Hôm qua, 14/8, tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến về Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Ảnh minh họa.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo qua 10 năm thực hiện đến nay cho thấy còn những bất cập, chưa phù hợp tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và có những vấn đề phức tạp phát sinh. Do đó cấp thiết phải xây dựng Luật thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, Luật lần này ra đời nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành, cũng như tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để đảm bảo hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Hạn chế sự can thiệp hành chính vào các công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, cải cách hành chính đối với lĩnh vực này.
Đồng thời, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các giá trị dân chủ, văn minh của loài người và chủ nghĩa xã hội được phát huy; giữ vững niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước- Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, ông Đào Trọng Thi- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VH,GD,TTN,NĐ) của Quốc hội bày tỏ quan điểm nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, theo ông Thi, Thường trực Uỷ ban nhận thấy các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thể hiện trong Dự thảo Luật còn chưa tương xứng với yêu cầu thể chế hoá tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp 2013. Một số quy định trong Dự thảo Luật còn chung chung. Đối tượng được ghi nhận và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn chưa đầy đủ...
Vì vậy, Thường trực Uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát một cách tổng thể các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Làm rõ nội hàm của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các đối tượng được bảo đảm và cơ chế, phương thức bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho những đối tượng đặc biệt...
Bày tỏ quan điểm đồng tình với thẩm tra của Ủy ban VH,GD,TTN,NĐ của Quốc hội, ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho biết, có 3 vấn đề nổi lên hiện nay trong đó có tình hình xu hướng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng tăng lên, đặc biệt là các địa bàn chiến lược.
“Vậy Luật này ban hành có giải quyết được vấn đề đó không? Tôi thấy Dự thảo Luật vẫn chưa đáp ứng được, mà chúng ta đang nặng về quản lý hành chính”- ông Khoa nêu.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Ủy ban VH,GD,TTN,NĐ của Quốc hội cần phối hợp với Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc để lấy ý kiến, hoàn chỉnh trước khi đưa ra Quốc hội hội cho ý kiến.