Dân lại phải chờ

Phương Nguyên 21/07/2016 06:15

Sau khi ĐĐK có loạt bài "Tiền công không ai xót" ra từ ngày 6/4/2016-8/4/2016 phản ánh về tình trạng đầu tư công tràn lan, sử dụng ngân sách kém hiệu quả khiến người dân bức xúc. Tiếp thu thông tin báo nêu, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành vào cuộc, tuy nhiên, sau gần 3 tháng, mong mỏi của người dân vẫn chưa được đáp ứng.

Dân lại phải chờ

Thủy điện Thượng Sơn vẫn hoang hóa trước ý kiến của người dân và báo chí.

Ngay sau khi Đại Đoàn Kết thông tin sự việc trên, trao đổi với phóng viên qua email, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Triệu Tài Vinh, cho biết: Sẽ xem xét và chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý triệt để vụ việc, không để nhân dân bức xúc mất niềm tin.

Ngày 6/4/2016, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản chỉ đạo mang số 915/UBND – NNTNMT về việc kiểm tra, giải quyết nội dung báo Đại Đoàn Kết nêu sự cố về công trình Thủy lợi Ngọc Linh xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên.

Tiếp đó, ngày 26/4/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục chỉ đạo và ra văn bản 1159/UBND – NNTNMT chỉ đạo kiểm tra, tham mưu giải quyết đề nghị của Sở NN&PTNT về sự cố lún nứt đã được nêu trên báo Đại Đoàn Kết.

Tiếp thu các chỉ đạo và văn bản của UBND tỉnh Hà Giang, ngày 8/4/2016, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang chủ trì cùng các ban ngành liên quan đã đi thực địa, lập biên bản và khẳng định thông tin báo Đại Đoàn Kết nêu là hoàn toàn xác thực. Sở này cũng có Báo cáo mang số 132/BC-SNN để gửi các cơ quan ban ngành tình hình thực tế về sự cố nứt, thủng đập Thủy lợi Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên.

Dân lại phải chờ - 1

Đập thủy lợi Vằng Lĩnh-1 trong những hạng mục của Công trình Thủy lợi Ngọc Linh vẫn chưa được khắc phục.

Báo cáo này cho thấy, Công trình Thủy lợi Ngọc Linh được đầu tư theo Quyết định số 2688/QĐ-UBND ngày 19/8/2008 của UBND tỉnh Hà Giang với tổng dự toán được phê duyệt là 39.134.477.466 đồng gồm 2 gói thầu, trong đó phần đập có sự cố do Cty Khánh Vân (có địa chỉ tại huyện Hoàng Su Phì) thi công với trị giá là 11.692.113.000 đồng.

Diễn giải trong Báo cáo này về sự cố, Sở NN&PTNT cho rằng đầu tháng 8/2015, trên địa bàn xã xảy ra mưa lớn nên đã gây áp lực dẫn đến phá hủy chân đập, gây nứt cho thân đập và dịch chuyển sân tiêu năng theo thiết kế…

Với thực tại sự cố này, sau khi nghiên cứu, tính toán, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đã đưa ra phương án sửa chữa, dự kiến kinh phí khoảng 3.500 triệu đồng.

Tuy nhiên, với phần đề xuất của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đã không đem lại sự đồng tình cho người dân và một số người có kinh nghiệm trong xây dựng lĩnh vực thủy lợi.

Họ cho rằng, với số tiền không phải nhỏ được đầu tư, chả nhẽ người ta không biết và không nghiên cứu xem lượng mưa trên địa bàn xã Ngọc Linh cũng như huyện Vị Xuyên theo chu kì, theo năm để tính toán cho độ bền công trình. Cứ thi công, gặp sự cố lại đổ cho thiên tai thì ai cũng làm thi công, nhà thầu được!

Nhiều người cho rằng, Ngọc Linh cũng như Vị Xuyên, rất gần với huyện Bắc Quang, vốn được coi là “rốn mưa” của khu vực phía Đông Bắc nên việc xẩy ra mưa lớn, mưa kéo dài trong mùa mưa lũ là hết sức bình thường.

Sau khi mưa lớn xảy ra, một số đập chắn, đập tràn đã có “thâm niên” trên địa bàn không xảy ra sự cố mà chỉ có đập Thủy lợi Ngọc Linh, được đầu tư với số tiền lên đến 11.692.113.000 đồng lại gặp sự cố? Ở đây có nên đặt ra câu hỏi cần làm rõ là chất lượng công trình, trách nhiệm của đơn vị thi công trước khi tìm nguyên nhân về thời tiết để giải thích hay không?

Được biết, hiện nay, với 39.134.477.466 đồng được đầu tư từ trái phiếu Chính phủ, Công trình Thủy lợi Ngọc Linh sẽ đem lại nước tưới cho 314ha lúa trên địa bàn 2 xã nghèo là Ngọc Linh và Linh Hồ.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì đập Thủy lợi thuộc gói thầu thứ hai đã bị nứt thủng, còn gói thầu thứ nhất với trị giá 21.976.963.016 đồng mới thi công được 15% trị giá gói thầu. Như vậy, cùng với sự cố và chậm chễ này thì hàng ngàn người dân thuộc 2 xã nghèo như Ngọc Linh (tỷ lệ hộ nghèo còn 53%), Linh Hồ (tỷ lệ hộ nghèo còn trên 30%) sẽ mất đi một cơ hội thoát nghèo cho mình.

Cùng với Công trình Thủy lợi Ngọc Linh, đợt quay trở lại này, tìm lên Thượng Sơn, vào với Bó Đướt, nơi có công trình thủy điện được đầu tư theo Chương trình năng lượng nông thôn Việt Nam – Thụy Điển cũng đã được đề cập trong bài viết.

Với số tiền đầu tư lên đến 12,7 tỷ đồng, 4 thôn vùng cao, vùng khó là Bó Đướt, Đán Khao, Cao Bành và Khuổi Luông sẽ được thắp sáng. Tuy nhiên cách đây 3 năm, do sự cố nhỏ của mưa lũ, cũng lại do cái chuyện “sống chết mặc bay” và “bàn giao không trách nhiệm” nên sự cố không được khắc phục nên đã để dân đói điện.

Hy vọng với thông tin báo chí, sự vào cuộc kịp thời của tỉnh, Thủy điện Thượng Sơn sẽ thức và dân sẽ hết cảnh “đói điện”. Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy cũng nhanh chóng biến thành mây khói khi Thủy điện Thượng Sơn vẫn nằm trong cảnh “ngủ vùi” để cỏ dại lấn lướt. Gặp lại ông Lý Xuân Lên, Phó Chủ tịch xã, ông cười buồn và cho biết: Đang chờ chủ trương để xem ai đầu tư và ai phải sửa thì dân mới có điện.

Được biết, trong đợt tiếp xúc cử tri gần đây, 300 hộ dân của 4 thôn trên lại có kiến nghị về Thủy điện Thượng Sơn. Nhưng hình như những kiến nghị của dân và thông tin báo chí vẫn là chuyện “ngoài lề” của những người có trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân lại phải chờ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO