Thời gian vừa qua, liên tiếp những vụ ngộ độc tại bếp ăn trường học khiến phụ huynh học sinh hoang mang, lo lắng. Theo các chuyên gia, cần có những giải pháp quyết liệt trong thực tiễn, để việc giám sát bữa ăn bán trú tại trường học thực chất hơn, nhằm hạn chế tối đa những vụ việc đáng tiếc.
Vẫn nặng về lý thuyết
Hiện nay, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường học đã được chú trọng từ ngành giáo dục đến các đơn vị có liên quan. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 08 năm 2008 hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; Thông tư liên tịch số 13 năm 2016 quy định công tác y tế trường học. Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1246 năm 2017 về hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và các hướng dẫn chuyên môn khác. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương thường xuyên thực hiện kiểm tra, thanh tra theo hướng dẫn của Bộ.
“Đã có những quy định rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể như quy định về điều kiện vật chất, trang thiết bị phục vụ chế biến, người trực tiếp chế biến, nguồn nước, nguồn nguyên liệu, lưu mẫu thực phẩm. Căn cứ vào đó, UBND 63 tỉnh, thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương triển khai, kiểm tra, đánh giá”- bà Hương cho hay.
Bên cạnh đó, hàng năm các nhà trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh đều được tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đầy đủ với sự tham gia của nhân viên cấp dưỡng, nhân viên y tế, cán bộ quản lý của nhà trường. Tuy nhiên, các lớp tập huấn này theo một số lãnh đạo trường học mới nặng về lý thuyết.
Cụ thể, bà Ngô Nguyễn Thiên Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TPHCM) cho rằng, trong các buổi tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm tổ chức hàng năm đều có nội dung tập huấn quy trình quản lý nhà bếp, yêu cầu tiếp phẩm và xử lý tình huống phát hiện khi học sinh có biểu hiện ngộ độc. Tuy nhiên mới dừng lại ở tập huấn theo nội dung do các báo cáo viên đưa ra, chứ chưa có lớp tập huấn theo tình huống giả định.
Trong khi đó, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường học thời gian qua, phản ứng của các cơ sở giáo dục đôi khi vẫn bị chậm một nhịp. Điển hình như vụ việc xảy ra tại một trường tiểu học ở Nha Trang, nhiều ý kiến cho rằng nhà trường xử lý tình huống chậm dẫn đến hậu quả nặng nề với sức khỏe của học sinh.
Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất, nếu có thể tổ chức được các buổi diễn tập huấn tình huống giả định tương tự như tập huấn phòng cháy chữa cháy tại các trường thì sẽ giúp thành thạo quy trình xử lý nếu có sự cố xảy ra. Chẳng hạn, cách thức xử trí, sơ cứu ban đầu khi có học sinh có biểu hiện ngộ độc, liên hệ với trung tâm y tế gần nhất, số điện thoại nóng của các đơn vị phối hợp hỗ trợ…
Xử lý nghiêm vi phạm để làm gương
Bà Nguyễn Hồng Nhung - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh Cà Mau) thông tin, vào tháng 10/2022, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh Cà Mau đã giám sát một số trường học ở một số địa phương. Kết quả cho thấy công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tuy được nhà trường chú trọng, nhưng điểm chung của các trường đó là còn hạn chế về kinh nghiệm tổ chức ăn bán trú. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên của trường chưa được tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về bữa ăn bán trú cho trẻ, cũng như kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Khi được hỏi cách nhận biết thực phẩm sạch, các trường cho biết, nhận biết bằng mắt thường và chủ yếu tin tưởng vào nơi cung cấp thực phẩm hay cơ sở cung cấp thức ăn” - bà Nhung lo ngại.
Đây cũng là cái khó chung của đa số các nhà trường hiện nay khi kiểm tra thực phẩm chỉ có thể nhận biết bằng mắt thường. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người sử dụng, có thể khi xảy ra ngộ độc, nhiều tật bệnh phát sinh từ đây. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn các trường học, cần có hành động kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm phục vụ suất ăn trường học, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, các nhà trường phải tự bảo vệ mình, không thể giao hết trách nhiệm cho cơ sở chế biến. Trong đó, kiểm tra chặt chẽ thực phẩm đầu vào, ghi lại số lượng, hình ảnh đảm bảo tươi sống. Với sản phẩm đông lạnh phải đáp ứng được đúng tiêu chuẩn về chất lượng, phương pháp bảo quản, vận chuyển cũng như hạn sử dụng.