Là 1 trong 20 phương thức xét tuyển đại học (ĐH) năm 2024 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thống kê, nhiều trường ĐH cho biết năm nay số lượng hồ sơ nộp đăng ký xét tuyển theo diện tài năng tăng gấp đôi so với những năm trước.
Trong cuộc đua vào ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay, ở phương thức xét tuyển tài năng có tới hơn 5.700 học sinh (HS) đăng ký xét tuyển. Trong đó, hơn 250 hồ sơ được xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT (giải quốc gia, quốc tế). Còn 4.566 thí sinh đăng ký xét tuyển tài năng diện 1.3, tăng gần gấp 2 lần năm 2023. Ở năm thứ 2 triển khai phỏng vấn bằng hình thức trực tuyến, ĐH Bách khoa Hà Nội đã tổ chức 310 hội đồng để phỏng vấn 4.545 em đủ điều kiện tham gia vòng này. Được biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh dành cho phương thức xét tuyển tài năng nói chung của ĐH Bách khoa Hà Nội thời gian vừa qua khoảng 20%.
2 đơn vị có số lượng thí sinh đăng ký cao nhất năm nay của ĐH Bách khoa Hà Nội là Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông; và Trường Điện - Điện tử, chiếm gần 55% tổng số hồ sơ xét tuyển tài năng diện 1.3.
Trong khi đó, các trường thuộc ĐH Quốc gia TPHCM năm 2024 tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH này. Đối tượng ưu tiên là HS của 149 trường THPT gồm 83 trường THPT chuyên, năng khiếu và 66 trường THPT bổ sung.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHC ưu tiên xét tuyển HS giỏi trường chuyên, top 200 với chỉ tiêu từ 10 đến 20%. Nội dung xét tuyển ít nhất từ 3 học kỳ là HS giỏi. Với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm trung bình học bạ 5 học kỳ của từng môn theo tổ hợp (có 3 môn), mỗi môn từ 5 trở lên.
Lý giải về việc năm nay phương án xét tuyển tài năng của trường thu hút đông đảo thí sinh đăng ký, đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng trường rất chủ động tìm kiếm những sinh viên phù hợp, hướng đến người học và nhận được sự hồi đáp nhiệt tình từ các HS tài năng trên khắp cả nước như thí sinh đạt giải cao trong cuộc thi HS giỏi quốc gia, quốc tế; thí sinh có chứng chỉ quốc tế; HS học hệ chuyên các môn Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ....
Cũng với quan điểm các trường ĐH đều ưu tiên chọn lọc những HS giỏi nhất, phù hợp nhất với chương trình đào tạo của mình, PGS.TS Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức chia sẻ, thực tiễn đã chứng minh HS khi trúng tuyển vào trường theo phương án xét tuyển tài năng đều phát huy được năng lực tư duy, khả năng tự học, tự nghiên cứu, sở trường chuyên môn tại trường THPT chuyên và đạt kết quả cao trong học tập.
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cũng đưa ra lời khuyên với HS là không nên lo lắng về sự công bằng trong tuyển sinh đầu vào. Quan trọng là vào trường có học được không, chẳng hạn, học 60 môn có qua hết được 60 môn không?
Từ đây, các chuyên gia giáo dục cũng chỉ ra việc cần có những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường THPT bình thường để không có sự chênh lệch nhiều giữa HS của trường chuyên và trường thường. Khi đó, chính các trường ĐH sẽ phải điều chỉnh lại phương án tuyển sinh. Còn trong điều kiện dễ thấy hiện nay là chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tư vấn của trường chuyên dường như chu đáo và tốt hơn với trường thường thì việc các trường ĐH dành chỉ tiêu cho phương án xét tuyển tài năng là điều có thể lý giải.