Năm 2021, Chi hội Nhà báo Báo Đại Đoàn Kết đã tham gia và đoạt nhiều giải thưởng báo chí như Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV; Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3, năm 2020-2021; Giải báo chí toàn quốc Báo chí với công tác giáo dục. Giải báo chí ở lĩnh vực nào cũng đều được xem là một phần thưởng, nguồn cổ vũ lớn lao đối với những người làm báo trong nỗ lực dấn thân để lan toả những điều tốt đẹp, tấn công trực diện vào cái xấu và đi tới cùng sự thật.
Bản lĩnh người Mặt trận
“Người Mặt trận trên mặt trận chống Covid” là loạt 4 bài đăng trên Báo Đại Đoàn Kết đã đoạt giải C, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV. Nhưng có lẽ, vượt lên trên giải thưởng là một câu chuyện ý nghĩa về sứ mệnh của người Mặt trận trong “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19.
Còn nhớ, đó là vào thời điểm giữa năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Khó khăn lớn hơn gấp bội khi mầm bệnh âm thầm lây lan trong cộng đồng nhiều ngày. Đặc biệt, virus SARS-CoV-2 tấn công vào các bệnh viện lớn, tăng nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Cùng với nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền và cán bộ, nhân viên ngành y, chính trong lúc này, người Mặt trận lại tiếp tục thể hiện bản lĩnh xung kích, đoàn kết lòng người cùng vững tâm vượt khó trên mặt trận chống Covid.
Để khắc hoạ được chân dung người cán bộ Mặt trận trên mặt trận chống Covid, Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết đã chỉ đạo nhóm phóng viên thực hiện loạt bài gồm các nhà báo: Bùi Hoàng Yến, Lai Vũ Mạnh, Nguyễn Phượng, Phạm Quang Vinh và cộng tác viên Nguyễn Quốc. Báo Đại Đoàn Kết là cơ quan ngôn luận của MTTQ Việt Nam nên khi nhóm triển khai đề tài đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Mặt trận các địa phương.
Chúng tôi đã tìm đến các địa phương từ Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Trị… để có thể phản ánh một cách chân thực nhất hoạt động của hệ thống Mặt trận các cấp tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nếu như những ngày đầu, Mặt trận và các tổ chức thành viên tập trung làm công tác tuyên truyền vận động ủng hộ thì những ngày tiếp theo bắt đầu thực hiện các giải pháp vừa là tuyên truyền nhưng cũng vừa là người thực hiện và trực tiếp tham gia vào “cuộc chiến” với Covid-19 thông qua các Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng. Hoạt động của các Tổ giám sát thể hiện sự sáng tạo của cấp uỷ, chính quyền và Mặt trận trong tạo những “lá chắn” giúp dân chống dịch. Cán bộ Mặt trận không chỉ là những người đi vận động chung, mà trở thành những người trực tiếp xông pha ở tuyến đầu.
Trong hành trình đó, điều làm chúng tôi cảm động hơn cả là niềm tin của người dân dành cho Mặt trận. Khi chúng tôi đến Lào Cai, với đặc thù là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mặc dù cán bộ Mặt trận địa phương không có chủ trương kêu gọi, vận động các hộ nghèo, hộ cận nghèo ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch nhưng đã có gần 5.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn tự nguyện tham gia ủng hộ thông qua hệ thống Mặt trận các cấp.
Hỏi những người nghèo lý do nào để họ đem những số tiền quý giá của mình để ủng hộ thì chúng tôi đều nhận được câu trả lời: “tin vào Mặt trận”.
Niềm tin giống như một món quà. Điều này khiến chúng tôi nhớ tới cuộc hạnh ngộ ấm áp với cụ bà nông dân Triệu Thị Hải, ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Cụ Hải hiện đã hơn 90 tuổi, có mấy triệu đồng dành dụm từ tiền nhận Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba tính đem ra Mặt trận ủng hộ nhưng cụ lại mang hai kỷ vật quý giá nhất của mình là đôi khuyên tai bằng vàng và 1 đồng bạc hoa xoè là của hồi môn của cha mẹ cho từ năm 1953 khi bà đi lấy chồng. “Vì đất nước, tôi chả tiếc điều gì”, cụ Hải hồn hậu nói.
Đâu đó ngoài kia, vẫn không thiếu những câu chuyện làm ta bận lòng. Vì cuộc đời này vẫn còn nhiều ưu tư lắm.Nhưng đâu là điểm chung giữa những người như cụ Hải? Đó chính là sợi dây đoàn kết, tinh thần cố kết cộng đồng được kêu gọi từ tinh thần của Mặt trận.
Trong cuộc chiến với Covid-19, người Mặt trận cùng lúc đóng nhiều vai, từ vận động nhân dân ủng hộ công tác phòng chống dịch, tuyên truyền nhân dân bình tĩnh, không hoang mang, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đến tham gia truy vết, tham gia chốt kiểm dịch. Ở vào giai đoạn thiết lập trạng thái bình thường mới, cả nước vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế, người Mặt trận lại tiếp tục hành trình của mình, tìm đến người nghèo, người yếu thế trong xã hội để chia sẻ khó khăn.
Đó là khi chúng tôi dừng chân trước hai ngôi nhà được gắn biển tên Nhà Đại đoàn kết ở sau cùng một cánh cổng tại thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi nhà Đại đoàn kết thứ nhất được xây từ năm 2004 là tài sản của gia đình bà Đinh Thị Tráng - một hộ nghèo nhất xã. Bà Tráng là mẹ của anh Nguyễn Văn Thanh. Và ngôi nhà Đại đoàn kết thứ hai sát bên cạnh được xây từ năm 2017, là của gia đình anh Thanh, cũng là hộ nghèo nhất xã.
Hai ngôi nhà Đại đoàn kết từ đời bố cho đến đời con được xây cất trên cùng một mảnh đất. Bố anh Thanh - một người tật nguyền đã qua đời, đẻ ra hai đứa con, cũng mắc bệnh teo cơ, liệt nửa người như ông. Đây là một đại gia đình nghèo “di truyền” và bệnh liệt cũng di truyền. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, thời điểm của gia đình anh Thanh luôn có bóng dáng đồng hành, san sẻ của người Mặt trận. Không chỉ là hai ngôi nhà Đại đoàn kết được Mặt trận kêu gọi, xây dựng mà còn là những sinh kế được Mặt trận và các tổ chức thành viên luôn quan tâm, hỗ trợ để gia đình anh vượt lên số phận và thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Câu chuyện được chúng tôi kể trong loạt bài chỉ là một ví dụ điển hình cho tinh thần Mặt trận trong những thời điểm khó khăn của đất nước, nhất là trong “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19. Trước đó, Loạt bài đoạt Giải Báo chí Quốc gia cũng đoạt Giải B, Giải Báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XIV. Tất cả đều là phần thưởng lớn với người cầm bút. Nhưng điều mà chúng tôi học hỏi được nhiều hơn sau quá trình tìm kiếm nhân vật, về với cơ sở, chính là bản lĩnh của người Mặt trận.
Phần thưởng và bài học lớn với người làm báo
Loạt bài “Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc "ma mị" giữa Thủ đô” của nhóm tác giả: Văn Thanh, Hoàng Chiến, Công Khanh, Lan Anh, Thanh Bình, Xuân Ngọc, Văn Thọ đoạt giải B Giải Báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3. Phần thưởng này là nguồn cổ vũ lớn lao đối với những người làm Báo Đại Đoàn Kết trong nỗ lực tấn công trực diện vào cái xấu, cái độc, tệ nạn và tiêu cực trong xã hội.
Xuất phát từ phản ánh của những nạn nhân của Câu lạc bộ (CLB) Tình Người, phóng viên tiếp cận được những nạn nhân của CLB này. Khi bị trục lợi cả về danh tính, uy tín, cả về vật chất, lẫn công sức lao động, những nạn nhân này nhận ra sai lầm, tham gia CLB một cách tự nhiên nhưng cuối cùng bị lợi dụng. Họ cảm thấy không thể chấp nhận được. Họ muốn bóc trần những sai trái, để không ai bị lôi kéo thêm, đồng thời thức tỉnh những thành viên khác. Họ sẵn sàng đối đầu với những thành viên chủ chốt câu lạc bộ mà họ đã tham gia.
Sau khi nhận thấy đây là một vấn đề lớn, nhưng cũng vấn đề khó, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt đã quyết định thực hiện tuyến bài điều tra, để phóng viên thâm nhập tìm hiểu thực tế CLB, xác minh lại thông tin, đây chính là điểm mấu chốt để ra đời tuyến bài.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, trực tiếp là Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt, đầu năm 2021, nhóm phóng viên đã bắt đầu quá trình điều tra những góc khuất của CLB Tình Người (thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng có địa chỉ tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội). Sau nhiều ngày thâm nhập, điều tra, thu thập tư liệu, tham vấn ý kiến của các chuyên gia luật pháp, nhóm phóng viên đã thu thập được nguồn tư liệu khổng lồ để vẽ lên những hoạt động khoác áo từ thiện của CLB Tình Người.
Kể từ ngày 26/3/2021, Báo Đại Đoàn Kết đăng loạt bài có tên gọi "Vén bức màn bí ẩn CLB Tình Người" trên cả ấn phẩm điện tử và báo giấy, Báo đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc trong cả nước hoan nghênh, ủng hộ và bày tỏ bức xúc trước những hoạt động của CLB này. Các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương, đại biểu Quốc hội, chuyên gia, luật sư và nhiều cơ quan truyền thông cũng đã vào cuộc.
Xác định đây là đề tài khó bởi CLB Tình Người được tổ chức chặt chẽ và có nhiều hoạt động tinh vi nhằm che mắt thành viên và dư luận, cơ quan chức năng nên nhóm phóng viên đã có quá trình thâm nhập và thu thập tư liệu công phu, kín kẽ. Với tình yêu nghề, sự đam mê, quyết tâm đi tới cùng sự thật, nhóm phóng viên đã vượt qua nhiều áp lực để có những tác phẩm báo chí công phá vào “thành trì CLB Tình Người” - nơi vốn đã từng bị báo chí phản ánh về những sai phạm có màu sắc mê tín dị đoan từ các năm trước, nhưng không hiểu sao lại rơi vào im lặng.
Nhóm tác giả rất xúc động khi biết rất nhiều người từng là nạn nhân của CLB Tình Người cho biết, việc tham gia vào CLB Tình Người là một biến cố lớn, một quyết định sai lầm nhất trong cuộc đời họ. Vì vậy nhiều người đã và đang tham gia tổ chức đã quyết định bước qua nỗi sợ hãi mà CLB này gieo rắc như “vong theo”, “nghiệp quật” để rời bỏ CLB và sẵn sàng đứng ra làm chứng, cung cấp thông tin cho Báo Đại Đoàn Kết để cùng nhau tiếp tục hành trình đi tới tận cùng sự việc.
Sau loạt bài vạch trần bộ mặt ma mị của CLB Tình người, tháng 4/2021, CLB Tình Người ra thông báo ngưng hoạt động, rời trụ sở chính và đóng hotline. Tháng 7/2021, CLB Tình Người chính thức giải tán.
Tiên phong tấn công vào CLB Tình Người, Báo Đại Đoàn Kết đã dẫn dắt luồng thông tin chính thống tấn công trực diện vào cái xấu, cái độc, tệ nạn và tiêu cực và tạo nên hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Loạt bài điều tra “Hoạt động "ma mị" của CLB Tình Người ngay giữa Thủ đô” do Báo Đại Đoàn Kết thực hiện đã thu hút hàng vạn độc giả cả qua kênh nhật Báo Đại Đoàn Kết, Đại Đoàn Kết điện tử, fanpage của báo và tạo nên một làn sóng mạnh mẽ làm rõ các góc khuất của CLB Tình Người. Luồng thông tin “phò chính diệt tà” do Báo Đại Đoàn Kết dẫn dắt đã cuốn hút các cơ quan thông tấn báo chí lớn vào cuộc như VTV1, VOV1, Vietnamplus (TTXVN), VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam)…
Việc tác phẩm 5 kỳ “Vén bức màn bí ẩn của Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc “ma mị” giữa Thủ đô” đạt giải B, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức là vinh dự lớn lao với nhóm tác giả.
Phần thưởng này là nguồn cổ vũ lớn lao đối với những người làm Báo Đại Đoàn Kết trong nỗ lực tấn công trực diện vào cái xấu, cái độc, tệ nạn và tiêu cực trong xã hội. Và kết quả này cũng là bài học cho những người làm báo chân chính phải luôn dũng cảm dám đối diện với cái sai, những góc khuất trong xã hội và đi tới cùng sự thật.
Niềm vui của người cầm bút
Ngày 13/11/2021 nhóm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã vình dự được trao giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” với loạt bài “Thêm hai ngoại ngữ trong nhà trường: có cần thiết?”.
Trước đó, trong tháng 3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định 712/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Cụ thể, môn Tiếng Đức và tiếng Hàn sẽ là Ngoại ngữ 1 được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12.
Thông tin về việc tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ trở thành môn ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT đã thu hút sự quan tâm của người học và dư luận. Trước thực trạng dạy và học ngoại ngữ lâu nay, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Căn cứ nào để Bộ GDĐT đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào giảng dạy trong nhà trường; tại sao lại là tiếng Hàn, tiếng Đức mà không phải thứ ngôn ngữ nào khác; chúng ta kỳ vọng gì ở việc có thêm 2 ngoại ngữ nói trên dạy thí điểm trong chương trình GDPT?
Góp phần giải quyết những băn khoăn từ dư luận, Ban Biên tập Báo Đại Đoàn kết đã giao Ban Khoa giáo tổ chức thực hiện loạt 5 bài “Thêm hai ngoại ngữ trong nhà trường: có cần thiết?” để tham vấn, phản biện cho những chính sách mới về giáo dục.
Theo yêu cầu từ Ban Biên tập, loạt bài phải nêu rõ được thực trạng về việc dạy - học môn ngoại ngữ hiện nay trong các trường phổ thông; làm rõ cơ sở để đưa thêm hai môn ngoại ngữ nói trên vào giảng dạy trong các nhà trường; để triển khai dạy hai thứ tiếng nói trên, công tác chuẩn bị giáo viên/cơ sở vật chất sắp tới ra sao?
Đồng thời với đó yêu cầu đặt ra là phải làm rõ nội dung: Có hay không việc xâm lấn văn hóa từ trào lưu “Hàn Quốc hóa” trong giới trẻ hiện nay? Vậy việc dạy tiếng Hàn trong nhà trường phổ thông nên đặt ra như thế nào cho hợp lý để định hướng cho người học, cho giới trẻ? Cần trao đổi với các chuyên gia văn hóa, giáo dục, Đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề, có vội vã quá không, khi chúng ta đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào giảng dạy trong nhà trường? Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả dạy - học ngoại ngữ hiện nay? Làm thế nào để dạy và học ngoại ngữ đi vào thực chất chứ không phải là phong trào, lợi ích nhóm?
Khi thực hiện loạt bài này, ngoài định hướng cụ thể từ Ban Biên tập, Ban Khoa giáo đã nhận được sự hợp tác nhiệt tình từ các nhà trường, từ các chuyên gia giáo dục - văn hóa, các Đại biểu quốc hội. Đặc biệt là độ “đều tay” trong tác nghiệp của nhóm phóng viên tham gia.
Sau khi loạt bài đăng trên Báo Đại Đoàn Kết (từ 15-19/3/2021), chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực từ bạn đọc, các giáo viên và phụ huynh học sinh. Tới tháng 11/2021 khi nghe Ban Tổ chức thông báo loạt bài đã được chính thức chọn trao giải Ba - Giải thưởng Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam 2021, nhóm phóng viên chúng tôi (bao gồm 4 nhà báo: Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Thu Hương, Trịnh Thị Tú Uyên, Lê Anh Đức) thật sự vui mừng vì tâm huyết và công sức của mình đã được ghi nhận.
Với những người cầm bút, không có gì vui hơn là những bài viết góp phần tham vấn, phản biện cho những chủ trương chính sách mới đã được lưu tâm. Tại Lễ trao Giải Báo chí quốc gia Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam 2021, lãnh đạo Bộ GDĐT cũng đã khẳng định, giải thưởng đã ghi nhận và vinh danh xứng đáng sự nỗ lực tìm tòi, công sức, cống hiến của mỗi người làm báo với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà.
Đây vừa là niềm vui, cũng là động lực để phóng viên Báo Đại Đoàn Kết thêm yêu nghề và tiếp tục cống hiến.
Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:
1/Tập Đoàn Novaland
2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam
4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt
5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank
6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank
7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV
8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam
9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.
10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi