Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Hoài Vũ 01/09/2016 07:53

Đó là ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, ngày 31/8. Thủ tướng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nhiệm vụ một cách kiên quyết, không lùi bước, nói đi đôi với làm. “Cả hệ thống phải có khát vọng tăng trưởng, phát triển. Nếu không khát vọng thì không phát triển được”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Khắc phục tình trạng khoảng cách từ lời nói đến việc làm

Thông tin về phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã dành thời gian thảo luận về 2 nội dung quan trọng là tập trung xây dựng thể chế và đánh giá về kinh tế xã hội 8 tháng và tháng 8/2016.

Về dự thảo quy chế hoạt động của Chính phủ, theo ông Dũng, “Có ý kiến cho là họp nhiều. Vì vậy phải xác định giải quyết theo thẩm quyền xác định trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương xác định rõ trách nhiệm, không đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ.

Trên cơ sở đó Thủ tướng yêu cầu giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu hoàn thiện dự thảo nghị định và trình Thủ tướng ban hành. Sau khi ban hành Nghị định thì các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng quy chế làm việc của bộ mình, tỉnh mình. Nói đi đôi với làm. Nhằm khắc phục tình trạng khoảng cách từ lời nói đến việc làm, cho nên Chính phủ đã thành lập tổ công tác để theo dõi các việc Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành địa phương nhằm đôn đốc đúng thời hạn, chất lượng”.

Về các mục tiêu kinh tế xã hội, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần thực hiện kiên quyết, không lùi bước, nói đi đôi với làm, phải tạo tăng trưởng kinh tế xã hội trong những tháng còn lại, cả hệ thống phải có khát vọng tăng trưởng, phát triển. Nếu không khát vọng thì không phát triển được, có khát vọng thì mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.

4.000 tấn cá lưu trữ trong kho đông lạnh

Trả lời về việc hiện có gần 4.000 tấn cá vẫn đang lưu trữ tại các kho lạnh tại các tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn cho 4 tỉnh miền Trung. “Với tinh thần luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân lên hàng đầu cho nên đã yêu cầu phân lô các kho cá. Lúc đó Bộ Y tế sẽ lấy mẫu và chuyển về 2 trung tâm xét nghiệm của Bộ Y tế. Tinh thần là chỉ cho phép lưu hành các kho cá được xác nhận an toàn, còn không an toàn thì phải tiêu hủy”- Thứ trưởng Long cho hay.

Trả lời về việc hiện nhiều người dân ở TP HCM phản ánh về mùi hôi thối, cho rằng do bãi rác Đa Phước; Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện Sở TNMT TP HCM đã khảo sát và kiểm tra ban đầu xác định nguyên nhân chính là do khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước; qua thanh tra kiểm tra cho thấy nhiều hạng mục xử lý nước rác (nước thải của rác) vẫn chưa hoàn thành. Quan điểm của Bộ là việc xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp không giải quyết triệt để về môi trường, nhưng trong điều kiện đất đai không có nên chôn lấp là giải pháp trước mắt. Bây giờ cần kiểm tra, đánh giá thực kỹ để có giải pháp lâu dài.

Sabeco, Habeco chưa thể hiện đúng tinh thần pháp luật

Liên quan đến lộ trình cụ thể thoái vốn của Sabeco, Habeco mà Bộ Công thương đang nắm sở hữu vốn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo thoái vốn phải công khai minh bạch theo cơ chế thị trường, tránh lợi ích nhóm gây thiệt hại vốn nhà nước.

Habeco là doanh nghiệp được cổ phần hóa nhưng Nhà nước giữ gần 82% vốn điều lệ. Còn ở Sabeco, Nhà nước chiếm gần 90% vốn điều lệ. Lộ trình thoái vốn khác nhau do quy mô vốn 2 doanh nghiệp này khác nhau. Theo đó Habeco phải thoái vốn ngay toàn bộ; còn phía Sabeco thì chia làm 2 đợt. Hiện đang chỉ đạo 2 doanh nghiệp này niêm yết, thẩm định, xây dựng phương án thoái vốn theo thị trường và thông lệ quốc tế.

Thông tin thêm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, theo quy định sau khi cổ phần hóa thì yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiện 2 doanh nghiệp này chưa niêm yết, chưa thể hiện đúng tinh thần pháp luật nên Thủ tướng đã yêu cầu 2 doanh nghiệp này phải niêm yết trên sàn chứng khoán để công khai minh bạch. “Việc niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo minh bạch tài chính cũng như để thấy được khả năng bán, sức mua của các doanh nghiệp. Đây là việc bắt buộc phải niêm yết”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Vì sao bồi thường cho ngư dân chậm?

Thông tin về việc đến nay Formosa đã chuyển hết 500 triệu USD tiền bồi thường, nhưng công tác kiểm đếm thiệt hại còn chậm và nhiều vướng mắc. Vậy bao giờ người dân thiệt hại tiếp cận được tiền bồi thường? Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương triển khai việc kê khai thiệt hại, tính toán thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp sau sự cố xả thải của Formosa.

Ngày 12/8, Bộ đã có công văn hướng dẫn về việc kê khai thiệt hại. Sau đó ngày 27/8 tiếp tục tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến của các địa phương bị thiệt hại về việc này.

Theo ông Tám, tại hội nghị các địa phương đề nghị Chính phủ kéo dài thêm 5 ngày, tức đến ngày 15/9 thì mới báo cáo tổng hợp được về mức độ thiệt hại. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có kết luận đồng ý về việc kéo dài thời gian cho các địa phương báo cáo, kê khai thiệt hại đến ngày 15/9. Việc triển khai bồi thường, hỗ trợ cho người dân, các đơn vị, tổ chức chịu thiệt hại sẽ thực hiện sau đó.

“Vấn đề không chỉ là nhanh hay chậm mà phải đảm bảo những tổ chức, cá nhân; đặc biệt những người, tổ chức trực tiếp chịu thiệt hại do sự cố này phải được kê khai không thiếu sót trường hợp nào và được bồi thường đúng theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch. Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt làm để sớm hoàn thành”- Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết.

Bộ Nội vụ chưa có báo cáo chính thức vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Liên quan đến vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Tại phiên họp tháng 7 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan điều tra làm rõ thua lỗ tại PVC, lúc đó do ông Thanh làm Tổng Giám đốc. Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ làm rõ việc thuyên chuyển điều động đối với ông Thanh. Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì và hiện Bộ đang tiến hành kiểm tra, chưa có báo cáo chính thức gửi lên Thủ tướng.

Kiên quyết “cắt ngọn” nhà 8B Lê Trực

Với câu hỏi: Kể từ thời điểm phát hiện sai phạm nghiêm trọng tại công trình xây dựng số 8B phố Lê Trực (Q.Ba Đình, Hà Nội) đến nay đã gần 10 tháng, nhưng việc phá dỡ phần xây dựng sai phép vẫn chưa hoàn thành, gây bức xúc trong dư luận, mặc dù vụ việc đã có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc chậm trễ thi hành thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được xem xét ra sao?

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Về việc xử lý phần xây dựng trái phép công trình 8B, phố Lê Trực (Hà Nội), UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan có nhiều biện pháp quyết liệt để thúc đẩy tiến độ phá dỡ như: Thay nhà thầu, thành lập Tổ công tác theo dõi, giám sát việc cưỡng chế, thẩm định, phê duyệt phương án, lựa chọn nhà thầu phá dỡ, nhà thầu tư vấn giám sát, tạm ứng ngân sách để thực hiện, đồng thời có biện pháp hành chính cương quyết đối với chủ đầu tư. Đến nay đã cơ bản phá dỡ xong toàn bộ sàn tầng 19 (giai đoạn 1), trước ngày 30-9-2016 sẽ hoàn thành phương án phá dỡ giai đoạn 2 trình thẩm định.

Để tăng cường việc chỉ đạo xử lý vi phạm tại công trình số 8B Lê Trực, ngày 19/8, UBND TP Hà Nội đã giao Chủ tịch UBND quận Ba Đình trực tiếp chỉ đạo công tác cưỡng chế và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng này.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO