Nhà máy Đạm Ninh Bình trị giá 700 triệu USD do Tổng Công ty tư vấn và thầu khoán Hoàn Cầu của Trung Quốc làm tổng thầu. Chính vì vậy, dây chuyền, máy móc thiết bị phần lớn nhập từ Trung Quốc, có thể không đảm bảo về mặt chất lượng nên thường xuyên xảy ra sự cố hỏng hóc, phải ngừng sản xuất.
Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong 4 năm qua.
Sau 4 năm đi vào hoạt động, tới đầu tháng 5/2016, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình) đã chính thức cho ít nhất 400 công nhân tạm thời nghỉ việc, nhưng vẫn hưởng mức lương tối thiểu vùng 3,1 triệu đồng/người/tháng. Lãnh đạo Đạm Ninh Bình đưa ra lý do dẫn tới sự cố ngừng sản xuất là bởi hỏng đường ống cửa vào máy nén. Song thực tế lại không phải như vậy.
Nhà máy gặp sự cố
Hiện tại, Đạm Ninh Bình đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm phân bón. Hàng hoá làm ra gần như không tiêu thụ được; dây chuyền máy móc cơ bản nhập từ Trung Quốc với công nghệ lạc hậu, phụ thuộc dẫn tới chất lượng phân bón không đủ sức cạnh tranh về mặt giá cả với phân nhập ngoại, phân sản xuất từ các nhà máy khác.
Tới cuối tháng 3/2016, Nhà máy Đạm Ninh Bình gặp sự cố, buộc phải dừng hoạt động sản xuất. Nhưng nghiêm trọng hơn, lượng phân tồn kho của doanh nghiệp này còn rất lớn. Trước tình thế trên, Đạm Ninh Bình buộc phải cho 400 công nhân trong tổng số khoảng 1.000 lao động nghỉ việc tạm thời, nhưng vẫn được hưởng mức lương tối thiểu vùng 3,1 triệu đồng/người/tháng.
Ông Vũ Văn Nhẫn - Tổng Giám đốc Đạm Ninh Bình cho biết: Theo kế hoạch, vào tháng 7/2016, nhà máy sẽ ngừng sản xuất trong khoảng thời gian hơn 1 tháng để đại tu lớn. Song, vào ngày 20/3 vừa qua, nhà máy Đạm Ninh Bình đã bị hỏng đường ống cửa vào máy nén kích lạnh nên buộc phải dừng toàn bộ quá trình sản xuất để sửa chữa, khắc phục sự cố.
Hiện việc sản xuất kinh doanh của nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn. Sản lượng phân bón do Đạm Ninh Bình sản xuất còn tồn đọng tại kho lên tới trên 50.000 tấn. Nghịch lý là, giá u-rê thành phẩm của Đạm Ninh Bình cao hơn giá đạm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chính ông giám đốc Đạm Ninh Bình cũng đã thừa nhận: Không chỉ đơn giản rằng sản lượng tồn kho lớn, khó tìm kiếm đầu ra mà doanh nghiệp này đang đi vào bế tắc trong sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nên càng sản xuất thì càng tăng thêm thua lỗ.
Nói về chất lượng sản phẩm Đạm Ninh Bình, nông dân Trần Quang Bình, trú xã Gia Hoà, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình nhận xét: “Chất lượng phân đạm Ninh Bình rất kém. Phân hạt to, hạt nhỏ, không đều và thường bị vỡ vụn, chảy nước, vón cục… Vì vậy mặc dù nhà máy đóng trên địa bàn nhưng nông dân chúng tôi không mấy mặn mà với sản phẩm của doanh nghiệp này”.
Nguy cơ phá sản
Theo số liệu chúng tôi có được, trong suốt 4 năm qua, Đạm Ninh Bình liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ. Con số lỗ tới thời điểm này lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Hơn thế, Nhà máy trị giá 700 triệu USD này do Tổng Công ty tư vấn và thầu khoán Hoàn Cầu của Trung Quốc làm tổng thầu. Chính vì vậy, dây chuyền, máy móc thiết bị phần lớn nhập từ Trung Quốc, có thể không đảm bảo về mặt chất lượng nên thường xuyên xảy ra sự cố hỏng hóc, phải ngừng sản xuất.
Phía lãnh đạo Đạm Ninh Bình cũng thẳng thắn thừa nhận: Doanh nghiệp đang tập trung quảng bá sản phẩm, thay đổi mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm… nhằm tiêu thụ hết số hàng tồn dư. Nhưng đối với khoảng 50 nghìn tấn phân đã ra lò, không hiểu Đạm Ninh Bình sẽ làm thế nào để nâng cao được chất lượng đối với số hàng thành phẩm này?
Chưa hết, cũng theo lãnh đạo Đạm Ninh Bình: Ngoài việc sửa chữa máy móc hỏng hóc, bảo dưỡng, bảo trì hoàn thành, để có thể sản xuất trở lại thì phải tiêu thụ được ít nhất 40.000 tấn sản phẩm tồn kho. Như vậy, việc nhà máy này dự kiến đưa dây chuyền hoạt động trở lại vào đầu tháng 6/2016 là không có cơ sở.
Liên quan đến quyền lợi của người lao động đang làm việc tại Đạm Ninh Bình, ông Đỗ Việt Anh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình cho biết: Đến thời điểm này, LĐLĐ tỉnh Ninh Bình ghi nhận Đạm Ninh Bình đã thực hiện đúng quy trình quản lý, sử dụng lao động. Việc Đạm Ninh Bình cho công nhân tạm thời nghỉ việc là hướng giải quyết trước mắt, nằm trong thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, đúng quy định”.
Bên cạnh đó, ông Ngô Xuân Trung - Trưởng phòng Tổ chức Lao động Đạm Ninh Bình xác nhận: Ban lãnh đạo Đạm Ninh Bình đã họp bàn với công đoàn và người lao động, hiện đã có 400 công nhân tự nguyện ký vào đơn nghỉ việc tạm thời. Qua đây cho thấy một dự án được đầu tư với nguồn vốn khổng lồ lên tới 700 triệu USD, nhưng tới thời điểm này đang sống “thoi thóp” cần được các ngành chức năng vào cuộc làm rõ để có hướng xử lý, tránh tiếp tục để xảy ra thua lỗ, gây thiệt hại, lãng phí tiền của Nhà nước.