Một thống kê mới đây cho biết tỉ lệ sinh đẻ tại Đức đã tăng trở lại sau 33 năm giảm liên tục. Đức hiện đang là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, thấp hơn cả Nhật Bản.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân làm tăng tỉ lệ sinh đẻ tại Đức lại là từ các gia đình người nước ngoài di cư tới nước này trong những năm gần đây.
Hiện dân số nước Đức gần 84 triệu người (tính đến ngày 24/11/2021). Cũng cần lưu ý, Đức là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới với tỷ lệ tử vong cao hơn so với tỷ lệ sinh ra kể từ năm 1972.
Châu Âu đối diện với khủng hoảng nhân khẩu học
Có thể nói Đức là quốc gia “cá biệt” trong khi hầu hết các nước châu Âu dân số đang giảm, hoặc là tăng rất chậm. Dân số được “bù đắp” một phần quan trọng đến từ những người nhập cư tăng mạnh. Tỉ lệ sinh ngày càng thấp của người gốc Âu trong hàng chục năm qua đang làm thay đổi sâu rộng cơ cấu dân số, trong khi tỉ lệ trẻ em em gốc nhập cư ngày càng cao. Đây là hiện trạng và hệ quả của việc người châu Âu không muốn sinh con trong hơn 40 năm qua.
Trong lúc người gốc Âu không muốn sinh con, người nước ngoài nhập cư vào châu Âu lại sinh đẻ nhiều. Tờ Causeur (Pháp) dẫn con số thống kê nhân khẩu do Chính phủ thực hiện cho thấy: Tại vùng Paris, 37,4% trẻ em dưới 18 tuổi là của các gia đình nhập cư có nguồn gốc không phải châu Âu. Theo đó, cứ 3 trẻ ở vùng thủ đô Paris thì một có bố mẹ là người nhập cư.
Tại quận La Courneuve (ngoại ô Paris), có tới 75% trẻ em có cha mẹ là người nhập cư, đa số là người châu Phi, người Arab, người Hồi giáo, chỉ có chưa tới 1/4 trẻ em quận này là con của các gia đình có bố mẹ là người Pháp hoặc gốc Âu.
Tờ Lidové noviny (Cộng hòa Czech) lên tiếng cảnh báo: “Châu Âu đang bị lụi tàn bởi tỉ lệ sinh quá thấp và tình trạng không muốn sinh con. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì đến năm 2070 sẽ chỉ còn chưa tới 4% dân số thế giới là người Âu”.
Để khắc phục, hầu hết các quốc gia châu Âu đã đưa ra những chính sách khuyến khích sinh đẻ. Tờ Aftenposten của Na Uy lấy ví dụ, phụ nữ Hungaria dưới 40 tuổi kết hôn lần đầu sẽ được Nhà nước cho vay 10 triệu Forint (khoảng 730 triệu đồng tiền Việt Nam).
Nếu sinh một con, họ được hoãn trả nợ, nếu sinh 2 con chỉ cần hoàn lại 1/3 khoản vay, sinh 3 con sẽ được xóa nợ, còn sinh 4 con thì không những được xóa nợ mà còn được miễn mọi khoản thuế. Trong khi đó, Chính phủ Italy tuyên bố cấp đất làm nhà cho tất cả các gia đình sinh con thứ ba.
Thay đổi cơ cấu dân số theo cách này đang dẫn đến biến chuyển sâu rộng, dần lấn át bản sắc văn hóa, tính cách duy lý, thói quen ẩm thực, truyền thống ngàn năm của người dân châu Âu.
Nhiều nhà nhân chủng học đã lên tiếng, các nước châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, và đáng tiếc là cuộc khủng hoảng đó sẽ còn kéo dài.
Theo Tạp chí Times, xu hướng già hóa nói chung và suy giảm dân số nói riêng sẽ sớm đưa châu Âu đến một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, trong đó Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối mặt với hậu quả rõ ràng nhất. Mặc dù châu Âu tiếp nhận ngày càng nhiều người nhập cư, song Liên hợp quốc dự đoán đến năm 2050, tổng số dân châu Âu sẽ giảm 5%.
Hơn nữa, nếu vào năm 1950, số người từ 65 tuổi trở lên chỉ chiếm 7,6% dân số châu Âu, thì đến năm 2050, ở Đức, dự đoán số người ở độ tuổi này sẽ chiếm tới 30,7%. Theo sau Đức sẽ là Pháp với 26,6% và Vương quốc Anh là 24,9%.
Phân tích và dự đoán xu hướng phát triển dân số thế giới, tờ Les Echos cho rằng, trong 20 năm nữa, dân số thế giới sẽ tăng thêm 1,3 tỷ người, tương đương với dân số lục địa châu Phi hiện nay. Ngoài việc gia tăng về số lượng, các vấn đề về chất lượng cuộc sống và sự già hóa nói chung ở tất cả các quốc gia trên hành tinh cũng là những thách thức quan trọng đối với nền kinh tế thế giới.
Dân số và chất lượng cuộc sống
Tuy nhiên, nếu như châu Âu đang “run rẩy” vì dân số tăng thấp và già hóa, thì tỉ lệ gia tăng dân số toàn cầu vẫn là vấn đề. Các số liệu cho thấy, chỉ trong chưa đầy 40 năm (từ 1960 đến 2000), dân số thế giới đã tăng gấp đôi, từ 3 tỷ lên 6 tỷ người. Theo dự báo, con số này sẽ tăng từ 7,8 tỷ người năm 2021 lên 9,2 tỷ người năm 2041 và gần 10 tỷ người vào năm 2050.
Đặc biệt, dự báo châu Phi cận Sahara sẽ có dân số tăng gấp đôi vào năm 2050. Đến năm 2050, Nigeria cũng sẽ có thêm 195 triệu dân, và dân số thủ đô Lagos sẽ tăng lên đến 50 triệu người, gấp 2,5 so với hiện nay, và gấp 5 lần dân số của một quốc gia như Hy Lạp. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ là quốc gia có tăng trưởng dân số mạnh nhất vào năm 2050, với mức tăng thêm 259 triệu dân, dẫn đầu về tăng trưởng dân số, và nước này dự báo sẽ vượt qua Trung Quốc từ đầu những năm 2030.
Vậy, đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng thế nào đến tăng dân số thế giới?
Gần 2 năm đại dịch Covid-19 càn quét, tới nay người ta cũng chỉ có thể thống kê được số người tử vong do Covid-19 là hơn 5,2 triệu người (tính đến ngày 24/11/2021). Con số này đã là ghê gớm nhưng còn đáng lo ngại hơn là tình hình “hoãn” sinh đẻ tại nhiều quốc gia do sợ dịch, kể cả việc con số các cặp đôi kết hôn đã giảm sút mạnh.
Các nhà nghiên cứu nhân khẩu học cho rằng, Covid-19 không những gây ra thảm họa y tế mà còn tác động sâu sắc đến tâm lý của con người, trong đó có việc nhiều cặp vợ chồng không dám sinh con. Tâm lý ấy rất có thể còn kéo dài, kể cả khi dịch đã chấm dứt.
Tuy nhiên, việc đó cũng chỉ dừng lại ở một số quốc gia, nhất là khu vực Âu - Mỹ, còn tại những khu vực khác tình hình cũng khác hơn. Theo Gilles Pison - Giáo sư tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quốc gia Pháp, đồng thời là chuyên viên Viện Nghiên cứu nhân khẩu học quốc gia (INED), thì vấn đề sống khỏe không phụ thuộc ở số lượng đông mà do hành vi và cách sống của con người quyết định.
Ông Gilles Pison cho rằng, dịch Covid-19 đương nhiên ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý con người, nhưng quan trọng hơn vẫn là thái độ sống chúng với nó, và làm sao bảo đảm tốt nhất chất lượng cuộc sống, trong đó có “cam kết” bền vững với thế hệ sau.
Tại châu Á, Hàn Quốc là quốc gia có tỉ lệ tăng dân rất thấp. Theo hãng tin Bloomberg, quốc gia này khó để đảo ngược xu hướng tỉ lệ sinh thấp trong tương lai gần. Do vậy, Seoul sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận “hai chiều” vừa khuyến khích sinh đẻ, vừa tìm cách điều chỉnh nền kinh tế phù hợp với tình trạng dân số giảm và già hóa. Tỉ lệ sinh đẻ 0,92 của Hàn Quốc là mức thấp nhất thế giới năm 2019. Tình trạng này nhiều khả năng còn giảm sâu hơn khi sự bất ổn của đại dịch Covid-19 khiến người trẻ ngại kết hôn và sinh con. Năm 2020, lần đầu tiên Hàn Quốc bị giảm dân số, trong khi ngày càng nhiều người chọn cách sống độc thân. “Số người trong nhóm khoảng 30 tuổi đã giảm 5,6% so với năm trước. Tình trạng thất nghiệp và giá thuê nhà tăng là các nguyên nhân khiến con số kết hôn giảm”, theo bà Lee Ji-yeon (Cục Thống kê). Số người kết hôn giảm khiến tỷ lệ sinh tại quốc gia này cũng giảm xuống dưới mức 1,05 con/phụ nữ. Một thống kê cho thấy, tuổi kết hôn bình quân của nam giới Hàn Quốc là 32,9 và nữ giới là 30,2.