Lãnh đạo ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau một thời gian tạm lắng, trong tuần qua, trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện thêm 3 ổ dịch bạch hầu với 3 ca bệnh.
Cả 3 ổ dịch này đều tập trung ở huyện Lắk, trong đó có 2 ổ dịch tại xã Đắk Nuê và 1 ổ dịch tại xã Nam Ka. 3 ổ dịch đều là những địa phương chưa triển khai tiêm vaccine Td phòng bệnh bạch hầu và đều thuộc xã vùng sâu của huyện Lắk (buôn Đắk Sar, và buôn KDiê 2, xã Đắk Nuê và thôn 5, xã Nam Ka).
Ba ca bệnh đều là người dân tộc thiểu số, trong đó 1 người dân tộc Ê-đê, 1 người dân tộc M’nông và người còn lại là dân tộc H’Mông.
Sau khi phát hiện các ca bệnh dương tính với vi khuẩn bạch hầu, ngành y tế Đắk Lắk đã điều tra, lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; đánh giá tỷ lệ tiêm chủng tại trạm y tế; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Đồng thời làm việc với chính quyền địa phương về triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bạch hầu; cấp thuốc kháng sinh liều dự phòng cho gia đình các bệnh nhân và các hộ xung quanh; phun xử lý môi trường bằng hóa chất Cloramin B; điều tra, lập danh sách đối tượng trong ổ dịch từ 49 tháng tuổi trở lên để chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin Td phòng chống dịch.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó giám đốc Sở y tế tỉnh Đắk Lắk, để phát huy hiệu quả của vaccine, người dân bắt buộc phải tiêm đủ 2 mũi: “Các ca bạch hầu này không có yếu tố dịch tễ với nhau, có thể do môi trường sống, hoặc điều kiện thời tiết rồi bùng phát lên. Tại những thôn, buôn có ổ dịch, ngành y tế đã triển khai cho uống kháng sinh để điều trị, tuy nhiên khi tiêm vaccine thì hiệu quả vaccine phải sau mũi thứ 2, trong đó mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 1 tháng. Do đó, trong thời gian này, các vùng đã tiêm vaccine vẫn có khả năng phát những ca bạch hầu, sau mũi tiêm thứ 2 mới có hiệu quả của vaccine, vì vậy bà con phải tiêm đủ 2 liều vaccine”.
Đến ngày 14/10, Đắk Lắk đã ghi nhận 48 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 6 địa phương gồm: Lắk, M’Drắk, Krông Bông, Cư M’gar, Cư Kuin và thành phố Buôn Ma Thuột.