Liên minh châu Âu cho biết sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với Vương quốc Anh từ ngày 2 đến ngày 5/3 tại Brussels (Bỉ). Nhiều dự đoán về việc đàm phán sẽ gặp khó khăn khi cả Anh và EU đang có một số quan điểm mâu thuẫn và trái chiều.
Đàm phán hậu Brexit Anh-EU có nguy cơ không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Nguy cơ đàm phán là con số “0”
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, mới đây cho biết ngoài vòng đàm phán dự kiến được tổ chức vào tuần sau, vòng đàm phán thứ hai sẽ diễn ra tại London vào cuối tháng Ba, với chương trình nghị sự gồm thương mại, an ninh, chính sách đối ngoại cùng nhiều lĩnh vực khác.
Ngay trước khi đàm phán diễn ra, ông Barnier khẳng định sẽ không tìm cách kết thúc đàm phán “bằng bất cứ giá nào,” bởi với khung thời gian rất hạn chế, các bên sẽ không thể hoàn tất mọi yêu cầu. Ông cũng cảnh báo tiến trình thương lượng sẽ phức tạp, khắt khe nếu cả hai bên không có tiếng nói chung.
Trong khi đó, đại diện trong cả 2 vòng đàm phán cho phía Anh sẽ là ông David Frost , một người có nhiều kinh nghiệm trong ngoại giao với EU trong suốt 3 năm qua khi diễn ra tiến trình Brexit được ví với cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU. Với quan điểm cứng rắn của mình, ông David Frost ngay lập tức cáo buộc EU đã rút lại cam kết trước đó về việc đạt được thỏa thuận thương mại tự do.
Ở cấp chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson là ông James Slack nói rằng EU đang đòi hỏi những cam kết “nặng nề” từ Anh. “London sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào về việc tuân theo các quy tắc của EU, giống như việc nước này không mong đợi EU chấp nhận luật pháp của mình”- ông James Slack nhấn mạnh.
Các nhà quan sát nhận định các cuộc đàm phán thương mại thời hậu Brexit vẫn có rủi ro dẫn đến khả năng nước Anh sẽ ra đi trong hỗn loạn và không có bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với EU và kết quả dễ dẫn đến là một con số “0”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong phát biểu mới đây cũng nhận định ông “không chắc chắn” khối EU và Anh sẽ đạt được một thoả thuận tự do thương mại vào ngày 31/12/2020 – thời điểm kết thúc quá trình chuyển đổi hậu Brexit của Anh.
Anh muốn được đối xử như Canada
Trong giai đoạn chuyển tiếp đã được thống nhất, nước Anh phải tuân thủ các quy tắc của EU cho đến ngày 31/12/2020. Song nước Anh đã từ chối tuân thủ các quy tắc của EU, viện dẫn lý lẽ rằng việc nước này được tách khỏi những quy tắc trên là một nguyên nhân chính của Brexit.
Trong khi đó, 27 quốc gia còn lại trong EU đang lên tiếng rằng nếu Anh muốn một thỏa thuận thương mại tốt nhất có thể, họ sẽ phải tuân thủ nhiều quy tắc khác nhau, từ các khoản hỗ trợ của chính phủ đến tiêu chuẩn môi trường và cho phép các tàu đánh cá của EU khai thác trên vùng biển nước này.
Với việc ông Johnson từ chối kéo dài thời gian chuyển tiếp, quỹ thời gian để đàm phán là rất hạn chế vì hầu hết các thỏa thuận thương mại thường phải mất nhiều năm để hoàn tất. London cho biết họ sẽ tìm kiếm một thỏa thuận tương tự như thỏa thuận thương mại EU-Canada mà không có hạn ngạch hay thuế quan đối với hàng hóa.
Theo đó, thỏa thuận thương mại giữa EU và Canada, có hiệu lực một phần từ năm 2017, dỡ bỏ hầu hết thuế quan đối với các hàng hóa trong hoạt động thương mại giữa hai bên. Sau thỏa thuận, cả 2 bên đều không tác động nhiều tới hoạt động thương mại liên quan tới các dịch vụ tài chính – vốn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Anh.
Trong khi đó, cảnh báo về việc Anh có thể mất 32 tỷ USD kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang các nước EU nếu nước này không đạt được thỏa thuận thương mại song phương với khối đang đè nặng lên vai chính phủ nước này.
Đây là một phần nội dung trong báo cáo của các nhà kinh tế Liên hợp quốc đưa ra tại Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ở Geneva, Thụy Sĩ công bố trước khi đàm phán diễn ra.
Báo cáo của UNCTAD nêu rõ thị trường EU chiếm tới 46% hàng hóa xuất khẩu của Anh, do đó việc Anh không có được một thỏa thuận với EU sẽ tác động mạnh đến kinh tế của nước này. Cụ thể, mức thiệt hại 32 tỷ USD nêu trên tương ứng 14% giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Anh sang EU.
“Cả Anh và Liên minh châu Âu sẽ cùng tính toán rất kỹ trước các thỏa thuận một cuộc “ly hôn” với những nền tảng pháp lý do lịch sử để lại”- Koloser chuyên gia kinh tế từ Đức nhận định.