Giáo dục

Đăng ký kinh doanh dạy thêm tăng sau Thông tư 29: Làm sao quản lý hiệu quả?

Thu Hương 09/04/2025 12:00

Từ khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, số trung tâm có chức năng dạy thêm tăng rất nhiều. Băn khoăn đặt ra là công tác thẩm tra về điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy… sẽ được triển khai ra sao trước và sau khi cấp phép để đảm bảo yêu cầu theo quy định.

Giải quyết bất cập nảy sinh

Thông tin tại hội nghị trực tuyến về tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp THPT 2025 do Bộ GDĐT tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, tại Hà Nội ước tính có khoảng 15.000 trung tâm và hộ kinh doanh có liên quan đến dạy thêm được thành lập. Tại TPHCM, số lượng đơn vị dạy thêm, học thêm ở hộ kinh doanh cá thể hiện là hơn 10.000. Tại Nghệ An, cũng ghi nhận trên 2.000 hồ sơ trong tuần đầu Thông tư 29 chính thức có hiệu lực.

Anh duoi
Một tiết học tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Với số lượng hồ sơ đăng ký tăng gấp 2, 3 lần so với bình thường, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc cấp phép hoạt động sẽ ra sao? Ông Đinh Nho Tài - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch TP Vinh (tỉnh Nghệ An) cho biết, đăng ký kinh doanh chỉ là một trong những điều kiện cần chứ chưa đủ của việc dạy thêm theo Thông tư 29 của Bộ GDĐT. Việc cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là làm theo quy định, khi công dân đủ điều kiện và có nhu cầu thì phải tiếp nhận, song không có nghĩa là giáo viên được cấp chứng nhận là có thể dạy học. Sau khi đăng ký kinh doanh, ngành giáo dục sẽ tiến hành thẩm tra về điều kiện cơ sở vật chất, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường... trước khi quyết định có cấp phép cơ sở có đủ điều kiện để hoạt động hay không.

Thực tế, nhiều chuyên gia lo ngại nếu việc đăng ký cấp giấy chứng nhận hộ kinh doanh nếu quá dễ dàng sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ về phòng chống cháy nổ, cơ sở vật chất, diện tích phòng học, nội dung kế hoạch giảng dạy, bàn ghế ngồi… đặc biệt ở những lớp dạy thêm hộ gia đình. Vì vậy, cần giải pháp kiểm tra, kiểm soát chặt hơn.

Trước tình trạng các trung tâm có chức năng dạy thêm, học thêm ở Hà Nội, các hộ đăng ký kinh doanh tăng nhiều trong thời gian qua, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết qua khảo sát và kiểm tra ở cấp xã, phường, điều khó khăn hiện nay là chưa có chế tài xử lý vi phạm liên quan dạy thêm, học thêm, áp lực thời gian và nguồn lực kiểm tra ở cấp xã rất khó khăn, số lượng người thực thi nhiệm vụ rất ít.

Để tránh biến tướng dạy thêm

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, vấn đề đặt ra là hiện vẫn chưa có các văn bản cụ thể với các tiêu chí để kiểm tra việc dạy thêm, học thêm. Cụ thể, một số câu lạc bộ kỹ năng sống, giáo dục STEM khó có thể xác định được là có phải dạy thêm, học thêm hay không, dẫn đến việc khó khăn cho nhà trường khi tổ chức.

Đơn cử, với môn Tiếng Anh, hiện đang có nhiều lúng túng trong việc quản lý. Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT TPHCM từng chia sẻ việc dạy tiếng Anh tại các trung tâm chú trọng luyện nói, nghe, đọc, ôn thi các chứng chỉ như Starters, Movers… không phải dạy kiến thức trên lớp, học tiếng Anh ở đây để phát triển năng lực. Nên dạy tiếng Anh ở trung tâm (kể cả với học sinh tiểu học) không được xếp là dạy thêm, như vậy là không vi phạm quy định của Thông tư 29.

Trong khi đó, hồi đầu tháng 3/2025, đoàn kiểm tra của UBND phường Trung Đô (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đã kiểm tra một lớp dạy thêm tiếng Anh cho học sinh tiểu học của một cô giáo mở trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, trung tâm này đã có giấy phép đăng ký kinh doanh với nội dung “Dạy tiếng Anh và một số kỹ năng khác” nhưng chưa hoàn thành các quy định về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, cơ sở vật chất. Sau đó, đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở phải hoàn thành các thủ tục; đồng thời, cấm tổ chức dạy thêm với bậc tiểu học vì Tiếng Anh cũng là môn học chính khóa ở nhà trường.

Như vậy, đang có những cách hiểu và triển khai Thông tư 29 khác nhau ở các địa phương. Nhiều giáo viên dạy Tiếng Anh tiểu học, thậm chí các trung tâm ngoại ngữ cũng đang tạm hoãn các lớp dạy thêm chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ GDĐT.

TS Đỗ Viết Tuân (Học viện Quản lý giáo dục) nhìn nhận, nếu nhu cầu xã hội lớn, nhưng quy định không phù hợp thì các đơn vị sẽ có xu hướng tìm cách “lách luật”, họ hoàn toàn có thể công khai 1 chương trình dạy ngoại ngữ khác, trong khi đó nội dung giảng dạy vẫn có thể điều chỉnh. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các cơ quan quản lý, khi đó giám sát thế nào? Vì vậy, ông Tuân ủng hộ cần có cơ chế rõ ràng để các đơn vị được hoạt động đàng hoàng, tránh những hình thức biến tướng khó kiểm soát.

Theo TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GDĐT), tính đến cuối tháng 3, cả nước đã có 4 tỉnh ra quy định về dạy thêm, học thêm gồm: Long An, Cà Mau, Hải Dương, Bình Dương. Bộ GDĐT đánh giá còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên là những người trong cuộc chưa hiểu hết quy định, tinh thần của Thông tư số 29 nên khi tuyên truyền còn chưa mạch lạc, rõ ràng những nội dung trong thông tư. Việc địa phương chậm ban hành văn bản hướng dẫn khiến lúng túng trong triển khai các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường nên một số giáo viên có nhu cầu dạy thêm hoang mang, lo lắng.

Thời gian tới, Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT lập kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm nhằm phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh về dạy thêm, học thêm.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: “Lần này, ngành sẽ quyết tâm, đồng lòng, không “đánh trống bỏ dùi”. Dạy thêm, học thêm sẽ là chủ đề xuyên suốt trong quá trình thanh kiểm tra ở cả những năm học sau, chứ không chỉ có năm học này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đăng ký kinh doanh dạy thêm tăng sau Thông tư 29: Làm sao quản lý hiệu quả?