Đảm bảo sinh kế cho người dân sau thu hồi đất

Lê Bảo 02/07/2015 10:48

Theo quy định của Luật Đất đai, việc hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm bằng tiền không quá 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá của địa phương đối với toàn bộ diện tích nông nghiệp bị thu hồi và diện tích được hỗ trợ không quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương. Với mức hỗ trợ này liệu người dân có thể đảm bảo sinh kế sau thu hồi đất?

Đảm bảo sinh kế cho người dân sau thu hồi đất

Đảm bảo sinh kế luôn là mối quan tâm của người dân sau thu hồi đất

Giá đền bù chưa tương xứng

Với những người dân bị thu hồi đất thì giá đất đền bù và tạo việc làm luôn là mối quan tâm hàng đầu. Song thực tế đây lại là 2 vấn đề tồn tại nhiều bất cập nhất. Kết quả bước đầu của cuộc khảo sát những vướng mắc trong triển khai Luật Đất đai do Liên minh đất đai (Landa) thực hiện tại 3 tỉnh Bắc Giang, Cần Thơ và Quảng Nam cho thấy “Giá đất chênh lệch ngay trong một vùng thuộc cùng một tỉnh”.

Tại Bắc Giang, khi tỉnh thu hồi đất thì xảy ra trường hợp: 2 mảnh đất giáp ranh có cùng mục đích sử dụng (1 mảnh đất thuộc xã Song Khê, TP Bắc Giang, 1 mảnh đất thuộc xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng) nhưng mảnh đất thuộc xã Song Khê được đền bù trên 90.000.000 đồng/1 sào, còn mảnh đất thuộc xã Nội Hoàng chỉ được đền bù 78.960.000 đồng/1 sào.Tương tự, giá đền bù đất nông nghiệp tại xã Nham Sơn là 78.000.000 đồng/1 sào nhưng tại nơi khác giáp ranh Quế Võ - Bắc Ninh lại có giá đền bù 150.000.000 đồng/1 sào. Sự chênh lệch này đã dẫn đến tình trạng người dân bức xúc kiện cáo…

Giá đất đền bù chênh lệch giữa các vùng giáp ranh cũng là câu chuyện xảy ra giữa phường Tân Phú với xã Tam Phú (Tam Kỳ, Quảng Nam). Phường Tân Phú và xã Tam Phú chỉ cách nhau một con đường 616 (đường Tam Kỳ, Tam Thanh) nhưng người dân phường Tân Phú lại nhận được mức đền bù cao hơn. Liên quan tới vấn đề này đại diện chính quyền cũng cho rằng, việc đưa ra mức giá chênh lệch như vậy là chưa phù hợp song vì pháp luật đã quy định nên cũng chỉ giải thích cho người dân theo hướng “cách một con đường nhưng bên đó là cấp phường, điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng được đồng bộ nên giá đất đền bù cao hơn”.

Dù không có những thắc mắc xung quanh về giá đền bù, nhưng việc mưu sinh ổn định cuộc sống nơi ở mới vẫn luôn là nỗi lo, trăn trở của gia đình ông Đỗ Ngọc Thanh, xã Tam Phú. Gần cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất hương hỏa, với làng xóm, nhưng khi có chủ trương thu hồi 830 m2 đất của gia đình để làm đường, ông đã vui vẻ đón nhận vì mục đích chung. Dù được chính quyền địa phương hết sức quan tâm cũng như tuyên truyền, song ông Thanh vẫn không giấu được sự lo lắng. Ông bảo: Gia đình tôi đã được chuyển đến khu tái định cư, nhưng nơi ở mới không có đất nông nghiệp để sản xuất, các con tôi lại không được học hành, ra đó không biết gia đình tôi sẽ sống thế nào?

Phải tạo việc làm ổn định cho người dân

Đảm bảo cuộc sống sau thu hồi đất là nguyện vọng của tất cả người dân có đất bị thu hồi. Trên thực tế đây cũng là vấn đề được đặt ra khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất. Chính vì vậy, Nhà nước đã có nhiều chính sách, quy định về đào tạo nghề cũng như tìm kiếm việc làm cho người dân sau thu hồi. Tuy nhiên trên thực tế việc triển khai vẫn còn nhiều lỗ hổng và bất cập.

Theo Khoản 2, 3 Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP thì trách nhiệm đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định là của Bộ LĐTB & XH và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Tuy nhiên, có những trường hợp không chú trọng đến việc lấy ý kiến về phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mà lấy ý kiến qua loa hoặc không lấy ý kiến về phương án này. Điều này dẫn đến việc xây dựng những phương án không khả thi, mang tính hình thức, không phù hợp với trình độ và năng lực của các nông hộ bị mất đất sản xuất.

Kết quả khảo sát của ĐH Cần Thơ năm 2013 cho thấy, trong số 37% hộ dân có đất bị thu hồi đất và phải chuyển đổi nghề được khảo sát cho rằng, rất khó thích ứng với nghề nghiệp mới, nhất là đối tượng tuổi lao động trên 45 tuổi thì không thể thích ứng với công việc mới. Như Dự án thu hồi đất xây dựng Metro Cash Cần Thơ, lúc đầu có 40 người được nhận vào làm việc nhưng do không quen với tác phong công nghiệp nên sau vài năm chỉ còn 2 người làm việc cho Metro.

Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất; tuy nhiên, tiền thì không mặc nhiên được xem là tư liệu sản xuất. Chính vì vậy, mặc dù định mức hỗ trợ khá cao, song bản chất của việc hỗ trợ bằng tiền đôi khi không đạt được mục đích là đào tạo, chuyển đổi nghề đối với các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Do đó Nhà nước nên có tư vấn việc sử dụng tiền bồi thường sao cho hiệu quả và có chính sách bảo hiểm thích hợp đối với người nông dân có đất bị thu hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo sinh kế cho người dân sau thu hồi đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO