Vòng đàm phán thương mại thứ 13 giữa Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bắt đầu vào ngày 10/10 tại Washington, chỉ vài ngày trước khi đòn áp thuế nhằm vào 250 tỷ USD hàng hóa nhập nhẩu từ Trung Quốc tăng từ 25% lên 30% có hiệu lực vào ngày 15/10.
Vòng đàm phán thứ 13 giữa Mỹ và Trung Quốc không mang tới nhiều kỳ vọng. (Nguồn: Reuters).
Khó đạt tiến triển
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hoãn việc tăng thuế này 2 tuần nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc. Dẫn đầu phái đoàn đàm phán Mỹ lần này là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchi, và phái đoàn Trung Quốc sẽ do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu.
Tuy nhiên, ngay trước khi vòng đàm phán mới bắt đầu, tờ South China Morning Post (SCMP) của Trung Quốc dẫn nguồn tin thân cận tiết lộ, ông Lưu Hạc và nhóm làm việc của mình dự định rời Washington ngay trong hôm thứ Năm, mặc dù vòng đàm phán thương mại lần này được lên kế hoạch sẽ kéo dài đến thứ Sáu do 2 bên không đạt được tiến bộ trong việc chuẩn bị chương trình nghị sự cho cuộc đàm phán.
Theo SCMP, cuộc đàm phán của nhóm làm việc diễn ra trong hai ngày 7 và 8/10 đã không đạt được tiến triển. Nguồn tin này cho biết Trung Quốc đã từ chối bàn về tình trạng chuyển giao công nghệ ép buộc và một số vấn đề khác trong cuộc đàm phán.
Cả hai bên từ trước đến nay vẫn bất đồng liên quan tới yêu cầu của Washington là Bắc Kinh phải cải thiện việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, kết thúc tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc và cho phép các công ty Mỹ tiếp cận sâu vào thị trường Trung Quốc.
Theo Bloomberg, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét khả năng ký kết thỏa thuận tiền tệ với Bắc Kinh như một phần trong bước đầu tiên để đi đến ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Các điều khoản trong thỏa thuận tiền tệ này đã được chấp nhận vào đầu năm nay, trước khi các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh bị gián đoạn và rơi vào bế tắc. Nhà Trắng coi đây là một thỏa thuận giai đoạn đầu với Bắc Kinh.
Chính quyền Washington kỳ vọng, sau khi ký kết thỏa thuận này, Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể tiếp tục đàm phán về các vấn đề quan trọng như sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc....
Vào hồi tháng 8 năm nay, Mỹ đã liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia “thao túng tiền tệ” và tuyên bố sẽ hợp tác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại bỏ “lợi thế không công bằng” mà Trung Quốc đang có được.
Về phía Trung Quốc, trong hôm đầu tuần này, ông Yi Gang - Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - tuyên bố Trung Quốc sẽ không biến tỷ giá đồng Nhân dân tệ thành công cụ để đối phó trong xung đột thương mại với Mỹ.
Cảnh báo mới
Vòng đàm phán thứ 13 giữa Mỹ và Trung Quốc cũng diễn ra trong bối cảnh mà IMF ra cảnh báo mới về tầm ảnh hưởng của thương chiến đối với kinh tế toàn cầu.
Hôm 9/10, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã lên tiếng cảnh báo rằng cuộc thương chiến kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại khoảng 700 tỷ USD trong năm 2020.
Bà Georgieva - người vừa nhận chức vụ đứng đầu của IMF trong tháng này - đã công bố bản đánh giá về viễn cảnh nền kinh tế toàn cầu trong năm tới, trong đó cảnh báo rằng kinh tế toàn cầu đang có xu hướng chậm lại một cách “đồng bộ”. Theo ước tính của IMF, 90% các nền kinh tế trên toàn cầu sẽ có đà tăng trưởng chậm lại trong năm nay.
Giải thích về một số nhân tố gây ra xu hướng giảm toàn cầu, bà Georgieva nhấn mạnh vào căng thẳng thương mại cùng các đòn áp thuế, đặc biệt chỉ ra ảnh hưởng từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
“Hậu quả được thể hiện rất rõ. Tất cả đều thua trong một cuộc chiến thương mại” - bà Georgieva nói. “Đối với nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột trong thương mại có thể khiến toàn thế giới mất đi 700 tỷ USD trong năm 2020, tương đương 0,8% GDP. Con số này xấp xỉ bằng với giá trị của nền kinh tế Thụy Sĩ”.