Đăng ký hiến tạng ở người trẻ: Niềm hy vọng cho những cuộc đời mới

Thuận Nguyễn, Thu Quỳnh, Thu Thảo 17/05/2023 07:54

Những năm gần đây, hành động hiến tạng cứu người đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng người trẻ.

Xã hội hiện đại đem đến những lối tư duy và nhận thức phát triển. Ở người trẻ ngày nay, những suy nghĩ về hành động hiến tạng tự nguyện không còn là điều gì quá mới, quá xa lạ khi được nhắc đến. Khi được hỏi về nội dung này, nhiều bạn trẻ không ngần ngại trả lời và chia sẻ những quan điểm của bản thân về hiến tạng tự nguyện.

Anh Bùi Viết Giang, chiến sĩ công an thuộc Phòng Cảnh sát bảo vệ quận Hà Đông đã chia sẻ với chúng tôi câu chuyện đăng ký hiến tạng của mình. Là một chàng trai trẻ, bước sang tuổi 24 vào năm nay, anh Giang tâm sự đã biết đến và thực hiện hành động nhân đạo này từ năm 2 đại học, khoảng 4 năm trước đó.

“Mình đã đăng ký hiến tạng từ năm thứ 2 đại học, vào khoảng 2017 - 2018. Thực ra đây không hẳn là suy nghĩ tự xuất phát từ bản thân, mà do bố đã hỏi mình rằng có muốn đăng ký hiến tạng cùng bố không. Bố mình nói muốn sau khi mất đi, thì những bộ phận cơ thể cũng có thể giúp được cho những người cần sự sống khác. Mình nghĩ đối với người trẻ, nếu có sợ, thì chỉ sợ gia đình không cho phép, không đồng ý; còn bản thân mình được bố và gia đình ủng hộ, hướng cho mình về những việc nhân đạo như thế này, mình đã gật đầu ngay, không suy nghĩ thêm nữa”.

Nói thêm về xã hội hiện đại ngày nay, anh Giang bày tỏ suy nghĩ về quan điểm của bản thân về hành động hiến tạng.

“Về lợi ích của việc hiến tạng sang khi mất, thứ nhất là đỡ mất diện tích chôn cất, công việc mai táng sẽ gọn, tiện hơn. Cái thứ 2 là Việt Nam đang thiếu nguồn tạng tương đối nhiều: tim, thận, mắt,... và nhiều phần nội tạng khác, phần dự trữ cũng thiếu trong khi nhiều người cần. Khi mình mất đi, những bộ phận đó cũng trở nên dư thừa, trong khi với người sống thì nó vô cùng quan trọng. Đối với xã hội thì cũng còn tuỳ người ta đánh giá nữa, ai mà hiểu thì sẽ thấy bình thường, đó là việc làm tốt, còn những gia đình có quan niệm cổ hủ thì họ đánh giá đây là một việc không hay”.

Bạn trẻ thứ 2 đồng ý phỏng vấn với Báo Đại Đoàn Kết chúng tôi về đề tài hiến tạng tự nguyện là một cô gái trẻ 23 tuổi, cựu sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Huyền Trang thừa nhận trước đây những suy nghĩ về việc đăng ký hiến tạng chỉ là một sự thoáng qua, cô biết được qua bộ phim Hospital Playlist - bộ phim kể về cuộc sống của những người bác sĩ, trong đó có truyền tải thông điệp về ý nghĩa và tầm quan trọng của hiến tạng. Trang tâm sự, thời điểm biết đến hành động nhân đạo này, cô chỉ đơn giản là biết, hoàn toàn chưa có động lực cụ thể nào để tiến hành đăng ký. Sau này, một vài chuyện cá nhân xảy ra đã khiến cô bạn có động lực quyết định đăng ký hiến tạng, Huyền Trang tâm sự:

“Hồi đấy có một vài câu chuyện không vui xảy ra với mình, mình chỉ ở nhà và cố gắng tự chữa lành bản thân. Cùng thời điểm đó, thì Vân - một người em của mình cũng có ý định hiến tạng. Ngày hôm ấy, chúng mình đang đi ăn cùng nhau thì con bé có nhắc đến việc hiến tạng, và rủ mình đi. Đối với mình thì, đã hẹn nhau làm điều gì đó mà còn phân vân thì nên đi làm luôn. Động lực của mình là chữa lành bản thân, làm một việc gì đó ý nghĩa đối với chính mình. Thực ra khi chọn việc đăng ký hiến tạng, mình cảm nhận được giá trị của bản thân, cảm thấy vui vì không chỉ làm được một điều gì đó cho mình mà còn giúp được người khác”.

Một câu nói có ảnh hưởng đến Trang, thúc đẩy cô bạn đăng ký hiến tạng, có đại ý rằng: nếu mình đã làm được một việc tốt như vậy mà không sang được thế giới bên kia, thì chứng tỏ thế giới bên kia cũng không xứng đáng, cũng không tốt đẹp gì để mình cần phải đến. Những dòng chữ truyền cảm hứng đến người trẻ, giúp không chỉ Huyền Trang mà còn nhiều bạn trẻ hơn nữa sống có trách nhiệm hơn với bản thân, để sau này những mô, tạng đó có thể giúp được người cần một cách tốt nhất. Xã hội có thêm một người trẻ biết nghĩ cho cộng đồng, cho người khác và nhận thức được chính giá trị của bản thân là một xã hội hoàn toàn phát triển, hiện đại và nhân ái.

Đối với Thảo Vân, sinh viên năm cuối khoa Quan hệ Quốc tế tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, động lực và quyết định đăng ký hiến tạng đa phần đến từ bản thân:

“Nhìn chung các quyết định của mình thường không dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, nếu có rào cản thì phần đa là đến từ chính mình. Trước đây mình là người không healthy cho lắm nhưng kể từ lúc cầm trên tay tấm thẻ chứng nhận, mình cảm thấy có trách nhiệm hơn với bản thân và sức khỏe hiện tại”.

Cô bạn sinh năm 2001, cũng chính là người em xuất hiện trong câu chuyện của Huyền Trang, không ngần ngại chia sẻ về ý nghĩa của hành động hiến tạng tự nguyện theo quan điểm của bản thân:

“Hiệu ứng cánh bướm” mà Thảo Vân nhắc đến đã thực sự xảy ra, khi có thêm một bạn trẻ như Huyền Trang tham gia đăng kí hiến tạng. Một hành động nhỏ có thể dẫn tới hành động lớn sau đó, thậm chí là thay đổi cả một cuộc đời của một con người. Hành trình lan tỏa của những việc làm nhân đạo như quyết định hiến tặng mô, tạng khi qua đời của thế hệ trẻ vẫn sẽ còn có nhiều khó khăn, ngoài những yếu tố mang tính chủ quan, thì còn những nhân tố khách quan, khiến cho việc đăng kí hiến tạng tự nguyện chưa thực sự trở thành một hành động phổ biến, tích cực trong xã hội. Tuy nhiên nó đã xảy ra và nhận được sự ủng hộ cũng như hình thành được những nhận thức đúng đắn về việc làm thiện nguyện này. Trong xã hội hiện đại, chắc chắn việc làm “cho đi là còn mãi” sẽ ngày càng được hưởng ứng rộng rãi trong người trẻ trong tương lai. Những mẩu chuyện ngắn được chia sẻ trên, chính là sự hy vọng cho nhiều mảnh đời thiếu may mắn khác trong cuộc sống, trong xã hội.

Câu chuyện bé Hải An 7 tuổi trước khi qua đời vì bệnh ung thư đã hiến giác mạc, tặng lại ánh sáng cho người khác đầu năm 2008 đã làm lay động bao trái tim. Nhiều người đã không cầm nổi nước mắt khi nghe câu chuyện về tấm lòng nhân hậu ấy. Hai người khiếm thị đã được nhận giác mạc của bé sau ca ghép tại Bệnh viện Mắt Trung ương đều đã nhìn thấy ánh sáng trở lại. Điều đó đã để lại thông điệp vô giá về tình yêu thương cho những người ở lại.

Bé Hải An và mẹ (Sưu tầm).

Vào năm 2019, cả xã hội lại xúc động trước câu chuyện Thiếu tá Lê Hải Ninh cứu sống sáu người một cách kỳ diệu. Từ đó, rất nhiều người đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tạng. Số lượng cuộc gọi tới Đường dây nóng và thư gửi tới email của Trung tâm để xin tư vấn về thủ tục đăng ký hiến tạng cũng tăng gấp nhiều lần bình thường. Theo một cuộc khảo sát trên cộng đồng trẻ cho thấy tỉ lệ bạn trẻ đồng ý hiến tạng lên đến 67-70%, đây là một con số khả quan. Dù mới chỉ là khảo sát, trên thực tế chưa thống kê được cụ thể nhưng những con số đó đã cho thấy rằng giới trẻ hiện nay rất cởi mở về vấn đề này.

Tôn vinh Thiếu tá Lê Hải Ninh cùng gia đình vì nghĩa cử cao đẹp (Sưu tầm).

Hiện nay, việc hiến tặng tạng vẫn được lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng của nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Nếu như nhiều năm trước chuyện hiến xác cho nghiên cứu khoa học, cho y học hay đồng ý hiến mô tạng là chuyện còn khá xa lạ và hoàn toàn chưa phổ biến trong đời sống xã hội thì ngày nay khi xã hội càng hiện đại và tiến bộ, suy nghĩ, quan điểm của các bạn trẻ về sự sống và cái chết, về việc hiến tạng đã trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều so với thế hệ trước.

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam hiện có khoảng 10.000 người suy gan, thận cần ghép tạng thay thế, khoảng 300.000 người mắc bệnh lý giác mạc và hàng ngàn người mắc bệnh suy tim. Dù những năm gần đây, Việt Nam liên tục ghi các dấu ấn mới vào bản đồ ghép bộ phận cơ thể người của thế giới như ghép tim, phổi, chi thể… Đây là những kỹ thuật khó mà không phải quốc gia nào cũng đạt được.

Các bác sĩ đang thực hiện ca ghép tạng (Sưu tầm).

Tính đến ngày 28/03/2023, trên cả nước hiện có 70.122 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não. Trong đó tập trung đăng ký chủ yếu tại hai đơn vị là Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc Gia 32.851 trường hợp và Bệnh viện Chợ Rẫy 36.641 trường hợp, số còn lại được đăng ký qua các hình thức khác.

Nguồn: Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại lễ Kỷ niệm 30 năm ghép thận và hội thảo khoa học Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP HCM vào sáng 16/3/2023: “Trên thế giới mỗi năm có khoảng 40.000 ca cấy ghép các bộ phận cơ thể người được thực hiện, khoảng 460.000 người đang sống nhờ mô hoặc bộ phận của người khác”.

Tại Việt Nam, ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại BV Quân y 103 ngày 4/6/1992 dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Tại BV Chợ Rẫy, ngày 28/12/1992 thực hiện ca ghép thận đầu tiên với sự hỗ trợ của các giáo sư đầu ngành. Đến nay, sau 30 năm, 1.126 ca ghép thận được thực hiện, trong đó 70 ca ghép từ trường hợp người hiến chết não, tim ngừng đập.

Buổi họp chuẩn bị cho ca ghép thận đầu tiên tại Học viện Quân y vào năm 1992.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho rằng ghép thận được đánh giá là một trong mười thành tựu vĩ đại của nhân loại ở thế kỷ XX. Về mặt kỹ thuật, để nâng cao chất lượng điều trị, BV đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới như phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot trong lấy thận, ghép thận đón đầu, đồng thời xây dựng các quy trình trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân sau ghép.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy.

Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá. Bởi đây không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng với cuộc đời. Với tinh thần nhân ái, sẻ chia, nhiều người đã quyết định hiến tạng để góp phần thay đổi cuộc sống của những người bệnh kém may mắn đang chờ đợi nguồn tạng hiến.

(*) Quy định của pháp luật về hiến tạng

- Điều kiện được hiến tạng

Trên cơ sở quy định tại Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006, những người có đủ các điều kiện sau được hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác:

+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên;

+ Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

- Quyền lợi đối với người hiến tạng

Theo Điều 17 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006

+ Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;

+ Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế;

+ Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo Điều 2 Thông tư 104/2017/TT-BTC, chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác cụ thể như sau:

+ Được hưởng chế độ khám sức khỏe định kỳ miễn phí khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn về chuyên môn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định theo giá dịch vụ khám sức khỏe cho người đã hiến bộ phận cơ thể do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

+ Được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp ở xa cơ sở khám chữa bệnh không thể đi về trong ngày (không bao gồm trường hợp thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế): 450.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 02 ngày.

+ Được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày thực tế đi khám sức khỏe định kỳ, tối đa không quá 03 ngày/lần khám định kỳ: 200.000 đồng/ngày và chi phí đi lại từ nhà đến cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ và ngược lại.

Lưu ý: Người đã hiến bộ phận cơ thể khi đi khám sức khỏe định kỳ phải xuất trình giấy ra viện (trong đó ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể”) hoặc một loại giấy tờ chứng minh về việc đã hiến bộ phận cơ thể và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân.

Trái tim, quả thận, lá phổi… là món quà vô giá của những người hiến tạng không chỉ cứu sống những cuộc đời tưởng chừng như hết hy vọng mà còn gieo niềm tin vào cuộc sống cho con người, đặc biệt là những người mắc bệnh hiểm nghèo. Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp đó sẽ giúp thêm nhiều trái tim ấm áp vẫn tiếp tục đập những nhịp yêu thương…, để sự sống được tái sinh từ cái chết.

Tác giả: Thuận Nguyễn - Thu Quỳnh - Thu Thảo

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đăng ký hiến tạng ở người trẻ: Niềm hy vọng cho những cuộc đời mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO