Đánh chặn từ xa, ngăn bệnh nhân chuyển nặng

Đức Trân-Lan Anh-Phạm Sỹ 22/07/2021 06:51

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều thay đổi mới, nhiều chiến lược đã được đặt ra để tối ưu hoá những nguồn lực hiện có. Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng mô hình điều trị “tháp 4 tầng” bước đầu đã cho hiệu quả tích cực. Còn Thủ đô Hà Nội đã sẵn sàng phương án nhằm triển khai sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn ngay khi được Bộ Y tế phân bổ vaccine.

Dựa trên mô hình điều trị “tháp 4 tầng” đang được vận hành hiệu quả tại TP HCM, các chuyên gia, bác sĩ đã tiến xa hơn một bước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 với chiến lược “đánh chặn từ xa, ngăn bệnh nhân chuyển nặng”.

Điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM.

Hạn chế tối đa nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng

Theo chiến lược này, 4 bác sĩ chuyên khoa hồi sức từ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy sẽ trực tiếp cắm chốt tại 4 BV ở tầng thứ 2 để cùng các BV này theo dõi đánh giá tình trạng, mức độ nặng của các bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng sẽ nhanh chóng được hội chẩn trực tuyến, đánh giá và lập tức được chuyển đến cơ sở y tế thuộc tầng điều trị tiếp theo.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy kiêm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19 TP HCM cho biết: “Sau khi hội chẩn, nếu xác định các trường hợp bệnh nhân có nhiều khả năng chuyển nặng thì lập tức sẽ được chuyển về BV Hồi sức Covid-19 cho thở oxy dòng cao chủ động để hạn chế tối đa nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng. Các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng nếu được kịp thời thở oxy dòng cao chủ động thì sẽ có khoảng 70% bệnh nhân chuyển về độ nhẹ. Do đó việc phát hiện sớm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh nhân chuyển nặng”.

Cũng theo TS Thức, bên cạnh việc “đánh chặn từ xa”, BV Hồi sức Covid-19 TP HCM cũng thành lập đội chuyên điều phối chuyển bệnh để phối hợp với các đơn vị khác trong hệ thống điều trị Covid-19 nhằm giúp việc chuẩn bị, chỉ định chuyển bệnh phù hợp hơn, hạn chế nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng trong quá trình chuyển bệnh. Đồng thời sẽ giúp các BV không bị lãng phí nguồn nhân lực.

“Trong mô hình tháp 4 tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 đang được áp dụng, nếu bệnh nhân nặng, nguy kịch cần được điều trị ở các BV thuộc tầng 3, 4 mà được chuyển đến BV thuộc tầng 2 thì có thể ảnh hưởng đến công tác điều trị cho bệnh nhân và ngược lại, nếu một bệnh nhân được chỉ định điều trị tại tầng 2 nhưng được điều chuyển đến tầng 3, 4 sẽ gây nên tình trạng quá tải ảo tại các BV chuyên điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, ảnh hưởng nguồn nhân lực, vật lực cho công tác điều trị”, TS Thức lý giải.

Người dân xếp hàng chờ lấy xét nghiệm Covid-19 tại Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế. Ảnh: Phạm Sỹ

Thay đổi mô hình điều trị

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Bình Dương liên tục tăng cao với hơn 3.000 ca bệnh đã được ghi nhận. Điều này tạo ra áp lực lớn cho hệ thống điều trị. Trước tình hình đó, để tối ưu hoá những nguồn lực hiện có, Bộ Y tế đã đề xuất mô hình điều trị “tháp 3 tầng” và yêu cầu Bình Dương tiếp tục trưng dụng đội ngũ y tế tại các BV ngoài công lập, thống kê số nhân lực cụ thể và phương án nhân lực cho kịch bản Bình Dương có 10.000 ca mắc.

BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Kịch bản 10.000 bệnh nhân là số lượng rất lớn so với tỉnh Bình Dương, nếu trường hợp này xảy ra, áp lực lên hệ thống y tế, công tác điều trị bệnh nhân sẽ rất lớn. Bởi thế, cần phải có phương án cụ thể để chuẩn bị cho kịch bản này.

Tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện mô hình điều trị phân cấp 3 tầng, đối với F0 không có triệu chứng, sẽ được đưa vào các cơ sở thu dung điều trị người mắc không triệu chứng, quan trọng nhất là X-quang để sàng lọc khi bệnh nhân có triệu chứng nặng, khi đó bệnh nhân sẽ được chuyển lên cấp điều trị cao hơn”.

TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ môi trường và nghề nghiệp (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai cho biết, điểm dịch nguy hiểm nhất là Công ty Changsin tại KCN Thạnh Phú. Đây là công ty sản xuất giày da với 36.000 công nhân, cư trú chủ yếu tại xã Thạnh Phú, Tân Bình, Thiện Tân, TP Biên Hoà và huyện Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương.

Tại xã Thạnh Phú, các khu phòng trọ công nhân ở xen kẽ với nhà dân, cư dân thường giao lưu, tiếp xúc giữa các phòng, đặc biệt là trẻ nhỏ thường tiếp xúc gần với nhau. Đánh giá tình hình tại xã Thạnh Phú, TS Sơn cho rằng, cần phải tăng tốc dập dịch tại xã này với tốc độ nhanh hơn dịch. Phải thực hiện phong toả chặt, không để lây lan rộng.

Áp lực không thể đong đếm

Mặc dù đã có nhiều điểm mới, nhiều thay đổi được đưa ra để góp phần giúp các bác sĩ có thể điều trị bệnh nhân một cách hiệu quả nhất, tuy nhiên, với số ca bệnh vẫn gia tăng hàng ngày tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, áp lực đang đè nặng lên đôi vai của các thầy thuốc.

Nhưng nói như BS Bùi Văn Thanh (BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP HCM), đang công tác tại BV dã chiến số 2 thì “Chúng tôi tự nhủ rằng mình là nhân viên y tế, việc chăm sóc cho người bệnh là điều hiển nhiên. Những người F0 càng cần sự ủng hộ của thầy thuốc hơn, mình càng chăm sóc tốt thì người bệnh chắc chắn sẽ cải thiện được tâm lý, mà tâm lý sẽ quyết định bệnh lý của người bệnh”.

Ngay khi đội ngũ các nhân viên y tế của BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP HCM được Bộ Y tế điều động tham gia chống dịch tại BV dã chiến số 2 cũng là lúc mẹ ruột của điều dưỡng Trần Thanh Huyền lâm bệnh nặng.

Chị kể: “Ngay ngày đầu tiên đến BV dã chiến số 2, gia đình thông báo là mẹ tôi gặp biến chứng do căn bệnh tiểu đường mà bà mắc hơn 30 năm qua. Tôi đành trình bày với Ban giám đốc BV tạo điều kiện cho xe cấp cứu để tôi về với gia đình”.

Tuy nhiên, đúng 1 ngày sau khi sức khoẻ của mẹ ổn định, chị Huyền đã quay lại BV cùng đồng đội tham gia chống dịch. BS Khánh nhớ lại: “Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã xin với Ban Giám đốc BV rút chị Huyền về để lo việc gia đình. Nhưng khi về nhà lo sức khoẻ cho mẹ được ổn định, chị Huyền lại lập tức lên xe quay trở lại BV, cùng anh em chiến đấu tiếp. Điều này khiến chúng tôi rất bất ngờ và xúc động”.

Đối với BS Khánh, anh em không ngại đi chống dịch, không sợ xông pha hiểm nguy, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn. Anh tâm sự: “Chúng tôi không thể đong đếm áp lực bằng con số mà chỉ có thể dùng cái tâm của người bác sĩ để giải quyết vấn đề”.

Hà Nội sẵn sàng chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, TP đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản nhằm triển khai sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn ngay khi được Bộ Y tế phân bổ vaccine. Hà Nội có đủ năng lực thực hiện chiến dịch này trong thời gian ngắn và sẽ đẩy mạnh công tác chuẩn bị để sớm nâng cao hơn nữa trong những ngày tới.

UBND thành phố đã yêu cầu ngành y tế Hà Nội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người để thiết lập đủ số dây chuyền tiêm. 1.200 dây chuyền phải thật đồng bộ, đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, ngành y tế phải xây dựng kịch bản tổ chức tiêm một cách chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; triển khai tập huấn, huấn luyện và diễn tập các phương án tiêm chủng.

Phương án chuẩn bị của TP Hà Nội tối đa là 200.000 mũi tiêm/ngày, quá trình thực hiện ngành Y tế phải phấn đấu đạt mức cao về số lượng, nhưng không chạy theo số lượng mà phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu chất lượng và quy trình do Bộ Y tế hướng dẫn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đưa ra nhận định, trong 1-2 tuần nữa, Hà Nội khả năng cao vẫn sẽ ghi nhận thêm các ca bệnh. Đây là điều đã nằm trong dự tính của lực lượng chức năng vì lượng người từ các vùng dịch vẫn đổ về Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng bày tỏ lo ngại Hà Nội vẫn còn tình trạng người dân tập trung tại một số điểm xét nghiệm theo yêu cầu, khó đảm bảo nguy cơ phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, nhiều người còn tìm mua các bộ kit test nhanh Covid-19 bán tràn lan trên mạng, không đảm bảo chất lượng, dẫn đến sai lệch về kết quả. Những điều này làm cho công tác phòng, chống dịch trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh chặn từ xa, ngăn bệnh nhân chuyển nặng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO