Để mưu sinh, giao thương đi lại, hàng trăm hộ dân ở xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) và xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) Hà Tĩnh phải liều mình đi trên những chiếc thuyền, chiếc bè cũ kỹ. Nhiều năm nay họ luôn uớc mong có cây cầu kiên cố để thoát cảnh cô lập mỗi khi mưa, bão về, nhưng…
Những chuyến đò không đảm bảo an toàn, người dân Hương Thủy vẫn phó mặc tính mạng để qua sông.
Xóm nghèo mong một chiếc cầu
Cẩm Lĩnh là xã nghèo ở vùng ven biển huyện Cẩm Xuyên. Hằng năm, mỗi khi bão về, nơi “đầu sóng ngọn gió” này phải hứng chịu các trận cuồng phong mạnh nhất của thiên nhiên.
Bão số 10 vừa qua đã cuốn mất cây cầu “khỉ” bắc qua sông Khe Gin, cắt đôi địa bàn xóm 4, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn.
Gần 3 tháng nay, việc đi lại, giao thương của hàng trăm hộ dân ở thôn 4, xã Cẩm Lĩnh hết sức khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập.
Chiếc cầu tre được người dân lội sông bắc qua đã trôi theo bão nên một số hộ buộc phải làm chiếc bè chuối để đi lại. Nhưng bè chuối dùng được ít ngày cũng hư hỏng nên hiện giờ dân kết chiếc bè nổi nhỏ xíu bằng xốp để di chuyển trên sông.
Chứng kiến cảnh người dân dùng bè xốp để qua sông khiến chúng tôi hết sức lo ngại. Nói là bè nhưng thực ra chỉ là những miếng xốp ghép lại và chỉ có khoảng 1 đến 2 người ngồi lên được.
Mỗi khi lên bè, người dân phải ngồi xổm, men theo chiếc dây thừng rồi ra sức kéo để lên bờ.
Một số người dân cho biết, kể từ khi cầu trôi đến nay đã xảy ra 2 vụ tai nạn nhỏ ở đây, tuy chưa ảnh hưởng đến tính mạng nhưng cũng khiến người dân khiếp đảm.
“Hôm 18/11 tôi sang bên kia sông để đi dự Ngày hội Đại đoàn kết, bữa đó mưa to, trời rét, nước sông dâng cao, chảy xiết nên bè bị lật, may được mọi người cứu kịp thời nếu không giờ tôi chẳng còn được đứng đây nữa”- bà Kiều Thị Tiềm (SN 1944, xóm 4) kể.
Chị Nguyễn Thị Hà (53 tuổi) cũng suýt chết tại khu vực này cho biết: “Chúng tôi sống bên kia sông nhưng hội quán thôn lại ở bên này nên thường xuyên phải sang đi họp, sinh hoạt xóm. Ruộng đồng của xóm cũng phân tán cả hai bên sông nên việc có một cây cầu nối hai bờ sông hết sức bức bách. Nếu đi đường bộ thì phải đi đường vòng, xa hơn 4km. Ở đây dân bắc cầu tạm không biết bao nhiêu lần rồi nhưng chỉ làm được ít tháng là bị nước cuốn trôi. Bí bách quá nên mới phải làm cái bè để đi lại khi cần thiết, nhưng cứ để thế này thì sinh mạng của người dân sẽ mất bất cứ lúc nào”.
Mặc dù xóm 4 được chính quyền xã Cẩm Lĩnh “nhắm” làm nơi xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng vì không có cầu kiên cố nối liền hai bên xóm nên xã đành phải gác lại ý định này.
Theo chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Trần Đình Lam, nếu nói về nhu cầu cấp bách thì có 60 hộ dân xóm 4 với 250 nhân khẩu ở bên kia sông rất tha thiết có cầu để đi lại cho thuận tiện. Nhưng thực tế toàn bộ người dân trong xã đều sử dụng cầu để giao thương.
“Kinh phí của xã có hạn nên không đủ khả năng để đầu tư cầu. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên huyện nhưng đến nay vẫn chưa có chủ trương gì. Đợt vừa rồi Ban A của huyện có về khảo sát nhưng nghe nói kinh phí khắc phục bão số 10 không còn nữa”- ông Lam nói.
Cũng theo chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, chiều dài của cầu được cơ quan chuyên môn khảo sát khoảng 24 m, kinh phí dao động từ 3 – 5 tỷ đồng. Đối với xã chỉ có thể huy động sức dân làm cầu “khỉ”, cầu tạm chứ không thể làm được cầu bê tông.
Tính mạng dựa vào dây thừng
Người dân xóm 7 và 8 xã Hương Thủy cũng chung cảnh ngộ. Đây là xã vùng lũ của huyện Hương Khê, có con sông Ngàn Sâu chạy quanh chia cắt thôn 7 và thôn 8 với gần 1.000 nhân khẩu.
Vào mùa mưa, nước ở sông Ngàn Sâu đục ngầu, cuồn cuộn chảy xiết nhưng người dân hai thôn này vẫn bất chấp nguy hiểm, giao tính mạng cho những con đò không đảm bảo an toàn để sang bên kia bờ giao thương. Đáng ngại nhất là việc đến trường của hàng chục em học sinh gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Hằng ngày, từ sáng sớm, từng tốp học sinh chen chúc nhau trên con đò nhỏ để qua sông cho kịp giờ đến lớp. Khi những chuyến đò chở hết các em học sinh, người dân mới bắt đầu lên thuyền đi chợ, đi làm, sản xuất.
Tất cả đều không có công cụ bảo hộ nhưng họ buộc phải lên thuyền và phó mặc tính mạng cho những người chèo đò.
Theo tìm hiểu của PV, Hương Thủy có 3 bến đò nhưng trận lũ vừa rồi đã phá hỏng bến đò số 2 cùng con đò ở đây.
Còn bến đò số 1 do không có kinh phí cũng không ai tình nguyện lái nên người dân trong xóm thống nhất cử người lớn chia nhau ra làm nhiệm vụ, mỗi người nhận một ngày.
Cứ đến phiên nhà nào thì nhà nấy cử người ra lái đò chở người dân qua sông. Ông Nguyễn Văn Thực, người có thâm niên chèo đò hơn 30 năm cho biết: “Tôi ra đây chèo đò từ năm 1985, thù lao được người dân trả bằng thóc, gạo, dù ít ỏi nhưng vẫn phải bám trụ để giúp dân qua sông. Giờ tuổi đã cao, bệnh tật đầy mình nhưng chưa có ai thay cả nên tôi vẫn phải làm”. Ông Thực cũng là người duy nhất ở vùng này có chứng chỉ lái đò.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thọ- chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho biết: “Xã Hương Thủy có tất cả 9 thôn thì có 2 thôn bị chia cắt bởi sông Ngàn Sâu.
Hầu hết người dân muốn sang bên này đều phải đi qua sông bằng đò ngang hoặc đi vòng khá xa.
Thực tế, những chuyến đò này rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là những em học sinh nhưng việc xây cầu nằm ngoài khả năng của địa phương.
Xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, vừa rồi có đoàn về khảo sát và chọn địa điểm để xây cầu bắc qua sông. Chúng tôi cũng mong dự án sớm được triển khai để người dân đi lại đỡ vất vả và nguy hiểm, nhất là mùa mưa lũ”.