi nhánh điện lực huyện Lắk cúp điện.
Ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng cho biết, tất cả các công trình trên địa bàn xã hiện đều có thực trạng giống nhau, sau khi được đầu tư, xã đã giao cho Ban tự quản thôn, buôn quản lý. Thời gian đầu các công trình hoạt động rất hiệu quả. Qua thời gian sử dụng, bể lọc không được thay thế, chất phèn quá nhiều, nước chuyển sang màu đỏ; máy bơm cháy không có tiền sửa chữa; người quản lý vận hành không có chuyên môn nên khi gặp sự cố họ không biết xử lý thế nào. Hơn nữa người quản lý hoạt động không có thù lao nên không mấy nhiệt tình trong việc đi kiểm tra bồn nước. Người dân thì muốn sử dụng nguồn nước nhưng tiền điện không muốn đóng. Khi đường ông bể, máy bơm cháy, hệ thống lọc cần thay thế, người quản lý công trình huy động bà con đóng góp tiền để sửa chữa nhưng bà con không chịu đóng góp. Xã không có kinh phí để chi cho việc bảo dưỡng, duy tu sửa chữa công trình. Xã cũng không có nguồn nào hỗ trợ, nếu chi sai sẽ bị xuất toán. “Nhà nước đầu tư thì cần cấp kinh phí duy tu bảo dưỡng, cấp kinh phí cho tổ quản lý vận hành hoạt động vì nếu thu tiền điện lên cao thì người dân không sử dụng được”, ông Ma Văn Hoàn nhấn mạnh.
Ngoài các CTCN ở xã Đắk Liêng, các CTCN ở Buôn Plao siêng, Buôn Sa Bôk và Buôn Ea R’bin; Buôn Ung Rung 2, thôn Đoàn Kết và Buôn Knac, xã Buôn Triết; Buôn Trang Yuk và Buôn Yông Hắt xã Krông Nô, Buôn Dlây và thôn Yên Thành 1,2 xã Đắk Nuê đã ngừng hoạt động trong thời gian dài với lý do hư hỏng hệ thống ống dẫn. Số hộ dùng nước từ công trình giảm; đường ống thường xuyên bị bục; kinh phí thu được từ việc sử dụng nước không đủ để chi trả tiền điện; nhiều trạm bơm đã bị cắt điện do thiếu tiền… Mặt khác, một số công trình chưa đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân theo đúng khảo sát thiết kế ban đầu; khả năng cấp nước không thường xuyên trong ngày; nguồn nước thường xuyên bị đục, cặn, phèn nhưng không có kinh phí để sửa chữa…
Trước thực trạng trên, huyện Lắk đề nghị UBND tỉnh, các Sở ngành liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng mới các CTCN tập trung nhằm nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời giúp các xã thực hiện hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường và An toàn thực phẩm trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Huyện cũng đề nghị cấp trên hạn chế đầu tư các CTCN quy mô nhỏ (dưới 200 hộ) tránh tình trạng công trình đi vào hoạt động nguồn thu không đủ chi để duy trì hoạt động.