Để đảm bảo quyền cho người chưa thành niên, cần sửa đổi để bảo vệ trẻ em trước nạn bóc lột lao động là những kiến nghị của các đại biểu tại hội thảo tham vấn những nội dung sửa đổi, bổ sung về lao động chưa thành niên trong dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi ngày 7/10 tại Hà Nội do Bộ LĐTBXH tổ chức.
Bảo vệ lao động chưa thành niên cần phải có những quy định cụ thể để tránh tình trạng trùng lắp, khó áp dụng.
Mở rộng nhận diện lao động chưa thành niên
Để đảm bảo quyền lao động chưa thành niên, Bộ luật Lao động năm 2012 đã dành Mục 1 với 05 điều xác định tuổi của lao động chưa thành niên; việc sử dụng lao động chưa thành niên; nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên và sử sụng lao động dưới 15 tuổi trong đó người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, hiện nay theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH quy định về danh mục công việc nhẹ.
Theo các đại biểu, việc triển khai Bộ luật lao động năm 2012, để đảm bảo quyền lao động chưa thành niên, Bộ luật Lao động đã có Mục 1 với 05 điều xác định tuổi của lao động chưa thành niên, tuy nhiên những quy định này chỉ áp dụng trong khu vực chính thức, trong khi đó hiện nay lao động chưa thành niên làm việc chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Chính vì vậy trong quá trình sửa đổi Luật cần phải bao quát cả ở những khu vực phi chính thức.
Trước những ý kiến của các đại biểu, ông Ngô Hoàng – Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH cho biết, trong lần sửa đổi Bộ luật lao động lần này vấn đề làm thế nào để bảo vệ trẻ em trước tình trạng bóc lột lao động cũng được đưa vào sửa đổi bổ sung. Theo đó những vấn đề còn bất cập chưa phù hợp sẽ được sửa đổi, trong đó sẽ mở rộng việc nhận diện lao động chưa thành niên không có quan hệ lao động trên thực tế. Cụ thể sẽ sửa đổi thuật ngữ người lao động, người lao động không có quan hệ lao động, lao động chưa thành niên.
Đánh giá về những điểm mới được đưa vào sửa đổi tại Bộ luật Lao động sửa đổi, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc cho rằng, dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đã bổ sung nhiều điều khoản mới đóng vai trò trọng yếu trong việc hiện thực hoá quyền trẻ em. Tuy nhiên, Dự thảo có những nội dung chưa thực sự tuân thủ với Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, Công ước 128 của ILO về tuổi lao động tối thiểu; Công ước 182 của ILO về Những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. “ Điều 3 định nghĩa “người lao động” là người làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Đáng chú ý dự thảo đã bổ sung khái niệm “người lao động không có quan hệ lao động” nhưng những giới hạn về sử dụng lao động trẻ em tại Chương XI chỉ áp dụng quan hệ lao động chính thức giữa “người lao động” chưa thành niên và người sử dụng lao động” – bà Lê Hồng Loan – Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em Unicef nhận định.
Cũng theo bà Lê Hồng Loan, mặc dù tại dự thảo đã mở rộng để nhận diện lao động chưa thành niên chưa có hợp đồng lao động, song không có biện pháp bảo vệ người lao động chưa thành niên không có hợp đồng lao động. Đặc biệt chưa có điều khoản rõ ràng nghiêm cấm tất cả các hình thức sử dụng lao động trẻ em làm những công việc độc hại, nguy hiểm hoặc bóc lột (bất kể quan hệ lao động chính thức hay không).
Cần phải có những đánh giá tác động
Để bảo vệ lao động chưa thành niên, Unicef khuyến nghị cần có những chế tài mạnh hơn đối với những đối tượng vi phạm, đặc biệt là những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Để có thể xử phạt được thì phải có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn.
Ở góc độ khác, đại diện Vụ pháp luật hành chính Bộ Tư pháp cho rằng, các nội dung sửa đổi vẫn còn trùng lắp, đặc biệt có những quy định chưa thể hiện được rõ nét trong khi quyền của trẻ em đã được hiện thực hoá tại Hiến pháp cũng như Luật Trẻ em. Do đó cần phải có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tránh trường hợp những nội dung sửa đổi trùng lắp và khó áp dụng.
Trước ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng, trước những bất cập trong quá trình thực thi Bộ Luật Lao động đặt ra yêu cầu phải sửa đổi để bảo vệ quyền lợi người chưa thành niên tốt hơn. Trong đó có một số vấn đề xin ý kiến và đánh giá tác động kĩ trước khi sửa đổi, đó là: Làm thế nào để các quy định của Bộ luật có thể được áp dụng nhằm phòng, chống tốt hơn vấn đề lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động; Cần phải sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể nào để bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chuẩn lao động quốc tế về việc sử dụng lao động dưới 15 tuổi, đặc biệt là trường hợp sử dụng lao động dưới 13 tuổi; Những nội dung nào cần hoàn thiện nhằm bảo đảm tốt hơn việc xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, không chỉ trong khu vực chính thức mà ở cả khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động.