Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở đóng mới, sửa chữa, cải hoán tàu, thuyền nghề cá (gọi tắt là DA) của Cty Hợp Thanh được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận địa điểm tại phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (giáp ranh với xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn) bất ngờ vấp phải sự phản đối quyết liệt của ngư dân thôn Tiến Lợi, xã Quảng Cư. Lý do vì DA, có nguy cơ “xóa sổ” bến đậu tàu, thuyền của hàng trăm ngư dân, tồn tại từ hàng trăm năm nay...
Bến thuyền thôn Tiến Lợi.
DA trên được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương địa điểm tại văn bản số 11593/UBND-THKH với diện tích khoảng 4000m2. Phạm vi từ cơ sở đóng tàu hiện tại của Cty Hợp Thanh mở rộng về phía đông, là khu đất bãi bồi ven sông Mã, thuộc phường Quảng Tiến, giáp ranh với xã Quảng Cư.
Đây là dự án phát triển kinh tế nên việc giải phóng mặt bằng (GPMB) phải trên cơ sở thỏa thuận. Công văn chấp thuận địa điểm của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 27/11/2014, với sự tham gia của nhiều phòng, ban của UBND thị xã Sầm Sơn và nhiều sở, ngành của cấp tỉnh. Nhưng khi ra thực địa, xác định phạm vi GPMB mới phát sinh những tình tiết “dở khóc, dở cười”... ?
Trước hết, diện tích DA, theo văn bản chấp thuận địa điểm của tỉnh là hoàn toàn thuộc phường Quảng Tiến, nhưng khi ra thực địa thì mới biết diện tích này đã được UBND xã Quảng Cư ký 2 hợp đồng (HĐ) cho một cá nhân thầu làm cơ sở hậu cần phục vụ nghề cá: HĐ thứ nhất ký năm 2000 (đã thanh lý), lần thứ 2 ký năm 2012 (đang trong thời hạn HĐ) vì cho rằng khu đất bãi bồi này thuộc quyền quản lý của xã Quảng Cư.
Về phía phường Quảng Tiến, ít nhất trong 15 năm qua đã không có phản ứng gì trước việc địa phương bạn ký 2 HĐ “lộn chỗ” nói trên; đồng nghĩa với việc phường Quảng Tiến không thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai trên khu đất này?
Suốt 15 năm qua, cũng chưa thấy một cấp, ngành, cơ quan nào “phát hiện, sửa sai” giúp cho 2 xã, phường? Dù 2 HĐ của xã Quảng Cư ký với cá nhân là trái thẩm quyền; tập thể UBND xã Quảng Cư, các cá nhân, và lãnh đạo xã có liên quan đã phải nhận kỷ luật, kiểm điểm, phê bình, nhưng riêng HĐ ký năm 2012 đang còn thời hạn nên Cty Hợp Thanh phải thỏa thuận hỗ trợ, đền bù cho cá nhân đã nhận thầu. Sau nhiều cuộc thương thảo “gai góc”, đến cuối tháng 7/2015, việc thỏa thuận này mới hoàn thành.
Khảo sát tại bến tàu thôn Tiến Lợi - xưa nay vẫn quen gọi là bến Triều Dương hoặc bến Làng Triều, chúng tôi quan sát có hơn 20 chiếc tàu (không kể những tàu đang khai thác trên biển), hầu hết là tàu nhỏ từ 70CV trở xuống. Tại đây, nhiều ngư dân đã phản ảnh với chúng tôi những bức xúc của họ.
Đại diện cho tiếng nói chung, ông Lê Doãn Luyện, thôn Tiến Lợi bày tỏ: Bến thuyền neo đậu của chúng tôi bao nhiêu năm nay, đùng một cái chính quyền thông báo có dự án thu hồi khiến chúng tôi rất bức xúc. Tôi làm nghề đánh bắt hải sản, đến nay được 25 năm cả gia đình tôi 7 khẩu chỉ trông chờ vào con thuyền 18CV này để có thu nhập, sống qua ngày. Nếu thu hồi bến này thì chúng tôi phải chuyển phương tiện đi nơi khác để neo đậu, quá trình vận chuyển dầu, đá, ngư cụ... sẽ rất khó khăn.
Bà Lê Thị Sáu, chủ tàu TH90236, 140CV chia sẻ: “Hàng trăm năm nay từ đời này qua đời khác chúng tôi đậu ở đây sau mỗi lần đánh bắt cá ngoài khơi xa để tiện cho việc trông coi, bảo quản, vận chuyển nhu yếu phẩm lên tàu. Nếu dự án của nhà nước vì lợi ích công cộng, an ninh-quốc phòng thì không nói làm gì, đây lại là việc mở rộng xưởng đóng tàu của tư nhân mà dân không hề được biết. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh xuống kiểm tra thực tế, giữ lại bến neo đậu tàu, thuyền đảm bảo quyền lợi của người dân”.
Ông Phạm Văn Thừa, Trưởng thôn Tiến Lợi cho biết: “Ngày 2/7/2015, lãnh đạo một số phòng chức năng của thị xã Sầm Sơn cùng UBND xã đã tổ chức đối thoại với đại diện các hộ dân, trong đó ghi nhận nguyện vọng và kiến nghị của người dân muốn giữ lại bến thuyền truyền thống, nhưng đến nay chưa có kết luận giải quyết”.