Ngày 27/1, trao đổi với báo chí bên lề Đại hội XIII, ông Trần Quốc Cường, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng, phải bồi dưỡng ngay từ trên ghế nhà trường để người ta không có lòng tham.
PV: Đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề được nhân dân kỳ vọng rất lớn. Đây cũng là vấn đề được văn kiện nhấn mạnh. Vậy chúng ta có giải pháp gì mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong nhiệm kỳ mới, thưa ông?
Ông Trần Quốc Cường: Các giải pháp phòng chống tham nhũng đã được Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo. Trong đó, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực đã phối hợp với các ngành, trong đó có các cơ quan chống tham nhũng như: Bộ Công an, Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ cùng nhau nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế.
Thứ nhất là phải xây dựng cơ chế; thứ hai phải có được đội ngũ cán bộ liêm chính để phụng sự cho công tác; thứ ba phải lan toả tuyên truyền rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân. Chúng ta và nhiều nước cũng thế, cần bồi dưỡng cho người ta ngay từ tuổi thơ để các cháu không có lòng tham. Cho nên ta phải bồi dưỡng ngay từ nhà trường.
Như giai đoạn vừa qua, có thể nói Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là một trong những biểu tượng, tấm gương sáng ngời lãnh đạo trong công tác phòng chống tham nhũng. Cuối cùng là phải được sự đồng lòng của toàn dân, và cả hệ thống.
Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là việc hết sức khó khăn dù năm vừa qua đã có kết quả tích cực. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có đề xuất xây dựng Luật Đăng ký tài sản cá nhân, ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?
- Trong báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày, phát biểu trong buổi tổng kết về công tác phòng chống tham nhũng thì năm 2020 khởi sắc nhất chính là thu hồi tài sản. Trong thời kỳ vừa qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã được các cơ quan tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra tổ chức ngay trong quá trình tố tụng, quá trình điều tra đã ngăn chặn và đã nghĩ đến việc thu hồi. Luật Phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản là những luật hết sức quan trọng, bao giờ cũng có được sự ưu tiên thực hiện. Đặc biệt kê khai tài sản là vấn đề rất được quan tâm.
Trong công tác phòng chống tham nhũng thì có một bộ phận cán bộ e ngại phòng chống tham nhũng nên không dám làm việc. Vậy Trung ương quán triệt như thế nào để tình trạng đó không xuất hiện, thưa ông?
- Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ra hẳn một nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để bảo vệ những người tố cáo, nhằm phát hiện ra tham nhũng. Chỉ thị đó đã được các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan phòng chống tham nhũng nghiên cứu, triển khai để vận dụng trong các cơ quan của mình. Đó chính là về mặt cơ chế, luật pháp, quy định để bảo vệ người đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Vậy ông có thể cho biết cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm đã được nghiên cứu như thế nào?
- Quy định về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm đã được Ban Nội chính Trung ương lấy ý kiến rất rộng, rất nhiều lần các ngành, các ban. Tôi cho rằng trong Đại hội này sẽ có nhiều đại biểu đặt vấn đề để cố gắng sớm đưa ra những cơ chế đó.
Trân trọng cảm ơn ông!