Ngày 1/4 hàng năm, não bộ của không ít người tự động kích hoạt chế độ cảnh giác. Đây là việc đãng lẽ cần triển khai quanh năm thì chúng ta lại dễ dãi tin tưởng vào đám hoạt ngôn lẫn hay post ảnh trên mạng.
Tôi cũng vậy, thậm chí còn đặt alarm ngày 1/4 trong lịch iPhone để tăng cường cảnh giác. Ngày Nói Dối, người đầu tiên tôi nhớ tới là ông kỹ sư Philippe Kahn, người phát minh ra camera trên điện thoại vào năm 1997, người đặt nền móng cơ bản cho những hành vi “lừa đảo mộng mị” bằng hình ảnh trên Facebook sau này. Hàng tỷ đàn ông đã suy sụp, tổn thương tinh thần khi nhìn thấy sự thật.
Tôi rất ghét phép so sánh trong môn toán. Trong cuộc sống, con người luôn nghi ngại sự thiếu công bằng trên mọi phương diện. Đã vô số lần tôi tự ái, dằn vặt nhiều đêm chỉ bởi những lời xăm soi của vài cô gái tôi yêu mến thì thầm với nhau về ai đó. Cũng có thể là tôi vì nghe lỏm luôn bập bõm đầu cuối, nhưng chúng đều đại ý rằng “Thằng ý không đẹp trai bằng anh ABC”.
Nêu ra các quan điểm về khiếm khuyết cơ thể con người hay gu thẩm mỹ là một đòn hạ gục nhanh nhất đối với bất kể ai, phụ nữ lại càng dễ tổn thương về điều đó.
Thi thoảng lúc nhậu đã ngà ngà say và mọi người rôm rả chuyện về tình yêu, bỗng có em gái tuổi đang loay hoay lớn ngồi cùng bàn thẽ thọt khoe khéo anh này anh nọ trên Facebook đang cưa em. Đẹp trai lắm, da trắng lắm, bụng 6 múi nữa ấy… Tôi thường dập tắt câu chuyện không liên quan rất nhanh một cách đố kị:
- Em nghĩ rằng một thằng đàn ông chăm chút tắm trắng, dành ngần ấy thời gian tập bụng 6 múi chỉ để quyến rũ và chung thủy duy nhất với một người phụ nữ?
Cô ta ngồi im ngước nhìn lên bóng đèn bâng khuâng.
Nếu ông Darwin còn sống hẳn sẽ ngạc nhiên lắm bởi đàn ông đương đại đang tiến hóa vượt bậc, nhất là cái miệng lại thêm “công cụ hỗ trợ” là mạng xã hội Facebook. Sự đẹp đẽ, tính khiêm nhường và cả những hiểu biết sâu sắc cứ đều đặn trên mạng mỗi ngày.
Tôi biết vài anh yêu bạo lực, đánh bạn gái rất giỏi. Thi thoảng cãi nhau, 2 mắt cô người yêu đen xì như mắt gấu panda. Ngạc nhiên hơn ở chỗ đám anh giai ấy tham gia viết bài, comment rất mạnh trên Facebook bài trừ hành vi ăn thịt chó hoặc sang trọng hơn lên án bọn mài sừng tê giác.
Thế giới mạng như một hố đen đạo đức, khi bị hút vào trong ấy thì bỗng dưng ai cũng tử tế lạ thường. Chúng ta dối nhau mỗi ngày, bằng nhiều hình thức, ví dụ tôi thích tô son cho ảnh chân dung cũng nên được coi là một hành vi lừa dối.
Về cơ bản có thể nhận thấy mạng xã hội tồn tại hai dạng đàn ông cuốn hút nhiều like là dạng “sáu múi” hoặc tự điểm trang bản thân bằng bi kịch. Đàn ông khoe sự giàu có ngày càng bị lấn lướt bởi đàn ông khoe bi kịch.
Bạn hãy ngừng đọc vài giây, có vẻ như chúng ta dễ thả “like” và để lại một dòng chia sẻ với một anh bạn lạ hoắc nào đó đang “buồn” trên mạng hơn là một chàng trai có quan hệ xã hội gần gũi đang đứng bên chiếc xe hơi đắt tiền.
Có thể kiến thức thế giới mạng của tôi quá hạn hẹp.
Đôi khi tôi cũng đặt địa vị mình vào các bạn gái đang rất cần được yêu thương, cũng thấy hoang mang ra phết. Đến chọn ra thằng bạn được cho là tử tế nhất của mình trên mạng để bằng lòng yêu, cũng không thể, bệ rạc, “văn vở” lắm.
Theo nhiều nghiên cứu vô trách nhiệm, đàn ông tử tế trước hết phải là người hiền lành. Khi đột ngột bất hạnh buồn phiền, rủng rỉnh tiền bạc hay cực thịnh cảm xúc họ không mấy khi online kẻ cả tâm sự rất “uyên bác”. Họ không đi bar, họ không mua đồ hiệu mà thường lặng lẽ cô đơn hàng tối, ở nhà bật Netflix xem “Crash Landing On You” (Hạ cánh nơi anh).
Loại này là cũng có vẻ được nhưng tôi tin đàn bà sẽ chán nhanh lắm. Đàn ông gì mà lạc hậu và đều đặn chính xác như cái đồng hồ.
Nếu có một nhận xét sòng phẳng về đàn ông Facebook, tôi thích một câu nhặt được đâu đó: “Đàn ông trên mạng chính chuyên trên tường và lăng loàn inbox”.
Đám này cần cảnh giác 400/365 ngày, đừng có riêng 1/4.