Báo Cứu Quốc (tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết), ra đời và hoạt động trong lúc cao trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ nhằm mục tiêu đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập cho dân tộc với khẩu hiệu: Dân tộc trên hết! Tổ quốc trên hết! Vì thế, các bài viết trên báo trong giai đoạn này đều nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, thương nòi, thúc giục mọi người hành động, sẵn sàng hy sinh tài sản, tính mệnh để chiến đấu cho độc lập, tự do.
Cách đây 80 năm, ngày 10/5/1941, tại rừng Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, đã diễn ra một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với vận mệnh dân tộc ta. Ðó là Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Ðảng ta do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì, quyết định sự chuyển hướng chiến lược của cách mạng nước ta.
Hội nghị nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, động viên khối đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, chính kiến, tích cực tham gia phong trào cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Hội nghị Trung ương 8 đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Ðảng chính thức và bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Ðảng. Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương 8 quyết định đổi tên “Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Ðông Dương” thành “Mặt trận Việt Nam Ðộc lập Ðồng Minh”, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh; các đoàn thể nhân dân yêu nước trong Mặt trận Việt Minh đều lấy tên là Hội Cứu quốc.
Ngày 25/1/1942, Báo Cứu Quốc - Cơ quan cổ động của Việt Minh ra đời, do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan thì không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn là cứu quốc. Tên tờ báo đã nói lên mục đích, ý nghĩa và nhiệm vụ của báo Mặt trận Việt Minh.
Báo Cứu Quốc ra đời và hoạt động trong lúc cao trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ nhằm mục tiêu đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập cho dân tộc với khẩu hiệu: Dân tộc trên hết! Tổ quốc trên hết!
Các bài viết trên báo trong giai đoạn này đều nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, thương nòi. Từ yêu nước, thương nòi mà thúc giục mọi người hành động, sẵn sàng góp công, góp của thậm chí không quản khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh tài sản, tính mệnh chiến đấu cho độc lập, tự do.
Là tờ báo của Mặt trận, Cứu Quốc cổ động cho khối đại đoàn kết dân tộc “sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng” đồng chí, đồng lòng vì đất nước, vì dân tộc.
Bạn đọc mà Báo Cứu Quốc hướng tới ở giai đoạn này là đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên của Mặt trận Việt Minh.
Bằng ngôn ngữ báo chí với văn phong, truyền cảm, Báo Cứu Quốc không chỉ tuyên truyền đường lối chính trị, quân sự của Đảng và Mặt trận Việt Minh mà còn hướng vào mặt trận văn hóa với tính chất “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” nhằm khơi dậy tình yêu Tổ quốc của mọi con dân đất Việt, đặc biệt từ khi “Đề cương văn hóa Việt Nam” ra đời, thúc giục mọi người vùng lên đấu tranh dưới lá cờ đỏ sao vàng của Mặt trận Việt Minh, để Cách mạng Tháng Tám thành công.
Tính đến Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Báo Cứu Quốc đã phát hành được 30 số. Trong điều kiện hoạt động bí mật cực kỳ khó khăn, thường xuyên bị kẻ địch truy lùng, đó là một cố gắng vô cùng lớn. Những số báo trả bằng sinh mạng của người cầm bút đã lay động lòng người, thức tỉnh tinh thần yêu nước của toàn dân, thúc giục mọi con dân nước Việt vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Báo Cứu Quốc chuyển sang một thời kỳ tuyên truyền mới - thời kỳ xây dựng chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).
Có thể nói hầu hết những bài viết quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về chỉ đạo chiến lược cách mạng, về chính sách đối nội, đối ngoại đều được Báo Cứu Quốc đăng đầy đủ. Điều đó nói lên vị trí, vai trò và uy tín của tờ báo đối với sự nghiệp cách mạng…
Cùng với những bài về xây dựng chính quyền, báo đăng đầy đủ những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi miền Nam nhằm động viên đồng bào cả nước hướng về miền Nam ruột thịt với quyết tâm “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Phong trào chống “giặc đói”, “giặc dốt” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Báo Cứu Quốc đã đăng Lời kêu gọi “Sẻ cơm nhường áo” “Thư gửi các học sinh”, “Chống nạn thất học”, “Thư gửi các giới công thương Việt Nam” đưa vốn ra làm những việc ích nước, lợi nhà, “Thư gửi điền chủ và nông gia Việt Nam” của Người nhằm huy động toàn dân hăng hái tham gia vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo đời sống nhân dân.
Trong điều kiện đặc biệt, để tránh mũi nhọn tiến công của kẻ thù, ngày 11/11/1945 Đảng Cộng sản cầm quyền phải rút vào hoạt động bí mật, khi ấy Báo Cứu Quốc giữ vai trò nổi bật trong việc giới thiệu, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Tháng 3/1951, sau khi thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, Báo Cứu Quốc trở thành cơ quan Trung ương của Mặt trận Liên Việt.
Báo Cứu Quốc đã phối hợp chặt chẽ với Báo Quân đội Nhân Dân (1950) và Báo Nhân Dân (3/1951) tuyên truyền đường lối kháng chiến, đặc biệt là những quan điểm nêu trong Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam được thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ II và những chính sách của Chính phủ “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam và Đông Dương được ký kết. Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Trong đoàn quân tiến về Hà Nội có các phóng viên Báo Cứu Quốc và tờ báo bắt đầu xuất bản hàng tuần. Ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc họp tại Thủ đô Hà Nội nhận định: Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Bước sang giai đoạn mới, Đại hội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Báo Cứu Quốc trở thành Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ đây, báo có nhiều bài cổ vũ gương người tốt, việc tốt, cổ vũ các phong trào thi đua như: “Gió đại phong” trong nông nghiệp, “Sóng Duyên hải” trong công nghiệp, cờ “Ba Nhất” trong quân đội, “Tiếng trống Bắc Lý” trong giáo dục.
Báo Cứu Quốc có những bài tổng kết, rút kinh nghiệm được Đảng, Nhà nước đánh giá cao trong công tác cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, trong cuộc vận động “Ba xây, ba chống” trong công nghiệp và trong cuộc vận động xây dựng kinh tế miền núi.
Đến giai đoạn chống Mỹ cứu nước, trước yêu cầu xây dựng một tờ báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đầu năm 1964, Báo Cứu Quốc cử Tổng Biên tập Trần Phong (tức Kỳ Phương) cùng các đồng chí Tống Đức Thắng, Thái Duy (Trần Đình Vân) vào miền Nam để xây dựng Báo Giải Phóng. Ở miền Bắc, đồng chí Nguyễn Tiêu thay đồng chí Trần Phong phụ trách Báo Cứu Quốc. Tháng 9/1964, tên Báo Giải Phóng được xác định và xuất bản số báo đầu tiên vào ngày 20/12/1964.
Trong giai đoạn này, Báo Cứu Quốc tiếp tục tập trung đưa tin và viết bài về nhân dân miền Bắc dồn sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam qua các cuộc vận động “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” và phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Đặc biệt, Báo Cứu Quốc dành rất nhiều số, đăng rất nhiều bài về nội dung Di chúc của Hồ Chủ tịch, trong đó Người khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhất định thắng lợi hoàn toàn, đó là điều chắc chắn”.
Những bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận và của những người đứng đầu các tổ chức thành viên của Mặt trận, cũng như của các nhân sĩ trí thức, các tôn giáo trên Báo Cứu Quốc đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên trì đẩy mạnh các cuộc kháng chiến, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh, đưa sự nghiệp cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.