Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 01 về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn cùng với nhiều yếu tố khác đã và đang ảnh hưởng đến giá xăng dầu và nguồn xăng dầu cho thị trường. Bộ Công thương chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp (DN) bảo đảm chủ động, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.
Chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu, DN, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước có kế hoạch, phương án kinh doanh, bán lẻ xăng dầu khoa học, hợp lý, khả thi, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính công bố, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước và theo quy định pháp luật, tín hiệu thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phối hợp với các cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn, tạo nguồn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Vụ Dầu khí và Than cùng cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch xác định sản lượng của các DN sản xuất xăng dầu trong nước để có cơ sở cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu trong thời gian tới; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm bảo đảm duy trì liên tục, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung cho thị trường trong nước.
Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các DN; Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi buôn lậu xăng dầu qua biên giới, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu; Phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, DN bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của DN để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.