Trước nguy cơ từ đại dịch Covid-19, Việt Nam đã khẳng định phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trực tiếp chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, lao động bị mất việc, lao động tự do không có thu nhập gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Thách thức từ đại dịch
Đại dịch Covid-19 đang khiến cho những nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam trong nhiều năm qua gặp phải những thách thức mới. Tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập do Covid-19 tác động mạnh hơn tới các nhóm thu nhập thấp, không có hoặc ít tích lũy, không tiếp cận được lưới an sinh xã hội. Thực trạng này là nguy cơ tăng thêm người nghèo mới hoặc tái nghèo.
Đánh giá về những tác động nặng nề do Covid-19 gây ra, bà Vũ Thị Quỳnh Hoa - Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, Việt Nam nằm trong số các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Tỷ lệ nghèo trên đầu người của Việt Nam (theo ngưỡng 5,5 USD/ ngày) dự báo tăng và Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước có mức tăng cao nhất trên thế giới. “Đánh giá nhanh của Viện khoa học xã hội Việt Nam gần đây cũng cho thấy tính đến tháng 7/2021, gần 64% hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 30% trở lên so với thời điểm trước đại dịch (tháng 12/2019)” - bà Hoa cho biết.
Các chuyên gia của UNDP cho rằng tác động của Covid-19 khiến thu nhập giảm, gia tăng thất nghiệp, và khu vực chịu tác động nặng nề nhất, cảm nhận rõ nhất chính là người nghèo, lao động tự do. Theo các chuyên gia, ưu tiên hàng đầu của các chính sách hỗ trợ phải tập trung vào người dân và cộng đồng dễ rơi vào nghèo đói cùng cực do đại dịch. Để hạn chế các tác động tiêu cực của đại dịch, hạn chế tình trạng tái nghèo, các chuyên gia cho rằng các chính sách cần tập trung vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cần có những chính sách hỗ trợ lâu dài và đa chiều đối với nhóm nghèo và cận nghèo, các khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng dân tộc thiểu số.
“Đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo trong việc tiếp cận tìm kiếm việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cũng như các cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng nghề…” - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lê Văn Thanh đánh giá và cho biết, trước thực tế trên, trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 vừa được Quốc hội thông qua, mục tiêu tổng quát trong giai đoạn mới cũng tập trung thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Mục tiêu đặt ra là hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Đảm bảo ai cũng có Tết
Để thực hiện được mục tiêu giúp người nghèo có thu nhập trên mức sống tối thiểu, một trong những chuẩn nghèo đa chiều mới là chiều thiếu hụt về việc làm. Đây là tiêu chí đầu tiên trong các chiều về dịch vụ xã hội cơ bản vì thực chất khi một hộ gia đình có ít nhất một người có việc làm bền vững, có thu nhập tốt thì cơ hội thoát nghèo cao hơn rất nhiều. Chính vì thế, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo phấn đấu, hộ nghèo có ít nhất một người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, ổn định, có thu nhập tốt, hướng tới việc làm bền vững giúp hộ đó thoát nghèo.
“Việc làm là một trong những mục tiêu trọng tâm của chương trình giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới. Để người nghèo có việc làm cần xử lý rất nhiều bài toán trong chương trình mục tiêu và trong cả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”- Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Để góp phần giữ vững chính sách an sinh, ổn định đời sống cho người dân nhất là lao động yếu thế, người nghèo, từ cuối tháng 4 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định xuất cấp tổng cộng 137.090 tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,41 triệu hộ với gần 9,14 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Năm 2021, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao các cục dự trữ nhà nước khu vực thực hiện xuất cấp hơn 253.300 tấn gạo, giá trị trên 2.900 tỷ đồng và xuất cấp vật tư, trang thiết bị có tổng giá trị 142 tỷ đồng cho các địa phương để hỗ trợ người dân.
Theo bà Nguyễn Thị Phố Giang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, trong năm 2021, dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, tinh thần của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Cơ quan này đã triển khai xuất cấp số lượng gạo dự trữ quốc gia lớn nhất so với các năm gần đây để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh gây ra. Năm 2021, trên cơ sở báo cáo, đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố về nhu cầu hỗ trợ hàng dự trữ quốc gia cho người dân gặp khó khăn dịch bệnh Covid-19 gây ra, Tổng cục đã triển khai xuất 141.971 tấn gạo cho 33 tỉnh, thành phố để kịp thời hỗ trợ người dân (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, để góp phần ổn định đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022, Bộ LĐTB&XH cho biết, đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc trợ giúp xã hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Theo đó, nội dung công văn nêu rõ, năm 2021, đại dịch Covid-19 có những diễn biến rất phức tạp, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 do biến thể Delta lây lan nhanh ở hầu hết các tỉnh, thành phố gây tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Diễn biến của thiên tai năm 2021 mang nhiều yếu tố bất thường, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân, đặc biệt ở khu vực miền Trung cuối tháng 11 và đầu tháng 12 vừa qua.
“Để góp phần ổn định đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2022, Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương rà soát, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói; chủ động huy động nguồn lực, trong đó có ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho các hộ thiếu đói, nhất là các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tại” – công văn nêu rõ.
Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; vận động các tổ chức, cá nhân và bố trí ngân sách địa phương chăm lo Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, bảo đảm ai cũng có Tết.
Hiện nay nhiều địa phương đã gấp rút lên kế hoạch nhằm đảm bảo Tết cho người nghèo được đầm ấm và vui tươi. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, Sở LĐTB&XH đã có tờ trình gửi UBND TP về kế hoạch chăm lo tết cho người nghèo, người có công. Theo đó kinh phí chăm lo Tết Nhâm Dần 2022 là hơn 871 tỷ đồng. Tương tự tại Hà Nội, TP Hà Nội quyết định tăng kinh phí tặng quà các đối tượng chính sách, người nghèo năm nay cao hơn năm trước.
“Với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian tới sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững; thực hiện hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp xóa đói giảm nghèo; tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, nhất là những người nghèo bị ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, đại dịch Covid-19. Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp khác phục vụ hiệu quả cho công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết.