Ưu tiên cấp lại điện, đảm bảo đủ xăng dầu và hàng hoá cho người dân là 3 nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo tại cuộc họp khẩn khắc phục bão số 3.
Trên 3 triệu khách hàng dùng điện bị ảnh hưởng
Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), tính đến 21 giờ ngày 7/9, bão Yagi đã làm hư hỏng nhiều trên hệ thống lưới điện trung, hạ áp tại 15 tỉnh/thành phố khu vực miền Bắc với trên 3 triệu khách hàng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, Quảng Ninh bị gãy đổ 12 cột trung thế, 2 cột hạ thế, khoảng 461.000 khách hàng (trên 180 đường dây) mất điện. Tại Hải Phòng, hiện chưa kiểm đếm được thiệt hại lưới điện trung, hạ thế nhưng có khoảng 500.000 khách hàng trên 142 đường dây mất điện. Thái Bình hiện có khoảng 619.000 khách hàng trên 111 lộ đường dây mất điện...
Trước diễn biến phức tạp và thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, những ngày qua lãnh đạo EVNNPC đã luôn bám sát tình hình, liên tục chỉ đạo các đơn vị phương án ứng phó khắc phục.
Lãnh đạo EVNNPC đã chỉ đạo các công ty Điện lực đặc biệt chú trọng cấp điện sớm cho các phụ tải quan trọng và các TBA bơm tiêu úng ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.
Đối với các Công ty Điện lực ít ảnh hưởng hoặc không bị ảnh hưởng do bão, Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc, lãnh đạo EVNNPC yêu cầu thành lập các đội xung kích để sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề do bão. Mỗi công ty thành lập ít nhất 03 đội xung kích; từ 10- 12 người/đội.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Công điện hỏa tốc số 6814/CĐ-BCT về việc ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu EVN chỉ đạo Tổng công ty Điện lực và Công ty điện lực các tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó bão số 3, khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại ngay sau khi bão đi qua; đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho công tác phòng chống bão.
Không có hiện tượng tăng giá đột biến
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), công tác đảm bảo cung ứng xăng dầu đã được các doanh nghiệp đầu mối tại các địa bàn chủ động chuẩn bị đủ hàng cung cấp trong vòng 1-2 ngày. Ngay sau khi bão tan, hoạt động điều phối có thể trở lại bình thường.
Đối với việc cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu không có tình trạng thiếu hàng vì nguồn cung khá đầy đủ; không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Chỉ riêng tại các chợ truyền thống, giá nhóm hàng rau củ tăng nhẹ. Do mưa bão, việc vận chuyển cung cấp hàng hóa gặp khó khăn cục bộ tại một số khu vực.
Khảo sát tại các chợ dân sinh của Hà Nội cho thấy, chợ hoạt động bình thường nhưng vắng cả người bán và người mua. Tại các chợ, các hàng thịt lợn, thịt bò thưa thớt nhưng giá không tăng.
Tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng sáng 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết có khoảng 17.000 cây gãy đổ trên địa bàn. Dự báo, khó khăn trong lưu thông, vận chuyển còn tiếp tục trong vài ngày tới do hoàn lưu của cơn bão sẽ gây mưa lớn, khả năng gây ngập cục bộ tại một số địa bàn của thành phố.
Phương án cung ứng hàng cứu trợ (nếu xảy ra) được bàn giao tại địa điểm do UBND các huyện đề xuất, sau đó sử dụng phương tiện chuyên dụng do địa phương bố trí để chuyển tới người dân khu vực bị chia cắt.
Bộ trưởng Bộ Công thương đã chỉ đạo các Sở Công thương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân; chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cung cấp đầy đủ hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân.