“24h chuẩn bị một lễ gia tiên… online nhưng đầy đủ tình yêu thương. Nhà cô dâu, nơi tổ chức lễ cưới đang trong khu vực phong tỏa, đám cưới trên tầng 10 thì ở sảnh đang giăng dây” – những lời tâm sự của chị Phạm Trương Bảo Khánh về ngày cưới đặc biệt của chị gái mình.
TP Hồ Chí Minh đang trải qua những ngày giãn cách để “đầy lùi” dịch bệnh. Nhiều cặp đôi đã phải hoãn ngày tổ chức đám cưới của mình. Nhưng có những cặp đôi vẫn tổ chức đám cưới đúng ngày theo một cách đặc biệt nhất, đám cưới “online”.
24h chuẩn bị
Đó chính là đám cưới của cô dâu Khánh Thi và chú rể Văn Quan. Gia đình, người thân cùng có mặt trên “Zoom Meeting” để tham dự lễ cưới. Tất cả chỉ được chuẩn bị trong 24h, đơn giản nhưng đầy đủ lễ nghi và hơn hết là đong đầy tình yêu thương.
Chia sẻ với phóng viên báo Đại Đoàn Kết Online, chị Phạm Trương Bảo Khánh, em gái của cô dâu Khánh Thi cho biết, gia đình đã lên kế hoạch lùi đám cưới qua dịch nhưng “không bất ngờ thì không phải chị gái của Khánh”, kế hoạch đám cưới “online” được thông báo trước 1 ngày và tất cả gia đình cùng “xúm tay” vào chuẩn bị.
Trong điều kiện giãn cách nên toàn bộ mâm lễ gia tiên gồm các món truyền thống như xôi đậu phộng, chè đậu xanh, gà luộc, chả lụa, bánh chưng, trái cây, hoa trái,… đều được lấy từ vườn nhà của người thân trong gia đình. Tất cả đều được tự làm để chuẩn bị cho đám cưới một buổi lễ gia tiên “tươm tất nhất” trong mùa dịch. “Mâm lễ có đủ xôi, chè, bánh, thịt bánh.. thấy đơn giản nhưng cũng là nỗ lực rất nhiều vì thời gian gấp mà nhà thì cũng không có nhiều người để phụ trách tất cả các việc”, chị Bảo Khánh nói.
Đám cưới đúng ngày
Chị Bảo Khánh cho biết, ngay khi cô dâu thông báo đám cưới sẽ tổ chức đúng ngày và tổ chức “online”, gia đình hai bên cũng có trao đổi nhiều, ban đầu cũng có suy nghĩ khác nhưng về sau thấy cũng đây là một phương án hay, đặc biệt và cũng là một thử thách. Vì một số lí do kế hoạch của gia đình đã định trước nên đây cũng là cách hay nhất trong tình hình dịch bệnh kéo dài.
Số lượng khách và gia đình tham dự đám cưới khoàng 20 người, có chủ hôn điều phối buổi, tất cả cùng tham gia “Zoom Meeting”. Khi tổ chức sóng wifi yếu nên đường truyền có lúc chập chờn còn mọi thứ đều diễn ra thuận lợi. Cảm xúc của tất cả mọi người khi tham gia đám cưới đều rất vui, ai cũng chuẩn bị trang phục trang trọng dù tham gia “online”.
“Ai có niềm vui chuẩn bị niềm vui, ai có quà cưới thì cất đó, hẹn gặp trao sau. Nhà cô dâu, nơi tổ chức lễ cưới đang trong khu vực phong tỏa... đám cưới trên tầng 10 thì ở sảnh đang giăng dây. Vì vậy, bàn gia tiên nhà cô dâu chú rể chuẩn bị cơ bản và xinh xắn”, chị Bảo Khánh kể về đám cưới đặc biệt, thích nghi với tình hình hiện tại này.
Cảm xúc đặc biệt của cô dâu
Cô dâu Khánh Thi nhớ lại: “Ban đầu bọn mình không hình dung được sẽ làm như thế nào, không có kịch bản cụ thể, không có kinh nghiệm của ai rõ ràng. Bọn mình ngại không dám mời đông bà con vì sợ lên hình bối rối”. Áo dài, nhẫn cưới cô dâu đã chuẩn bị từ lâu nên có sẵn. Cô dâu, chú rễ cố gắng chuẩn bị bàn thờ gia tiên từ những thứ có sẵn, tuy đơn giản nhưng vẫn trang nghiêm, long trọng.
Đúng ngày cưới, cô dâu mặc áo dài, tự makeup, làm tóc. Cô dâu lo lắng việc dán mi vì chưa bao giờ làm nhưng may mắn sao lên hình trông rất ổn. “Hai vợ chồng mình hồi hộp và hơi lo lắng vì sợ hai họ thấy đơn điệu quá. Nhưng hôn lễ diễn ra ấm áp, vui vẻ lắm. Tụi mình cảm nhận được nhiều yêu thương của gia đình”, Khánh Thi chia sẻ.
Điều tiếc nuối nhất của cô dâu, chú rể là không có thời gian để lên kịch bản rõ ràng và không mời được hết họ hàng tham gia. Sau khi tổ chức xong xuôi, cô dâu và chú rể mới thấy rằng “đông không có gì phải sợ”. Khách của đám cưới “online” đó đến từ Huế, Đà Nẵng, Tiền Giang, Hà Nội và ở quận khác ngay tại Sài Gòn. Chỉ ít ỏi khách như thế cũng đủ làm nên đám cưới đặc biệt, ấm áp và đáng nhớ biết bao.
Điều đặc biệt của đám cưới “online”
“Thật ra, khi tổ chức buổi lễ này, tôi mới nhận ra một điều, bình thường đám cưới chỉ có người lớn chia sẻ, nhưng ở đây mọi người, từ lớn đến bé, đều có thể trò chuyện chia sẻ cùng cô dâu chú rể. Bình thường khi đám cưới diễn ra lúc mọi người chúc phúc trên sân khấu, mình chỉ có thể nhìn thấy biểu cảm của họ, nhưng khi dùng ứng dụng này, một lúc mình đều có thể nhìn thấy cảm xúc của cô dâu chú rể, người chia sẻ chúc phúc và cảm xúc của rất nhiều người cùng tham dự nữa.
Dịch Covid-19 làm nhiều điều bị đình trệ, tuy nhiên, những điều cần diễn ra đúng lúc đúng thời điểm hay không là do chúng ta quyết định. Cảm ơn sự kế hoạch ngoài kế hoạch này để thấy rằng gia đình mình thật sự thú vị và chịu chơi quá chừng quá đất”, chị Bảo Khánh cho biết.
Sau khi đám cưới diễn ra, rất nhiều người thân, bạn bè đã chia sẻ về đám cưới đặc biệt này. Và cũng có những cặp đôi khác cũng đã tổ chức đám cưới “online”. Đây có thể là một xu hướng cưới mới giúp các cặp đôi thích nghi trong mùa dịch này.