Đậm đà chất Cao nguyên

Hoài Dương 01/05/2018 14:00

Trầm tích văn hóa cùng những huyền thoại.

So với các tỉnh đại ngàn Tây Nguyên, Đắk Lắk quyến rũ du khách bởi những vẻ đẹp ấn tượng riêng. Đầu tiên là những khu vườn quốc gia mênh mông, nơi đây có hai khu vườn quốc gia nổi tiếng là Yok Don và Chư Yang Sin, cùng đó là Khu bảo tồn quốc gia Nam Ka và Ea So.

Vườn quốc gia Chư Yang Sin vô cùng ngoạn mục với hơn 40 dãy núi cao, thấp khác nhau, có nhiều sườn dốc, những thảm rừng mênh mông và nhiều suối, ghềnh, thác đan xen, trùng điệp. Trong đó, dãy Chư Yang Sin chạy theo hướng Đông - Tây, chia vườn thành hai khu Bắc - Nam là dãy núi cao nhất, với đỉnh cao 2.442m. Đỉnh Chư Yang Sin đã được mệnh danh là nóc nhà thứ hai của Tây Nguyên, sau đỉnh Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum.

Còn Yok Don lại là một trong những khu bảo tồn tự nhiên lớn nhất của Việt Nam là nơi sinh sống của nhiều loài thú lớn như bò rừng, bò tót, trâu rừng, voi, khỉ, vượn, hổ, báo… đây còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên như Ê Đê, M’Nông, Lào…

Đặc biệt, trải nghiệm cưỡi voi tại Bản Đôn là kỷ niệm khiến bạn không thể nào quên. Vùng Bản Đôn của Đắk Lắk nổi tiếng trên thế giới về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Hiện nay, tại huyện Buôn Đôn và huyện Lắk còn khoảng 45 con voi đã được thuần dưỡng phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc và phục vụ khách du lịch.

Đến Đắk Lắk, chèo thuyền khám phá hồ Lắk cũng là một trải nghiệm độc đáo. Hồ Lắk là hồ nước tự nhiên lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk, nơi đây quyến rũ du khách bởi không gian hoang sơ và vẻ đẹp ấn tượng. Các bản làng của người dân tộc M’Nông sống xung quanh hồ cũng cung cấp cho bạn những trải nghiệm văn hóa hết sức độc đáo. Đây cũng là khu vực có nhiều ghềnh thác nổi tiếng như Thác Dray Sáp hay còn biết đến với tên gọi là thác Chồng, là thác nước có bề mặt trải dài hơn 500m và cao gần 20m chia làm 3 phần: Thượng, trung và hạ thác.

Vào đầu mùa mưa, con thác đổ ầm ầm, tung bọt nước trắng xóa, vì vậy người Ê Đê hay gọi là thác khói. Ngọn thác nằm ở một khu vực nhiều hang động, cây rừng, dây leo chằng chịt, bốn bề vang động âm thanh, cộng thêm đường lên thác quanh co, gập ghềnh với những tảng đá đầy rêu phong. Những yếu tố đó đã góp phần biến nơi đây trở thành một danh thắng nổi tiếng.

Nằm ở phía Tây Trường Sơn, dòng Serepok chảy sang đất Campuchia trước khi nhập vào sông Mekong để sau đó con sông lớn này trở lại Việt Nam. Dòng Serepok dài 406 km có nhiều thác ghềnh hùng vĩ còn tương đối hoang sơ là những điểm nổi bật hấp dẫn khách du lịch. Serepok được hợp lại từ hai dòng Krông Knô và Krông Ana. Điều lạ nữa là hai dòng chảy song song, nhưng một dòng thì quanh năm đỏ ngầu, còn dòng kia lúc nào cũng xanh trong. Cho dù dòng nước có ngược đi đâu chăng nữa, nhưng từ ngọn nguồn của đất nước, dòng chảy của phù sa, của trầm tích văn hóa vẫn mang trong mình những huyền thoại.

Điểm nhấn của Đắk Lắk còn là Tháp Yang Prong, còn gọi là Tháp chàm Rừng xanh ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 100 km. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 để thờ thần Siva- vị thần tượng trưng cho sự nảy nở của giống nòi và ấm no hạnh phúc theo tín ngưỡng của người Chăm. Hiện nay, tháp là một điểm du lịch thu hút rất đông du khách quan tâm đến văn hóa Tây Nguyên đến tham quan.

Một trong những điểm đến không nên bỏ đó là Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, năm ở TP Buôn Ma Thuột- nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Ấn tượng đầu tiên khi đến Bảo tàng Đắk Lắk là tòa nhà được thiết kế, xây dựng theo phong cách nhà dài truyền thống của người Ê đê, mái nhà được cách điệu như chiếc đàn T’rưng khổng lồ.

Khuôn viên Bảo tàng là quần thể cây rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở Buôn Ma Thuột, tạo không khí mát mẻ quanh năm. Trong số hơn 12.000 hiện vật đã sưu tầm, tích luỹ hơn 40 năm qua, có trên 1.000 hiện vật được Bảo tàng lựa chọn cho trưng bày thường xuyên. Trong không gian Văn hóa dân tộc, hơn 450 hiện vật được trưng bày thể hiện khái quát đời sống vật chất và tinh thần của 47 dân tộc cùng chung sống. Từ ngôi nhà dài của người Ê đê đến góc bếp của người M’nông hay những cây nêu trong lễ cúng lúa mới của người Gia rai.

Nét văn hoá độc đáo trong lễ hội cũng như sinh hoạt đời thường của đồng bào các dân tộc ở địa phương được thể hiện qua các hiện vật như cồng chiêng, rượu cần và các loại nhạc cụ…. Đến đây, du khách có thể tìm hiểu một cách khái quát nhất về lịch sử, văn hóa và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc bản địa trong thời gian ngắn nhất.

Ông Trần Văn Năm- trưởng phòng Sưu tầm và Nghiên cứu hiện vật bảo tàng Đắk Lắk cho biết, tất cả các hiện vật trưng bày ở đây như tượng nhà mồ, các loại nhạc cụ, hay các mô hình, đều do chính chủ thể văn hóa chế tác ra. Những nghệ nhân người Ê đê, Gia rai, M’nông làm ra những hiện vật đó.

Thành phố Buôn Ma Thuột từ lâu đã được xem như là thủ phủ cà phê của Việt Nam, đến đây bạn không chỉ được nhìn ngắm những đồn điền cà phê xanh ngút tầm mắt mà sẽ còn được thưởng thức những ly cà phê thơm ngon nhất. Buôn Ma Thuột về đêm cũng có rất nhiều thứ để nói. Nổi bật hơn cả có lẽ là khu tượng đài chiến thắng và khu chợ đêm.

Khu chợ đêm trên đoạn đường Điện Biên Phủ, Nơ Trang Lơng… thu hút khá đông khách hàng bởi đa dạng mặt hàng, giá cả phù hợp, không khí nhộn nhịp, tươi mới. Người ta đến chợ không chỉ mua sắm, mà còn là cơ hội tụ họp bạn bè, vui chơi, thưởng thức ẩm thực hay dạo phố… Sự đa dạng về mẫu mã chủng loại hàng hóa khiến khu chợ về đêm thu hút lượng khách lớn. Bên cạnh đó, con đường ẩm thực Y Jút về đêm gần đó cũng nhộn nhịp không kém.

Buôn Ma Thuột khiến người ưa sống chậm thêm yêu và muốn quay lại vùng đất này nhiều lần. Mọi thứ đều rất tự nhiên và nhẹ nhàng như chính những gì vốn có của phố núi. Con người Buôn Ma Thuột cũng có những nét rất riêng. Họ thân thiện, thẳng thắn nhưng không thiếu sự tinh tế khi giao tiếp. Bởi nếu muốn tìm một nơi thưởng thức ẩm thực núi rừng, bạn có thể hỏi thăm bất kỳ người dân nào. Họ sẽ chỉ đường và giới thiệu với thái độ chân thành và nụ cười thân thiện.

Không chỉ có vậy, ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk còn tập trung phát triển các dự án du lịch cộng đồng tại buôn Yang Lành (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), buôn Ya (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông), buôn Tring (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ), trên cơ sở khai thác văn hóa truyền thống bản địa, nghi lễ của đồng bào dân tộc tại chỗ và văn hóa ẩm thực. Tham gia du lịch cộng đồng tại những buôn làng trên, du khách sẽ được trải nghiệm ăn, ở, làm việc, tham gia các hoạt động như một người dân bản địa.

Tỉnh Đắk Lắk ưu tiên thực hiện Dự án Khu du lịch quốc gia Yok Đôn, triển khai Dự án du lịch sinh thái nông nghiệp và cộng đồng tại xã Cư Suê (huyện Cư M’gar), đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu thể thao, vui chơi, giải trí tại thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn, huyện Lắk, huyện Cư M’gar… Sự đa dạng các loại hình du lịch, phát huy thế mạnh về cảnh quan, văn hóa của địa phương không làm phai nhạt giá trị của truyền thống đã thu hút đông đảo khách du lịch trong nước, quốc tế đến Đắk Lắk suốt thời gian qua.

* Đắk Lắk có 57 di tích đã được kiểm kê, phân bổ trên các địa bàn trong tỉnh, trong đó 14 di tích thắng cảnh, lịch sử văn hóa được công nhận là Di tích quốc gia, 5 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích này được khách du lịch thường xuyên đến tham quan nhằm mục đích thưởng ngoạn và tìm hiểu về truyền thống lịch sử, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc và nhân dân trong tỉnh. Niềm tự hào cho Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2005.
* Quý I/2018, Đắk Lắk đón hơn 225.000 lượt khách, doanh thu toàn ngành ước đạt gần 200 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước cả hai tiêu chí này đều tăng lần lượt là 22% và 32,67%. Những con số về phát triển du lịch là minh chứng cho thấy để có mức tăng trưởng đạt như trên là nhờ nhiều chương trình hoạt động phong phú khác được các đơn vị làm du lịch trên địa bàn tổ chức như: Trình diễn cồng chiêng; Biểu diễn dân ca, dân vũ; ẩm thực; nhiều tour du lịch mạo hiểm và văn hóa cộng đồng tại hầu hết các khu, điểm du lịch. Trước đó, năm 2017, Đắk Lắk thu hút 703.000 lượt khách, tăng 13,20% so với năm 2016, trong đó, khách quốc tế đạt hơn 67.000 lượt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đậm đà chất Cao nguyên