Một tín hiệu vui cho mỹ thuật Việt Nam khi mới đây hàng loạt các tác phẩm tranh Việt đã tạo nên những kỷ lục trên các sàn đấu giá quốc tế. Tuy nhiên, đằng sau nhưng niềm vui đó là những nỗi buồn của mỹ thuật Việt Nam ngay chính trên sân nhà.
Bức tranh “Làng quê Bắc Bộ” của họa sĩ Lương Xuân Nhị.
Những bức tranh bạc tỷ
Kỷ lục đầu tiên phải kể đến bức “Nude” (Khỏa thân, sơn dầu, 90,5 x 180,5 cm) của cố họa sĩ Lê Phổ được bán với giá gần 10,925 triệu HKD (gần 1,4 triệu USD hoặc hơn 32,3 tỷ đồng), tăng 2,5 lần so với giá khởi điểm tại phiên đấu giá Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại tại Christie’s Hong Kong vừa diễn ra vào cuối tháng 5/2019. Cũng tại phiên đấu giá này bức “Le Bain de Mer” (Tắm biển) cũng của họa sĩ Lê Phổ cũng đã được bán giá 3,96 triệu HKD (hơn 500.000 USD).
Ngoài ra, trong sự kiện đấu giá này, bức “Les Désabusées” (Vỡ mộng, lụa, 92,5 cm x 57 cm, 1932) của họa sĩ Tô Ngọc Vân được bán hơn 9,1 triệu HKD (hơn 1,1 triệu USD hoặc gần 26 tỷ đồng), tăng gần 4 lần so với giá khởi điểm. Chưa dừng lại ở đó, mới đây tại nhà đấu giá nghệ thuật Aguttes (Paris, Pháp) bức “Village du Haut Tonkin” (Làng quê Bắc Bộ, sáng tác năm 1939) - bức tranh sơn dầu lớn nhất của họa sỹ Lương Xuân Nhị đã được gõ búa với giá 215 nghìn USD. Sau khi cộng thêm các chi phí khác, tổng giá trị bức tranh hơn 280.000USD, tương đương 6,6 tỷ đồng. Cũng tại phiên đấu giá này tác phẩm lụa “Auprès du grand – père” (90,5 x 63,5cm, sáng tác năm 1974) của họa sĩ Mai Trung Thứ đã được bán thành công với giá 182 nghìn Euro…
Có thể thấy, chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt các tác phẩm mỹ thuật Việt đã liên tiếp cán mốc ngoạn mục trên sàn đấu giá quốc tế. Thậm chí ngày càng có nhiều các tác phẩm hội họa Việt Nam được giao dịch trên các sàn đấu giá công khai quốc tế với mức giá lên tới con số… 1 triệu USD. Đây là những cột mốc về giá trị tác phẩm liên tiếp bị phá vỡ trong vài năm trở lại đây. Ở đó, cho thấy sức hút lớn lao của các bức tranh Việt thời kỳ “mỹ thuật Đông Dương”.
Nhìn nhận về vấn đề này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn- Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Việc đấu giá các tác phẩm của các hoạ sĩ Đông Dương đã dần dần khẳng định những đóng góp và cống hiến của họ đối với nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Trước đây, hình tượng thiếu nữ áo dài gắn bó với mỹ thuật Đông Dương nhưng qua những tác phẩm đấu giá “bạc tỷ” chúng ta lại phải thay đổi cách nhìn”. Ở đó, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng chắc chắn sẽ có những bí ẩn khác trong thế giới sáng tạo mỹ thuật của các họa sĩ Đông Dương, nhất là mảng tranh khoả thân. Và thông qua những bức tranh trước đây chưa hề được xuất hiện nhiều, người ta có thể hình dung rõ hơn về chặng đường hoạt động mỹ thuật của các nghệ sĩ.
Việc đưa các tác phẩm chưa từng được công bố của các hoạ sĩ Đông Dương là một khám phá mới về các tác giả cũ. “Tôi cho đây là tín hiệu vui vì nếu không khẳng định được các giá trị của thế hệ vàng mỹ thuật Đông Dương thì sẽ khó lòng tiếp nhận những giá trị mới của các thế hệ tiếp theo, từ khoá kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ rồi đầu đổi mới và hậu đổi mới”- hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.
Nhìn trong nước
Với một thị trường mỹ thuật đang phát triển tại Việt Nam tồn tại vô vàn những rối ren, bất cập của nạn tranh giả, sự không minh bạch trong đấu giá... Tại Việt Nam, việc bán tranh qua hình thức đấu giá thời gian qua đã hé lộ nhiều vấn đề bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp, dẫn đến nhiều rắc rối liên quan không đáng có. Mặc dù, hoạt động của các sàn giao dịch tranh còn tạo điều kiện cho các tác giả trẻ khẳng định giá trị và đóng góp vào sự nhộn nhịp, đa dạng của thị trường còn bỏ ngỏ, bấy lâu hoạt động chưa hiệu quả này.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà phê bình mỹ thuật bày tỏ sự băn khoăn khi các sàn đấu giá được tổ chức chưa giải quyết được câu chuyện nghệ thuật. Bởi với các thực chất các sàn đấu giá chỉ là một kiểu làm ăn mới trong lĩnh vực mỹ thuật mà nếu không có hành lang pháp lý tốt, không có những quy định ngặt nghèo cần thiết thì rất dễ tạo ra những hệ lụy, thậm chí làm xấu hình ảnh mỹ thuật trong nước. Một trong những mình chứng rõ nhất là triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của một nhà sưu tập Việt kiều đã bị họa sĩ Thành Chương lên tiếng tố cáo, rằng tranh của anh đã bị người bán thay đổi chữ ký thành tranh của họa sĩ Tạ Tỵ.
Chưa kể, tại các sàn đấu giá mỹ thuật tại Việt Nam thời gian qua là vô số “chuyện dở khóc dở cười” xảy ra xung quanh việc trúng đấu giá mua tác phẩm rồi là... “bỏ trốn”. Cá biệt, nhiều “đại gia” bỏ số tiền bạc tỷ đã quay ngoắt lại kiện nhà đấu giá vì cho rằng bức tranh của họ mua không phải là tranh thật. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bất cập này là chưa có những quy định rõ ràng về việc thẩm định tác phẩm để các nhà đấu giá lấy đó làm căn cứ. Thậm chí, nhiều chuyên gia về mỹ thuật còn tỏ ra hoài nghi về việc rất có thể có những sàn đấu giá sẽ tiếp tay cho “cò mồi” đưa tranh giả vào bán, hay có những hình thức gian lận khác trong kinh doanh.
Và như họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thừa nhận, mặc dù hiện nay mỹ thuật phát triển mạnh mẽ và đa dạng nhưng không phát hiện được bản sắc riêng nếu không có bút ký. Tính quốc tế hóa trong mỹ thuật cao nhưng tính bản sắc bị giảm bớt. Nhưng hơn cả với ông điều lo nhất hiện nay là tranh giả. Vì không được tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm nên mỗi khi nghe có tác phẩm được đấu giá cao lại gợn lên một lo lắng “Có phải tranh thật hay không?”.