Ngày 3/5, tất cả Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố trên cả nước đã công bố danh sách người ứng cử ĐBQH ở địa phương mình theo quyết định của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Tuy nhiên trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử là vấn đề đang được đặt ra.
Là địa phương có người bị nhiễm Covid-19, Ủy ban Bầu cử TP HCM đã quán triệt hướng dẫn số 234 của Hội đồng Bầu cử quốc gia về tổ chức bầu cử trong tình huống dịch Covid-19 phát sinh ở các địa phương.
Ủy ban Bầu thành phố đã hướng dẫn tổ bầu cử rà soát danh sách cử tri đang thực hiện cách ly y tế tập trung, tại nhà và các trường hợp khác không thể đến phòng bỏ phiếu bình thường theo quy định.
Đến ngày bầu cử, tổ bầu cử cử người mang phiếu bầu và hòm phiếu phụ đến địa điểm có cử tri cách ly y tế để cho họ bỏ phiếu. Bỏ phiếu xong phải khử khuẩn hòm phiếu phụ trước khi mang về phòng bỏ phiếu.
Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử, hoặc địa phương phải áp dụng cách ly hay phong tỏa, Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo rõ phương án về thời điểm, cách thức bỏ phiếu để Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.
Việc lập, bổ sung danh sách cử tri đối với người đang thực hiện cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 cũng được TP HCM quán triệt. Cụ thể, sau khi danh sách cử tri đã được lập và niêm yết đến ngày bầu cử, UBND cấp xã cần rà soát, theo dõi, ghi chú rõ các trường hợp cử tri gồm cả công dân Việt Nam ở nước ngoài về đang thực hiện biện pháp cách ly tập trung và tại nhà, nơi ở, căn hộ chung cư, nhà ở tập thể, ký túc xá, trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp.
Trường hợp cử tri trên địa bàn bị áp dụng cách ly tập trung nằm ngoài địa bàn, UBND cấp xã nơi lập danh sách cử tri chủ động gửi danh sách cử tri đó cho UBND cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để bổ sung vào dach sách cử tri tham gia bầu cử tại địa phương.
Tương tự, tại Hà Nội, ông Đàm Văn Huân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố cho biết đã hướng dẫn Mặt trận các cấp chủ động chuẩn bị tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn của Bộ Y tế; của UBTƯ MTTQ Việt Nam và các quy định của địa phương.
Theo ông Huân, bên cạnh việc vận động bầu cử thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri thì người ứng cử có thể vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng phải lưu ý không vi phạm các quy định tại Điều 68 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 và các quy định pháp luật khác.
Để công tác bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, giải pháp chung là vẫn phải đẩy mạnh việc kiểm soát, ngăn ngừa nguồn lây ngay từ đầu. Hiện các cơ quan chức năng đang chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch, đặc biệt là các biện pháp cách ly người nhập cảnh, siết chặt kiểm soát biên giới, vận động nhân dân thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Những người nhập cảnh qua các cửa khẩu chính thức phải thực hiện cách ly, xét nghiệm sàng lọc. Với những trường hợp nhập cảnh trái phép, các cơ quan vẫn đang tăng cường kiểm soát tối đa, ngăn chặn từ đầu.
Theo ông Tùng, để đảm bảo quyền bầu cử của cử tri, kể cả người đã phát hiện mắc Covid-19 đang điều trị, hoặc những người đang được cách ly vẫn ghi tên vào danh sách để thực hiện quyền bầu cử theo quy định của luật.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Thuấn cho biết, Bộ đã giao cho các cục, vụ triển khai kế hoạch đảm bảo cấp cứu, khám chữa bệnh tại các khu vực bầu cử, bảo đảm an toàn cho bầu cử ở cả Trung ương và địa phương.