Trong ngày 3/8, Hà Nội đã ghi nhận những ca dương tính đầu tiên là nhân viên siêu thị Vinmart Yên Sở, Vinmart Times City và khách sạn Pullman liên quan chùm ca bệnh Công ty Thanh Nga. Hiện lực lượng y tế vẫn đang tiếp tục truy vết và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp liên quan, từng bước “khóa” chùm ca bệnh.
Kiểm soát chùm ca bệnh Công ty Thanh Nga
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, chùm ca liên quan Công ty Thanh Nga là chùm ca bệnh phức tạp bởi liên quan đến các siêu thị, tuy nhiên, cần phải truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá về việc lây nhiễm ra các siêu thị. Nếu siêu thị không có F0 thì người dân đến đó mua sắm có thể an tâm.
Còn đối với những siêu thị có F0 thì nguy cơ lây nhiễm có thể chỉ xảy ra trong các trường hợp như người dân tiếp xúc, giao tiếp trực tiếp với F0. Hoặc trong trường hợp virus từ F0 di chuyển, tồn tại trên bề mặt của các bao bì đóng gói sản phẩm, người khác tiếp xúc rồi sờ vào mắt, mũi, miệng thì mới có khả năng lây nhiễm, không lây qua thực phẩm ăn uống, nấu chín. Theo đó, những người đi siêu thị tuân thủ đúng quy định về sát khuẩn, đeo khẩu trang là điều quan trọng nhất.
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng như một số tỉnh, dịch đang ở giai đoạn bùng phát, theo đó, những chùm ca bệnh như chùm ca bệnh của Công ty Thanh Nga không có gì bất thường. Chùm ca bệnh này hiện có thể truy vết và kiểm soát được bởi tất cả những địa chỉ giao hàng của công ty này đều cố định, có thời gian và thông tin đầy đủ.
Thời điểm này, Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách nên nguy cơ lây nhiễm đã được hạn chế bởi người dân đều thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn khi đến nơi công cộng. Có một điểm hạn chế trong siêu thị là sử dụng điều hòa nên việc lưu thông không khí sẽ bị ảnh hưởng nhưng nếu mọi người đeo khẩu trang, siêu thị thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch thì điểm hạn chế này sẽ được khắc phục.
“Những người đã từng đến các địa điểm đã công bố liên quan tới công ty Thanh Nga cần tự cách ly và lắng nghe cơ thể mình”, PGS Hùng khuyến cáo thêm.
Liên quan đến việc truy vết, khoanh vùng chùm ca bệnh này, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, hiện lực lượng y tế đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ những trường hợp liên quan, đồng thời tiếp tục thực hiện truy vết.
“Sơ bộ, số ca mắc mới liên quan sẽ có thể tăng trong những ngày tới. Để khoanh vùng chùm ca bệnh này thì việc quan trọng nhất vẫn phải tập trung truy vết”, ông Tuấn nói.
Thiết lập “vùng xanh”, lập tổ phụ nữ đi chợ hộ
Với tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Hà Nội, đặc biệt, các ca dương tính và các chùm ca bệnh rải rác ở nhiều địa bàn. Từng quận, từng phường đã và đang chủ động trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, sáng tạo nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Phường Mai Động, quận Hoàng Mai là địa bàn đầu tiên thực hiện việc thiết lập “vùng xanh” - vùng không có dịch. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Đặng Thị Thanh Bình, Bí thư Đảng uỷ phường Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết: “Trong hai ngày qua, chúng tôi thành lập được 40 chốt, toàn bộ là các ngõ ngách, khu dân cư, các tổ dân phố và những chung cư trên địa bàn.
Mục đích thành lập những chốt vùng xanh an toàn là nhằm chống lây nhiễm từ bên ngoài vào và giữ an toàn cho người dân. Đây là hoạt động được chỉ đạo thực hiện trên 14 phường của quận Hoàng Mai. Phường Mai Động và phường Đại Kim là hai đơn vị tiên phong.
Vùng xanh an toàn là mô hình mà nhân dân tự đứng lên rào chắn lại để bảo vệ, việc này đã giúp giảm áp lực cho chính quyền trong việc phải thành lập nhiều tổ cũng như phải chi trả những phần kinh phí. Đây là hoạt động do nhân dân tự xã hội hóa, đứng lên bảo vệ giữa các hộ gia đình, các ngách, khu dân cư… linh hoạt và mềm mại”.
Bà Bình thông tin thêm, người ra vào được kiểm soát chặt, phải có giấy tờ, đo thân nhiệt và ghi tên lại ngày đến, ngày về để khi xảy ra bất cứ vấn đề gì thì có thể tiến hành truy vết một cách nhanh nhất và an toàn nhất. Tất cả các ngõ ngách sẽ được rào chắn và người dân đi lại một con đường duy nhất và chính người dân khu vực đó tự kiểm soát người ra vào.
Điều này chắc chắn sẽ giảm áp lực cho chính quyền, mỗi một người dân sẽ là một chiến sĩ trong phòng chống dịch. Khi tiến hành việc làm, phường Mai Động đã nhận được sự ủng hộ của người dân, có những mạnh thường quân đã hỗ trợ thực phẩm để ở các chốt, người dân sẽ ra lấy mà không phải đi chợ.
“Chúng tôi quyết tâm tận dụng những ngày vàng trong giãn cách xã hội để ngăn sự lây nhiễm trong cộng đồng. Việc thực hiện những chốt vùng bảo vệ xanh này được tiến hành từ ngày 31/7 và sẽ làm quyết liệt trong những ngày giãn cách. Sau đó, sẽ nới lỏng dần theo đúng tinh thần chỉ thị của thành phố. Sau khi hết giãn cách chúng tôi sẽ có định hướng, chỉ đạo trong việc giữ những vùng xanh an toàn. Người dân và lực lượng chức năng sẽ chốt trực 24/24”, bà Bình nói.
Bên cạnh đó, một trong những biện pháp phòng, chống dịch mới được triển khai trên địa bàn phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm là việc thành lập “Tổ phụ nữ đi chợ hộ”. Nhiệm vụ của Tổ là tiếp nhận thông tin của các hộ dân có nhu cầu mua các mặt hàng thiết yếu vào hai buổi hàng ngày, sau đó, lên phương án, liên hệ với các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng để mua các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với Công an phường để vận chuyển và giao hàng tận nhà cho người dân. Đồng thời, những người được phân công nhiệm vụ phụ trách cần giữ liên lạc và chế độ thông tin, báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Trường Sinh, Chủ tịch UBND phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm cho biết: “Tổ phụ nữ đi chợ hộ nhận được sự ủng hộ người dân kể từ khi được lập ra. Chúng tôi sẽ thông tin bằng hệ thống zalo, giao cho các chi hội phụ nữ, sau đó từng người dân có nhu cầu sẽ thông tin những mặt hàng cần mua. Cùng với đó, chúng tôi kết hợp với một số siêu thị hoặc những đơn vị cung cấp để chuyển về cho người dân”.
Dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới
Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 440-TB/TU kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố”. Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP chỉ đạo khẩn trương hoàn thành trang thiết bị và kích hoạt 100% khu cách ly tập trung của các quận, huyện, thị xã để vận hành, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp F1 vào cách ly. Các địa phương, đơn vị chủ động, tích cực học tập, chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch bệnh như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ”, mô hình tổ dân phố tự quản bảo vệ “vùng xanh”.
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã, lực lượng kiểm tra TP tiếp tục kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, kể cả cơ quan Trung ương. Siết chặt hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, bảo đảm chỉ hoạt động khi đáp ứng yêu cầu an toàn phòng dịch và cam kết theo quy định. Kiểm soát, siết chặt các chốt vào TP, các chốt do các địa phương thiết lập, bảo đảm đủ lực lượng trực 24/24 giờ và 7 ngày/tuần.
Theo Thường trực Thành ủy Hà Nội, cần tận dụng tối đa các ngày giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để các trường hợp liên quan; dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, cố gắng không để lây lan rộng ra cộng đồng. Chủ động quyết định việc thực hiện các biện pháp cao hơn trong thời gian giãn cách xã hội như phong tỏa, ra lệnh giới nghiêm một khu vực có nhiều ca F0 để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Siết chặt công tác an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở y tế; tổ chức phân luồng khám, chữa bệnh, tăng cường khám, chữa bệnh từ xa để giảm số lượng người đến bệnh viện.
H.Vũ