Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2023; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Doanh nghiệp cần nhiều giải pháp hỗ trợ
Vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm lo lắng là “sức khoẻ” của doanh nghiệp (DN). Theo ĐB Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐBQH Bắc Giang), báo cáo của Chính phủ cho thấy vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước năm 2023 đạt 1.919.000 tỷ đồng, tăng 2,7% và chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015 - 2019, số DN tạm ngừng kinh doanh và số DN giải thể đều tăng cao so với năm 2022, lần đầu tiên trong 5 năm qua số DN gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn so với lượng DN rút khỏi thị trường.
“Đây cũng là yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế” - ông Thi nói và đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá đầy đủ hơn về những khó khăn của DN, nhất là đối với khối DN tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển DN trong thời gian tới. Tạo điều kiện để DN ổn định đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng. Trong đó, vấn đề tạo dựng niềm tin của DN trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm, là nhiệm vụ trên hết.
Theo báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 68,4 nghìn DN rút khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, đến đầu tháng 4 ở mức 1,6%, cho thấy khả năng tiếp cận vốn của DN và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức; thị trường chứng khoán, trái phiếu DN suy giảm, thị trường bất động sản khó khăn. Chính phủ cần khẩn trương đưa các chính sách mới ban hành vào cuộc sống, giúp DN vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật mới được ban hành có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho DN.
ĐB Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH Quảng Ninh) cũng lo lắng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là DN tư nhân. Đầu tư khu vực tư nhân 4 tháng 2024 chỉ tăng 2,4%. Đầu tư tư nhân còn thấp, DN mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27%, thấp nhất so với nhiều năm trước.
Từ đó bà Lan kiến nghị Quốc hội có chính sách tài khóa phù hợp, hỗ trợ DN đầu tư kích cầu sản xuất trong nước, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính gây khó khăn cho DN.
Tương tự, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH Bình Thuận) kiến nghị, Chính phủ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ DN khắc phục tình trạng thiếu lao động. Nghiên cứu xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các DN, nhất là DN mới thành lập và DN vừa và nhỏ. Cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm rủi ro cho DN. Tháo gỡ các vướng mắc về vấn đề đất đai, nhất là vấn đề xác định giá đất cụ thể.
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công
Theo ĐB Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH Điện Biên), để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới dựa trên lợi thế so sánh quốc gia, bên cạnh việc cần khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì cần có những cơ chế, chính sách hết sức cụ thể để có thể chuyển hóa tiềm năng thành hành động thực tế.
“Kinh nghiệm của Hàn Quốc khi vừa công bố gói hỗ trợ 19 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn bao gồm tài chính, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển các DN vừa và nhỏ cũng rất đáng được quan tâm” - bà Yên dẫn chứng và đề nghị cần tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, chế biến, chế tạo, luyện kim, dệt may, da giày. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, nhất là khi xu thế đầu tư tư nhân có dấu hiệu giảm đáng kể so với giai đoạn trước.
Về 3 trụ cột tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, theo ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH Hải Dương), giải ngân vốn đầu tư công do địa phương quản lý còn rất thấp. Hết ngày 31/3 chỉ đạt 10,5% kế hoạch vốn được giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 12,16%. Cả nước tính đến tháng 4/2024 có 316 dự án tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bằng 0. Tương tự, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành dự kiến 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 8,58%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, tức là 27,2% và cùng kỳ các năm trước đó.
Ông Sơn đề nghị, Chính phủ tiếp tục phân tích sâu các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến trụ cột đầu tư chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là việc giải ngân đầu tư công tại các địa phương, tại các bộ, ngành. Đồng thời, đề nghị Chính phủ giải trình rõ về tiến độ trong phê duyệt các dự án ODA của các nhà tài trợ, kể cả nguồn tài trợ không hoàn lại. Làm rõ những yếu tố nào cần Quốc hội tháo gỡ sớm? Những yếu tố nào Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm? để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này.
ĐB Trần Thị Quỳnh (Đoàn ĐBQH Nam Định) cho rằng, trước áp lực lạm phát quay trở lại và dai dẳng trong thời gian qua cần phải có những chính sách ngành và các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ trực tiếp các nhóm ngành nghề như dệt may và các sản phẩm mang tính chất quan trọng, trọng yếu của nền kinh tế mà không gây nên áp lực tăng giá, ví dụ như lương thực và một số dịch vụ công như giáo dục và y tế. Ngân hàng Nhà nước cũng cần rà soát lại những khoản vay cũ chịu lãi suất cao của các DN vẫn phải chịu dẫn đến khó khăn, làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của DN.
Còn ĐB Nguyễn Việt Hà (Đoàn ĐBQH Tuyên Quang) kiến nghị, chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho DN. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước, trong đó tăng cường vai trò của các chính sách tài khóa như các chính sách đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua như miễn giảm gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, vận động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Bà Hà cũng đề nghị, tháo gỡ những khó khăn của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu để mở rộng kênh cung ứng vốn cho DN, hạn chế dần nguồn vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM), trước diễn biến phức tạp của thế giới, phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế. Cần quan tâm đến thị trường nội địa 100 triệu dân. Đặc biệt là tầng lớp trung lưu ngày nay ngày càng tăng. Đồng thời ưu tiên xúc tiến thương mại đối với thị trường lân cận, thị trường khu vực ASEAN, thị trường Trung Quốc, thị trường Ấn Độ.
Cần bố trí cán bộ nữ tiệm cận với các chức danh lãnh đạo
Về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, ĐBQH Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí hợp lý để việc triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về bình đẳng giới trong chương trình, kế hoạch và các dự án phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm thuận lợi. Công tác đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác bình đẳng giới nói riêng cần được quan tâm hơn, bố trí cán bộ nữ tiệm cận với các chức danh quy hoạch để đảm bảo nguồn lực cho các vị trí, chức danh lãnh đạo nữ. Cần đảm bảo chỉ tiêu để tạo cơ hội như nhau cho phụ nữ và nam giới.
Doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả chậm bị xử lý
Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, ĐBQH Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra ở các dự án chậm đưa vào sử dụng đất của các nông trường, lâm trường để hoang hóa. Sau thanh tra, kiểm tra còn đến 404/908 dự án, công trình chưa được xử lý. Một số DN, dự án có vốn đầu tư của Nhà nước còn thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục. Đề nghị Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn trách nhiệm đối với từng bộ, ngành, từng nhiệm vụ cụ thể để công tác thực hành tiết kiệm được triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả, không còn là rào cản cho sự phát triển KTXH trong năm 2024 và các năm tiếp theo.