Dân chủ, trách nhiệm

H.Vũ 15/06/2019 08:00

Đúng như lời phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rằng “tại kỳ họp lần này, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới, bảo đảm đúng nguyên tắc, không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm” thì hoạt động thực tế của Quốc hội đã cho thấy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống. Những vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm đã được Quốc hội lắng nghe để đưa ra những quyết định trong công tác lập pháp.

Hiệu quả của Quốc hội được đánh giá thông qua hơi thở của cuộc sống xã hội. Những vấn đề Quốc hội quyết định, đưa ra những giải pháp đều xuất phát từ giải quyết những “điểm nóng” được dư luận xã hội và người dân mong mỏi. Dấu ấn rõ nét nhất được thể hiện ở kỳ họp lần này chính là việc Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bằng việc bổ sung quy định: “Cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông”. Đây được coi là việc làm “phá lệ” bởi lẽ trước khi biểu quyết thông qua Luật vào ngày bế mạc (14/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện xin ý kiến các vị ĐBQH về phương án “Cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông”, nhưng phương án này không đạt được trên 50% ĐBQH tán thành. Đúng ra, với kết quả xin ý kiến trên thì các khoản quy định sẽ không được thể hiện trong dự thảo. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông, là cần thiết.

Vì vậy, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh khi các ĐBQH chuẩn bị biểu quyết để bổ sung quy định này vào trong luật: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông”. Và ngay sau đó, việc bổ sung quy định trên đã nhận được 77,27% ĐBQH tán thành, và thông qua toàn bộ Luật với 84,30% ĐBQH tán thành.

Thực tế mà nói, quyết định “chưa có lệ” trên có thể coi là một điểm nhấn quan trọng trong nhiều quyết định được Quốc hội đưa ra ở kỳ họp lần này. Bởi quyết định quan trọng trên đáp ứng đúng sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước trước vấn nạn “nhân tai” lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua. Còn xét ở góc độ lập pháp cũng phải nhìn nhận rằng, quy định “cấm lái xe khi sử dụng rượu bia” được luật hóa có ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao với mục tiêu cao nhất cả trước mắt và lâu dài là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.

“Trí tuệ, dân chủ và mang được ý nguyện của nhân dân đến nghị trường” là nhận định được ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá xuyên suốt kỳ họp khi các ĐBQH, Quốc hội đã truyền tải được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường.

Chất lượng hoạt động của Quốc hội không chỉ nằm ở việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục, yêu cầu Chính phủ, các thành viên Chính phủ thực hiện mà còn nằm ở việc giải quyết những kiến nghị được cử tri gửi đến. Do đó không phải ngẫu nhiên tại kỳ họp lần này có sự đổi mới diễn ra ngay tại phiên khai mạc (20/5) được phát thanh truyền hình trực tiếp.

Ngay sau khi Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7 thì bà Nguyễn Thanh Hải -Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6. Thông qua đó cử tri có thể theo dõi, biết, và giám sát được những kiến nghị của mình được Chính phủ, các thành viên Chính phủ giải quyết như thế nào và lấy đó là “thước đo” cho sự hài lòng của người dân đối với bộ máy công quyền.

Có lần khi cho ý kiến về Luật Kiến trúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng nhắc đến: “Tòa nhà Quốc hội gần như được “bọc kính trong suốt” vừa để thể hiện cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước nhưng cũng là cơ quan dân cử để gần dân hơn, đồng thời thể hiện ý nghĩa công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội”. Quốc hội chỉ có thể gần dân, lắng nghe dân, giải quyết những bức xúc của nhân dân bằng những hành động cụ thể là giải quyết những bức xúc từ cuộc sống của nhân dân. Và nhân dân chính là “lăng kính” phản chiếu hiệu quả hoạt động của Quốc hội thông qua những lá phiếu bầu cho đại biểu Quốc hội vốn là hạt nhân tạo nên sức mạnh của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân chủ, trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO