Sáng nay (16/4), tại trạm thu phí Cầu Rác (Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), hàng trăm xe ô tô, xe tải nối đuôi nhau kéo về đây để phản đối việc thu phí BOT tuyến tránh TP Hà Tĩnh khiến giao thông ách tắc nhiều giờ.
Trạm thu phí BOT Cầu Rác bị ách tắc nghiêm trọng.
Tuyến tránh TP Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng đầu năm 2005, do Công ty MTV Hạ tầng Sông Đà (Cty Sông Đà) làm chủ đầu tư. Công trình được đầu tư theo hình thức BOT, có tổng chiều dài hơn 16 km.
Đến tháng 5/2009, công trình hoàn thành, Cty Sông Đà đề xuất được sử dụng trạm Cầu Rác (đặt tại địa phận xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) thu phí để hoàn vốn đầu tư kể từ đó đến nay. Trạm thu phí BOT Cầu Rác nằm cách đường tránh TP Hà Tĩnh tầm 30 km.
Từ 1/1/2016, giá vé qua trạm BOT này được nâng lên cao, cụ thể, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng tăng từ 20 lên 35 nghìn đồng/lượt. Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn tăng từ 30 lên 50 nghìn đồng/lượt…
Người dân và doanh nghiệp tại Hà Tĩnh bức xúc khi không sử dụng đường BOT vẫn bị thu tiền.
Việc Cty Sông Đà sử dụng trạm Cầu Rác nằm trên QL1A để thu phí hoàn vốn cho tuyến BOT nằm cách xa hàng chục km đã khiến người dân và doanh nghiệp tại Hà Tĩnh bức xúc khi không sử dụng vẫn bị thu tiền.
Nhất là kể từ khi tăng giá vé vào đầu năm 2016, nhiều chủ phương tiện, doanh nghiệp đã phản đối việc thu phí vô lý này nhưng đến nay vẫn chưa được đáp lời.
Mới đây (11/4/2017), Bộ GTVT quyết định giảm 100% giá vé qua trạm BOT cầu Bến Thủy (nối liền hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh) cho một số phương tiện không sử dụng đường BOT tuyến tránh thị xã Hồng Lĩnh - Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Cũng chịu cảnh tương tự nhưng cánh lái xe không sử dụng BOT tuyến tránh TP Hà Tĩnh lại không được miễn giảm nên sáng nay (16/4), người dân tiếp tục thực hiện “kịch bản” như đối với trạm Bến Thủy để phản đối tại trạm Cầu Rác.
Một lái xe bức xúc nói: “Tôi đi từ Cẩm Xuyên vào huyện Kỳ Anh đều phải nộp phí khi qua trạm Cầu Rác, cả đi lẫn về là 70 nghìn đồng. Đoạn đường tôi đi chỉ vỏn vẹn 3 km, hoàn toàn nằm trên QL1A, không dính dáng gì đến đoạn đường BOT ngoài TP Hà Tĩnh nhưng vẫn phải đóng phí là quá vô lý. Từ năm 2009 đến nay, những lái xe như chúng tôi chịu sự bất công đến giờ là quá đủ rồi”.
Lực lượng CSGT Hà Tĩnh đã được huy động đến khu vực Cầu Rác để điều chỉnh, phân luồng, tránh tình trạng ách tắc giao thông kéo dài.
Ông Trần Văn Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh cho biết, doanh nghiệp này có tuyến xe buýt từ TP Hà Tĩnh vào huyện Kỳ Anh, hàng ngày không lưu thông trên đường tránh nhưng vẫn phải nộp tiền khi qua trạm phí Cầu Rác.
“Doanh nghiệp có chuyến xe buýt 01 chạy tuyến TP Hà Tĩnh - thị xã Kỳ Anh, toàn bộ đều lưu thông trên QL1A, tính ra mỗi quý tiêu tốn hơn 100 triệu đồng phí qua trạm Cầu Rác”, ông Sỹ nói.
Giữa tháng 3/2017, doanh nghiệp này đã làm văn bản đề nghị xin được giảm phí qua trạm Cầu Rác nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.