Phải mất hàng nghìn năm dân số thế giới mới đạt mốc 5 tỷ người, và điều đó xảy ra vào năm 1987. Nhưng chỉ 32 năm sau, con số này đã gần đạt mốc 8 tỷ người.
Dân số thế giới ngày càng tăng nhanh (Nguồn: Getty).
Mức tăng trưởng dân số bùng nổ này không khỏi khiến các nhà lãnh đạo ở LHQ bàng hoàng. Họ từng đề ra Ngày Dân số thế giới vào năm 1989 nhằm tăng cường nhận thức về các vấn đề do tăng dân số quá nhanh gây ra, và ngày gần đây nhất là ngày 11/7 vừa qua, đánh dấu dân số toàn cầu gần cán mốc 8 tỷ người.
Dân số thế giới ở thời điểm hiện tại là 7,7 tỷ người. Con số này lớn đến thế nào? Cứ thử ngồi xuống và đếm 7,7 tỷ giây, và phải đến năm 2263 một người mới có thể đếm xong. Và vào năm 2050, dân số thể giới được dự đoán sẽ tăng thêm 2 tỷ người. Ảnh hưởng của tình trạng tăng dân số quá nhanh đối với tương lai của hành tinh là rất lớn.
Nhiều nơi dân số giảm
Theo báo cáo của LHQ, có 27 quốc gia hoặc khu vực có dân số giảm từ 1% trở lên kể từ năm 2010. Mức giảm này chủ yếu là do tỷ lệ sinh đẻ giảm, đáng chú ý nhất là ở các nước như Trung Quốc và Nhật Bản. Trên thực tế, tỷ lệ sinh đẻ trên toàn cầu đã giảm từ 3,2 ca sinh/phụ nữ trong năm 1990 xuống còn 2,5 trong năm 2019 và dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm.
Nhưng mức giảm này vẫn quá nhỏ bé nếu như so sánh về sự bùng nổ dân số ở nhiều khu vực khác. Dân số của vùng cận-Sahara ở châu Phi là một ví dụ, khi dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. 9 quốc gia - Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ - sẽ đóng góp tới hơn một nửa đà tăng trưởng dân số toàn cầu trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2050 - theo một bản nghiên cứu công bố năm 2018.
Tuổi thọ trung bình thấp ở nước nghèo
Trong khi đó, tuổi thọ trung bình trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 72,6 lên 77,1 vào năm 2050. Ở các nước kém phát triển nhất, tuổi thọ trung bình thấp hơn mức trung bình của thế giới 7,4 năm. LHq cho hay, khoảng cách này là do tỷ lệ trẻ em tử vong ở nước này vẫn duy trì ở mức cao - do tỷ lệ chết lúc sinh cao cùng ảnh hưởng từ dịch bệnh HIV, tình trạng bạo lực...
Quá tải dân số có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội và môi trường trong bối cảnh tình trạng nóng lên toàn cầu, các nguồn tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm, suy dinh dưỡng, bất bình đẳng giới cùng các loại bệnh dịch chết người đang gia tăng.
Vấn đề già hóa dân số
Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra một vấn đề đáng báo động khác: Chúng ta đang già đi.
Năm 2018, thế giới đã bước qua một cột mốc mới - lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, số lượng người trên 65 tuổi đã nhiều hơn số lượng trẻ em dưới 5 tuổi. Điều này là do tuổi thọ con người tăng cao trong khi tỷ lệ sinh đẻ giảm, nói đơn giản là người ta sinh con ít hơn và sống lâu hơn.
Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng nhất là ở Hàn Quốc. Tốc độ già hóa dân số ở Hàn Quốc đang ở mức cao nhất thế giới. Tính tới năm 2017, dân số trên 65 tuổi của Hàn Quốc chiếm 13,8% tổng dân số, vẫn thuộc giai đoạn mới bước vào xã hội già hóa. Nhưng từ năm 2018, con số này vượt ngưỡng 14%, và Hàn Quốc chính thức bước vào xã hội già; tới năm 2026 sẽ đạt trên 20% - giai đoạn xã hội “siêu già”.
Dự kiến tới năm 2050, độ tuổi bình quân của người Hàn Quốc sẽ là 53 tuổi, đưa nước này trở thành quốc gia có dân số già nhất thế giới.
Thoạt nghe thì có vẻ tốt, nhưng tình trạng trên thực sự tồi tệ đối với nền kinh tế toàn cầu, bởi sẽ có ít hơn những người trong độ tuổi làm việc và nhiều người hưu trí hơn. Theo dự báo, tính đến năm 2050, cứ 4 người sống ở châu Âu và Bắc Phi thì có 1 người trên 65 tuổi.