Ngày 13/7, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Công an các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 23 vụ, với 63 bị can về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đơn cử vào tháng 4/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Nông đã đấu tranh, triệt phá 1 đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, bước đầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Đ.T.Th. (39 tuổi), trú tại TP Hà Nội và T.T. (42), trú tại tỉnh Quảng Ngãi về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng liên quan (là người dân trên địa bàn các tỉnh trực tiếp đặt làm giấy tờ giả từ 2 đối tượng này) theo quy định của pháp luật.
Bước đầu xác định Đ.T.Th. và T.T. sử dụng mạng xã hội zalo, facebook để đăng quảng cáo làm các loại bằng cấp (trung cấp, cao đẳng, đại học, trung học phổ thông...), chứng chỉ, giấy phép lái xe… Sau khi nhận thông tin và tiền từ những người có nhu cầu, T. sử dụng máy tính, máy in, con dấu giả để làm các loại giấy tờ giả rồi gửi cho người nhận bằng nhiều dịch vụ chuyển phát. Quá trình điều tra, lực lượng Công an phát hiện, thu giữ hàng nghìn hình ảnh trong máy tính của T. về các loại bằng cấp, giấy phép, chứng chỉ khác nhau.
Trước đó, vào năm 2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 1 đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do Vũ Thanh Tuyền (26 tuổi), trú tại TP Hồ Chí Minh tổ chức sử dụng tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo) đăng thông tin quảng cáo làm được các loại giấy phép lái xe không cần phải thi sát hạch, chỉ cần gửi hình ảnh và thông tin cho Tuyền qua tài khoản zalo. Sau khi nhận thông tin từ những người có nhu cầu, Tuyền sử dụng máy tính, máy in để làm giả làm các loại giấy phép lái xe và gửi cho người nhận bằng nhiều hình thức chuyển phát. Qua trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã đề nghị truy tố 40 bị can về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, trong đó đa số là những người có hành vi đặt Vũ Thanh Tuyền làm giả các loại giấy phép lái xe để sử dụng cho mục đích cá nhân.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Nông, các đối tượng trực tiếp làm giả các loại giấy tờ trong 2 vụ án trên đều lên mạng internet tìm hiểu và học cách làm giấy tờ giả. Sau đó mua các công cụ, phương tiện về thực hiện hành vi làm giả các loại giấy tờ. Các loại giấy tờ giả rất đa dạng, phổ biến là giấy phép lái xe, các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận QSDĐ.... Các đối tượng triệt để lợi dụng sự tiện ích của mạng xã hội, dịch vụ bưu chính viễn thông, phương tiện giao thông, sự phát triển của công nghệ để quảng cáo, sản xuất, mua bán, vận chuyển giấy tờ giả cho người đặt hàng.
Thực tế cho thấy việc sử dụng giấy tờ giả gây nhiều hậu quả khôn lường cho xã hội, nhất là khi được sử dụng trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, an ninh trật tự; ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, uy tín cá nhân; làm mất niềm tin của cộng đồng. Việc sản xuất, mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật hành chính mà còn vi phạm và bị xử lý về hình sự.
Do đó, để tiếp tục phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội cũng như đấu tranh quyết liệt với các hành vi sản xuất, mua bán và sử dụng giấy tờ giả, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đắk Nông khuyến cáo và đề nghị mỗi người dân cần phát huy tính tự giác, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nói không với việc sản xuất, mua bán, sử dụng giấy tờ giả; nâng cao cảnh giác trước những nội dung chào mời mua bán, cung cấp tài liệu, giấy tờ không chính thống trên mạng xã hội, nhanh chóng báo cho các cơ quan chức năng nếu thấy có hiện tượng lừa đảo, giả mạo, đặc biệt không sử dụng các tài liệu, giấy tờ nói trên vào bất kỳ mục đích gì, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật.