Sức khỏe

Đảm bảo sức khỏe trong dịp nghỉ lễ dài ngày

Đức Trân 01/05/2025 13:55

Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 là thời điểm lý tưởng để nghỉ ngơi, khám phá những vùng đất mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đảm bảo sức khỏe để có những ngày nghỉ trọn vẹn rất quan trọng để người dân có thể tràn đầy năng lượng bước vào công việc sau nghỉ lễ.

Cẩn trọng trước bệnh truyền nhiễm

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng trên cả nước gia tăng nhanh vượt mức cùng kỳ năm ngoái và trung bình 3 năm trước, báo hiệu nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát sớm trong thời gian tới. Nhiều bệnh viện cũng đã bắt đầu ghi nhận rải rác các trường hợp mắc viêm não mô cầu, thủy đậu, ho gà, cúm...

Từ đầu năm 2025 đến giữa tháng 4, cả nước ghi nhận rải rác 76.312 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 8.614 trường hợp dương tính.

y te vaccine
Tiêm vaccine để phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: VNVC

Nhận định về tình hình dịch cho thấy, hầu hết các tỉnh có số ca mắc tăng nằm ở khu vực phía Bắc, các tỉnh phía Bắc có số ca mắc tăng bắt đầu từ năm 2025 (năm 2024 có số ca mắc rất thấp), số ca mắc ở các khu vực còn lại cơ bản đã chững lại và xu hướng tăng không rõ như thời gian trước.

Mặc dù tình hình dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, ngành y tế vẫn nhận định còn nhiều thách thức. Một số địa phương chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng cao do khó khăn trong việc tiếp cận đối tượng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và đô thị lớn. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến tâm lý e ngại tiêm vaccine. Thêm vào đó, số lượng cán bộ y tế cơ sở còn mỏng, gây khó khăn cho công tác triển khai.

Tại khu vực phía Nam, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tổng số ca tích lũy mắc tay chân miệng từ đầu năm 2025 đến nay là 3.168. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận 142 trẻ nhập viện do tay chân miệng, tăng cao hơn cùng kỳ năm 2024 và cao hơn trung bình 5 năm trước. Trung bình mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận điều trị từ 30 - 40 trẻ mắc tay chân miệng. Bệnh viện đang điều trị cho 3 trường hợp mắc tay chân miệng nặng (độ 3, độ 4), và dự đoán trong tháng tới, tỷ lệ trẻ mắc bệnh này sẽ tăng nhanh. Còn tại Bệnh viện TP Thủ Đức cũng đã tiếp nhận, điều trị hơn 130 lượt khám tay chân miệng, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Số ca bệnh vẫn đang có xu hướng tăng, đa số là trẻ dưới 5 tuổi.

Trong khi đó, tình hình SXH trên thế giới tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, trong nước, thời điểm mùa dịch đang diễn ra, số mắc hàng năm có xu hướng tăng cao nhất từ tháng 5 đến tháng 11.

Theo chu kỳ dịch SXH tăng 4 - 5 năm một lần, các chuyên gia Viện Pasteur TPHCM cũng đưa ra dự báo khả năng năm nay khu vực phía Nam sẽ có một đợt dịch SXH trở lại. Đây cũng là một trong những thách thức lớn của ngành y tế. Trong bối cảnh nói trên, các chuyên gia y tế đánh giá, nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong và sau kỳ nghỉ lễ.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (nay là Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế) cho biết: “Người dân thường có xu hướng đi du lịch để “xả hơi” hoặc về quê thăm gia đình trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Nhiều người có thói quen tụ họp đến những nơi đông người, khó tránh khỏi tư tưởng chủ quan, xem nhẹ việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Trong khi đó, các dịch bệnh như sởi, ho gà, viêm màng não, tay chân miệng… trong cộng đồng đang có diễn biến phức tạp”.

Phòng ngừa bệnh đường tiêu hóa dịp nghỉ lễ

Trong dịp lễ 30/4 - 1/5, nhiều người có xu hướng chọn đi du lịch ở nhiều nơi khác nhau, hoặc ăn uống ở hàng, quán. Việc ăn uống những đồ lạ, thay đổi nếp sinh hoạt ngày thường có thể gây nên một số bệnh về đường tiêu hóa.

Theo các chuyên gia, tiệc tùng, rượu bia, ăn uống không điều độ trong các chuyến du lịch và nghỉ lễ là nguy cơ khiến hệ tiêu hóa rối loạn. Tình trạng đó có thể dẫn đến các triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng… Một số trường hợp phải nhập viện vì triệu chứng diễn tiến nặng như nôn ói, tiêu chảy, gây mất nước, đau bụng nhiều…

BS Huỳnh Văn Trung - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, nguyên nhân khiến các bệnh về tiêu hóa gia tăng trong thời điểm này là do chế độ ăn giàu chất béo, nhiều đồ ngọt, ít chất xơ, tiệc tùng liên miên, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, bảo quản sai cách... Ngoài ra, thời tiết nắng nóng hiện nay cũng là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi trong thực phẩm, dẫn đến nhiều bệnh lý về tiêu hóa nguy hiểm.

Một số vấn đề về tiêu hóa thường gặp đó là đầy hơi, chướng bụng. Triệu chứng này, có thể do rối loạn tiêu hóa cấp hoặc viêm đường ruột cấp do vi trùng, virus, nấm, ký sinh trùng.. trong thức ăn nước uống.

Bên cạnh đó, tình trạng tiêu chảy cấp tính cũng thường xảy ra đột ngột sau khi ăn, uống thực phẩm, thức uống không hợp vệ sinh gây nhiễm phải vi sinh vật (vi trùng, virus, nấm...) trong thực phẩm.

“Đối nghịch với tiêu chảy là tình trạng táo bón. Ngoài ra, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích… cũng là những bệnh lý phổ biến thường xảy ra trong dịp lễ. Phần lớn liên quan chế độ ăn uống, lạm dụng quá mức rượu bia, thuốc lá, thức khuya, ăn trễ…”- BS Huỳnh Văn Trung cho biết.

Để ngăn chặn những bệnh lý đường tiêu hóa trên, BS Trung lưu ý, người dân không nên ăn quá nhiều cùng một lúc. Đồng thời, tránh các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, trà đặc, cà phê... Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, đường, đạm, chế biến sẵn… “Khi đi du lịch xa, chúng ta nên dự trù những loại thuốc cầm tiêu chảy đơn giản như smecta hoặc oresol. Qua đó, nhằm bù nước và điện giải khi xảy ra tiêu chảy. Người đã hoặc đang điều trị những bệnh lý tiêu hóa trên cần tuân thủ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc điều độ, nhằm tránh nguy cơ tái phát cũng như thúc đẩy bệnh lý tiến triển thêm” - BS Trung khuyến cáo. Ngoài ra, những người có bệnh lý gan mạn như viêm gan siêu vi B, C cũng như có tiền căn viêm tụy cấp hoặc mạn trước đó cần hết sức thận trọng về chế độ ăn uống, rượu bia trong dịp lễ. Nếu người bệnh đang dùng các thuốc về huyết áp, hay mỡ máu cần tuân thủ theo toa.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (nay là Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần chủ động tiêm các loại vaccine quan trọng trước kỳ nghỉ lễ như vaccine cúm mùa, phế cầu, não mô cầu, ho gà – bạch hầu – uốn ván, sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, dại… để ngăn chặn chặn nguy cơ nhiễm bệnh khi đi du lịch và hạn chế tối đa việc lây nhiễm mầm bệnh cho các thành viên khác trong gia đình khi trở về nhà. Đặc biệt, người dân trước khi đi du lịch hoặc về quê cũng nên kiểm tra xem nơi mình chuẩn bị đến có lưu hành dịch bệnh nguy hiểm nào không để chủ động tiêm phòng loại vaccine cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo sức khỏe trong dịp nghỉ lễ dài ngày