Dù đã được thảo luận nhiều lần tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như tại các kỳ họp Quốc hội, song tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra ngày 26/8, Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) vẫn nhận được nhiều ý kiến.
Quyền được điều tra
Ghi âm ghi hình khi hỏi cung ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, ghi âm, ghi hình để đảm bảo minh bạch trong quá trình hỏi cung, để bảo vệ cho bị can khỏi bị nhục hình, và cũng để bảo vệ cho người hỏi cung không bị vu cáo. Có nhiều người có liên quan muốn ghi âm ghi hình nhưng cán bộ điều tra không cho nên nhiều vụ án chứng cứ bị mất đi, không chứng minh được. “Cho nên phải quy định ghi âm ghi hình là cần thiết, chứ không phải muốn làm thì làm. Đặc biệt người muốn cung cấp thông tin nếu họ ghi âm thì cũng phải tôn trọng người ta và phải coi đó như là một chứng cứ”- ông Hùng bày tỏ. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cũng bày tỏ quan điểm bắt buộc ghi âm ghi hình là tốt để chống bức cung nhục hình. ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nói: “Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, tôi cho rằng đó là nghĩa vụ. Cho nên đề nghị phải ghi âm, ghi hình”. |
Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho biết: Về việc bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không bổ sung các cơ quan Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vì không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, chủ trương thu gọn đầu mối cơ quan điều tra.
Một số ý kiến ĐBQH tán thành nội dung này. Ý kiến khác đề nghị bổ sung cơ quan Thuế và Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Có ý kiến đề nghị chỉ bổ sung Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng: Cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho cơ quan điều tra, nên không cần thiết phải giao cho các cơ quan này tiến hành một số hoạt động điều tra.
Riêng đối với Kiểm ngư, do gần đây tình hình tội phạm liên quan đến đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển diễn biến phức tạp và do yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, phù hợp với đặc thù hoạt động trên biển thì cần thiết giao cho cơ quan này tiến hành một số hoạt động điều tra.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phúc đáp yêu cầu phòng, chống tội phạm trên biển, UBTVQH đề nghị chỉ bổ sung cơ quan Kiểm ngư; không bổ sung Cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị cân nhắc bổ sung cơ quan Kiểm ngư có quyền điều tra. Lý giải, ông Cương viện dẫn: Theo nghị định 102 của Chính phủ thì lực lượng Kiểm ngư thực hiện tuần tra, phát hiện xử lý vi phạm trên vùng biển Việt Nam. Nếu bây giờ mà giao thêm hoạt động tố tụng là không ổn.
“Cơ quan hành chính nhà nước mà giao thêm hoạt động tố tụng thì sau này các cơ quan hành chính khác cũng đòi quyền điều tra thì sao? Hoạt động trên vùng biển có 4 lực lượng như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm ngư, Cảnh sát biển nên lực lượng kiểm ngư không khó khăn gì mà phải giao thêm quyền điều tra”- ông Cương đặt vấn đề.
Trong khi đó, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) lại bày tỏ quan điểm ủng hộ Ủy ban Chứng khoán, Thuế, Kiểm ngư có quyền điều tra, bởi thông qua quản lý nhà nước các cơ quan trên có thể phát hiện tội phạm và thu thập chứng cứ ban đầu. Tuy nhiên do các cơ quan này không phải điều tra chuyên trách nên chỉ có quyền khởi tố vụ án, lập biên bản sau đó chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách.
Quyền im lặng đến đâu?
Theo ĐB Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, trong quá trình xét xử, thấy bản án không đủ chứng cứ cũng phải kết luận không có tội. Vậy trong giai đoạn điều tra thấy không đủ chứng cứ cũng phải trả tự do cho người ta, còn trong giai đoạn truy tố thấy không đủ chứng cứ buộc tội thì cũng phải kết luận người ta vô tội.
Còn ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, vấn đề tranh tụng quy định như Dự thảo Bộ luật là hiểu chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Vì Hiến pháp nêu phải bảo đảm tranh tụng, tranh tụng trong khởi tố, buộc tội, gỡ tội. Trong quá trình điều tra bị can có quyền đối chất với người làm chứng. Còn nếu quy định như Dự thảo là ra tòa mới tranh tụng là thu hẹp tranh tụng. Bên buộc tội và gỡ tội phải bình đẳng với nhau do đó cần tăng cường yếu tố tranh tụng để đảm bảo quyền con người, công lý.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) đặt vấn đề: Quyền im lặng cần có quy định nhưng cũng đừng làm bó tay cơ quan tố tụng. Ví dụ vụ thảm sát ở Bình Dương, Nghệ An các bị cáo cứ vin vào đó nói im lặng chờ đến khi có luật sư, vậy lấy lời khai điều tra vụ án thế nào? Không có lời khai thì làm sao điều tra mở rộng vụ án truy bắt các đối tượng khác có liên quan. Quy định không khéo sẽ bó tay cơ quan tiến hành tố tụng, như vậy là có lỗi với đất nước, có lỗi với nhân dân.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, nguyên tắc suy đoán vô tội và bảo đảm tranh tụng cần rà soát chỉnh sửa, đảm bảo tranh tụng trong suốt quá trình tố tụng chứ không phải chỉ trong quá trình xét xử.