Dù đã được khống chế, kiểm soát, song những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với toàn thế giới. Vì thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, song song với câu chuyện phục hồi, tăng trưởng, phát triển kinh tế, cần lưu ý đến đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa.
Thực tế, trong làn sóng dịch lần thứ 4 vừa qua, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, ảnh hưởng tới đời sống cũng như sản xuất của nhiều doanh nghiệp ở “vùng xanh”.
Trở lại sau nhiều tháng giãn cách do dịch bệnh, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang đau đầu với câu chuyện về nguyên liệu. Đơn cử như các doanh nghiệp dệt may, hiện đang “vào mùa” để sản xuất hàng hóa phục vụ các đơn đặt hàng từ trước và chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết sắp tới. Nhiều doanh nghiệp đã có các đơn hàng hết quý I/2022. Tuy nhiên, giá nguyên phụ liệu trên thế giới đang vào thời kỳ tăng giá mạnh. Theo đó, giá bông, giá sợi đều tăng cao đã tác động trực tiếp đến giá nguyên phụ liệu ngành dệt may của Việt Nam.
Theo khảo sát, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thường nhập khẩu từ 60 - 70% nguyên liệu sản xuất. Vì vậy giá nguyên phụ liệu hiện nay gần như phụ thuộc từ biến động thị trường thế giới.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính hết tháng 9, tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này đạt tới 19,6 tỷ USD, tăng 26,9%, tương ứng tăng 4,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dịch bệnh Covid-19 bùng phát cùng với tác động của các biện pháp phòng, chống dịch đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến chuỗi cung ứng hàng hóa. Đồng thời, dịch bệnh đã đẩy chi phí vận tải biển tăng cao kỷ lục, gây ra hiện tượng mất cân bằng ở nhiều mắt xích trong chuỗi cung ứng…
Cùng với đó, ở trong nước thời gian qua, mặc dù, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, trong đó nêu rõ, mọi hàng hóa đều được phép lưu thông, trừ hàng cấm và hàng hạn chế kinh doanh, nhưng nhiều địa phương vẫn đặt ra quy định chỉ cho lưu thông hàng hóa thiết yếu. Hay có những biện pháp chống dịch quá đà, không thống nhất giữa các địa phương, gây ra chi phí tốn kém cho Việt Nam. Tất cả những điều đó tạo ra sự đứt gãy. Do đó, biện pháp chống dịch cần phải tạo điều kiện để lưu thông hàng hóa, hạn chế rào cản.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta cũng đang nỗ lực xây dựng quy trình chống dịch thống nhất, dễ hiểu, dễ áp dụng, tránh phân mảnh như hiện nay giữa các địa phương, giữa các cấp ngay trong một địa phương, giữa chính quyền từ tỉnh, thành phố đến cấp huyện, xã… Điều này sẽ góp phần gỡ bỏ rào cản “ngăn sông, cấm chợ”, gây nên tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng như vừa qua.