Thông tin trên được ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ của Bộ Nội vụ diễn ra chiều 18/6.
Ông Vũ Đăng Minh cho biết, trong quý II-2021, Bộ Nội vụ đã tập trung tham mưu xây dựng các văn bản, đề án được cấp có thẩm quyền giao cho Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ cơ bản đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Đặc biệt tập trung tham mưu, hướng dẫn thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đảm bảo dân chủ, bình đẳng, an toàn, đúng quy định.
Đáng chú ý, ông Minh cũng thông tin hiện, Bộ Nội vụ đang tập trung xây dựng Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời trình Chính phủ xem xét, phê duyệt việc ban hành Nghị quyết chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030.
“Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 là vấn đề rất nhạy cảm và đang được Thủ tướng Chính phủ cho cho ý kiến. Vì là tối mật nên chưa thể cung cấp cụ thể thông tin cho báo chí” - ông Minh nói, và cũng cho biết Bộ Nội vụ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương giao biên chế và thực hiện tinh giản biên chế năm 2022 và các năm tiếp theo.
Ông Minh cũng cho biết thêm rằng, trong quý III-2021 sẽ trình Quốc hội thông qua đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV để kịp thời bố trí phương án nhân sự. Bên cạnh đó là trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Trả lời báo chí về việc cắt giảm văn bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, ông Nguyễn Tư Long, Vụ phó Vụ công chức, viên chức cho biết: Ngày 11/6, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 02 trong đó chính thức không quy định yêu cầu bắt buộc văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong việc tuyển dụng và trong quá trình dự thi nâng ngạch đối với công chức hành chính.
Lý do theo ông Long là do phản hồi của dư luận và công chức ngành hành chính thấy hưởng ứng của đại bộ phận.
“Chúng ta đang cắt giảm thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp thì cũng cần cắt giảm thủ tục hành chính đối với chính đội ngũ công chức, viên chức để giảm học hành “không cần thiết”-ông Long thông tin.
Ông Long cũng cho rằng, hiện các cơ quan quản lý theo vị trí việc làm. Cho nên tương ứng trình độ nào thì văn bằng chứng chỉ đáp ứng ở trình độ đó.
Ông Long nói: “Ví như một cán bộ làm ở vị trí không cần phải bằng tiếng Anh B2, nhưng nếu bắt phải có thì có thể dẫn đến việc cán bộ đó đi mua, hay sử dụng văn bằng chứng chỉ giả để sử dụng. Về tổng thể, chi phí học cho 1 văn bằng chứng chỉ là 2,5 đến 3 triệu đồng, toàn quốc có khoảng 300.000 công chức hành chính thì trong đó khoảng 200.000 người sẽ phải hoàn thiện văn bằng chứng chỉ trong thời gian còn lại. Như vậy nhân lên, cắt giảm các văn bằng chứng chỉ này sẽ giúp tiết kiệm tới hàng nghìn tỷ đồng, cùng đó là tiết kiệm thời gian và các chi phí xã hội cũng như các vấn đề phức tạp trong quá trình học”.
Liên quan đến việc ông Trần Văn Nam, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương không được xác nhận tư cách ĐBQH khóa XV trong khi cá nhân ông Nam đã trải qua 3 vòng hiệp thương vậy có kẽ hở trong việc giới thiệu?, ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương cho rằng: Hội đồng bầu cử quốc gia đã không xác nhận tư cách ĐBQH khóa XV đối với ông Trần Văn Nam là điều bình thường.
Theo ông Hùng, vì quan điểm của Đảng là khi phát hiện cán bộ sai phạm thì việc xử lý được diễn ra theo quy trình từng bước, cấp độ.
“Vi phạm hôm nay nhưng sau 1 thời gian mới phát hiện ra thì thời điểm phát hiện ra vi phạm sẽ xử lý. Cán bộ sai phạm thì phải bị xử lý. Như giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vẫn bãi nhiệm tư cách đối với những ĐBQH khi phát hiện sai phạm. Gần đây có ĐBQH đã qua 3 vòng hiệp thương nhưng khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm thì Hội đồng bầu cử quốc gia vẫn ra nghị quyết cho xóa tên khỏi danh sách để bầu làm ĐBQH khóa XV. Quan điểm của Đảng trong xử lý cán bộ sai phạm là rất nghiêm minh” - ông Hùng nói.