Đàn voọc trên núi Chứa Chan

Ngọc Mai 14/08/2017 09:05

Thông tin đàn voọc chà vá chân đen trên núi Chứa Chan (thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) được các cơ quan hữu quan tỉnh này lên kế hoạch bảo tồn đã nhận được ủng hộ rộng rãi.

Mục tiêu của Đề án là bảo vệ sự toàn vẹn của voọc chà vá, tạo môi trường thuận lợi cho voọc cư trú, kiếm ăn. Từ đó, phát triển đàn voọc cả về số lượng và chất lượng. Đáng chú ý, trong đề xuất của cơ quan hữu quan có một điểm quan trọng là “hạn chế sự hiện diện của con người trong vùng voọc thường xuyên sinh sống, di chuyển”. Điều đó cho thấy một thực tế con người đã tác động xấu tới thiên nhiên, không chỉ với riêng đàn voọc.

Trong quá trình phát triển, việc con người “tranh đất” của động vật hoang dã diễn ra ngày một phức tạp. Nhiều cánh rừng ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên... đã bị đốn hạ. Động vật hoang dã thiếu đất sống, cạn kiệt nguồn thức ăn, đã thế lại bị sắn bắt một cách dữ dội nên cứ vơi hụt dần.

Và rồi, chúng trở nên hung dữ, chống lại con người. Đó là câu chuyện những đàn voi “mò” về phá rẫy, vào tận bản làng ở khu vực miền núi Nam Trung Bộ. Đây là chỉ dấu rất xấu cho thấy con người đã đánh thức bản năng dữ tợn của động vật hoang dã. Nếu không dừng lại diễn biến sẽ còn xấu hơn rất nhiều.

Với đàn voọc trên núi Chứa Chan, từ nguồn tin của người dân, tháng 6/2017, Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh (Đồng Nai) đã tiến hành khảo sát. Người ta ghi nhận trên độ cao 300m và 600m có những đàn voọc chà vá chân đen sinh sống. Đây là loài linh trưởng rất quý hiếm. Đặc biệt hơn, trong các đàn voọc này có những con cái đang mang thai và có những con non cho thấy đàn voọc đang phát triển- đó là vấn đề rất quan trọng.

Núi Chứa Chan có độ cao gần 840m so với mực nước biển, là ngọn núi cao thứ hai ở Nam Bộ (sau núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh). Đây là “ngôi nhà” của nhiều động vật hoang dã, trong đó có voọc chà vá chân đen.

Còn tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), câu chuyện cứu đàn voọc chà vá chân nâu tại đây cũng đã tốn rất nhiều giấy mực. Một công bố được đưa ra tại hội thảo do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm GreenViet tổ chức được tổ chức ngày 22/5 cho thấy một điều đáng ngạc nhiên là tại đây có khoảng 1.335 con với 237 đàn voọc chà vá chân nâu đang sinh sống. Tuy rằng con số ấy còn bàn cãi, nhưng ai cũng phải thừa nhận bán đảo này là nơi có những đàn voọc đông đúc và cần phải bảo vệ. Cho dù nhu cầu xây dựng, kinh doanh, làm kinh tế để thu lợi là cần thiết, nhưng phải chăng vì thế mà “chiếm đất” của đàn voọc?

Cũng cần nhắc lại, voọc chà vá chân nâu là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương. Theo phân hạng của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), chúng là loài đứng thứ 4/7 trong thang Danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Vì thế, câu chuyện “giải cứu” đàn voọc trên núi Chứa Chan cần được xem là một tín hiệu lành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đàn voọc trên núi Chứa Chan